Con đường đồng thuận
- Cập nhật: Thứ năm, 13/4/2017 | 6:47:15 AM
YBĐT - Con đường bê tông dài 1 km, với kinh phí trên 760 triệu đồng, trong đó Nhà nước cấp 500 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng đã hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của người dân thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân (Trấn Yên).
Nhân dân thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên làm đường giao thông nông thôn.
|
Chuyện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) không còn là chuyện xa lạ với các địa phương, mỗi nơi một cách làm, một sáng tạo mới, góp phần làm cho diện mạo nông thôn thêm phần khởi sắc.
Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay XDNTM”, thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã có những cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động nhân dân góp công, góp của, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn (GTNT), xây nhà văn hóa cũng như các thiết chế khác, mở mang bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Chưa phải là thôn xa, khó khăn nhưng Liên Hiệp lại là thôn có số dân đông nhất nhì của xã Minh Quân, với 173 hộ dân và 623 nhân khẩu. Nhiều năm qua, kìm hãm sự phát triển kinh tế của thôn chính là vấn đề giao thông.
Chỉ có hơn 1 km từ trục đường Yên Bái - Hiền Lương dẫn vào thôn mà bao nhiêu năm qua, người dân vẫn phải chịu cảnh nắng thì bụi, mưa thì lầy. Chương trình XDNTM như luồng gió mới đã mở ra cuộc sống mới cho người dân nơi đây.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông vừa mới hoàn thành, Trưởng thôn Cao Viết Thắng cho biết: “Khi nhận được kế hoạch của xã giao chỉ tiêu về thôn, trong năm 2016 hoàn thành con đường bê tông theo tiêu chuẩn đường GTNT miền núi, chúng tôi rất lo lắng, bởi tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2015 vẫn còn tới 40% thì việc đóng góp không đơn giản. Sau nhiều lần bàn bạc với lãnh đạo xã, Chi bộ thôn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về XDNTM, Ban Công tác Mặt trận thôn phối hợp với Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Nông dân và các đoàn thể trong thôn cùng nhau vận động nhân dân hưởng ứng”.
Nói là vậy, nhưng khi triển khai vào thực tế, đa phần các hộ dân trong thôn cuộc sống thuần nông, không ngành nghề phụ nên việc vận động đóng góp tiền để làm đường không đơn giản chút nào. Bởi vậy, sau rất nhiều cuộc họp để vận động, tuyên truyền, người dân vẫn bàn ra tán vào, người thì đồng tình ủng hộ, người thì không. Nghị quyết Chi bộ thôn đã ban hành, huyện, xã đã đồng ý, chỉ còn duy nhất tư tưởng người dân chưa thông.
Vậy là, Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận cùng các đoàn thể trong thôn phải họp tới gần chục lần bàn phương án giải quyết, bởi nếu tư tưởng có thông thì việc khó mấy cũng sẽ làm được. Sau khi thống nhất chủ trương, phát huy và nêu gương đảng viên tiên phong đi trước, vậy là 13 đảng viên trong thôn đã hăng hái đi đầu. Những đảng viên nào có diện tích đất đai, ruộng, vườn thuộc phạm vi mở rộng lòng đường đều đồng tình hưởng ứng.
Cùng với đó, các chi hội, đoàn thể cũng phát huy tốt vai trò của mình trong việc vận động hội viên, đoàn viên. Từ phong trào này, đã tạo sức lan tỏa lớn đến toàn thể người dân trong thôn.
Ông Nguyễn Đức Hòa - người hiến đất nhiều nhất thôn, với 138 m2 ruộng cho biết: “Nếu ai cũng có tư tưởng cục bộ, chỉ nghĩ lợi ích cho mình thì có lẽ chẳng bao giờ làm được con đường. Mình làm không phải cho riêng mình mà còn cho đời con, đời cháu mình cùng hưởng”.
Còn với cụ Cao Kim Đồng đã ở cái tuổi xưa nay hiếm cho biết thêm: “Với tôi, cuối đời mong có một con đường bê tông sạch sẽ về làng là hạnh phúc lắm rồi. Nhà chỉ có 2 mảnh ruộng, tôi tình nguyện hiến 117 m2 đất, bằng gần nửa diện tích ruộng của tôi. Nếu quy ra tiền cũng hơn 10 triệu đồng và với nông thôn thì cũng làm được khối việc. Song, tôi thấy, nếu ai cũng nghĩ vậy thì biết bao giờ làm được. Mình phải biết đặt lợi ích chung lên trước chứ. Đời mình đã vất vả thì phải để đời con cháu mình được mở mày mở mặt”.
Không chỉ có cụ Đồng, ông Hòa mà nhiều hộ khác trong thôn có diện tích đất đai, ruộng, vườn thuộc phạm vi đường cần mở rộng đều tự nguyện hiến đất, không đòi hỏi một chút đền bù. Bình quân mỗi hộ dân đều hiến khoảng 100 m2 đất để mở rộng lòng lề đường và tổng cộng có tới trên 1.600 m2 đất ruộng, vườn tạp được người dân tự nguyện hiến để làm đường.
Bước quan trọng đã xong, chỉ còn chờ ngày san gạt, mở rộng lòng lề đường thì do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vào cuối tháng 8 năm 2016 đã làm cho con đường trở nên lầy lội hơn, nhiều đoạn bị sạt lở, khiến cho việc san gạt phải lùi lại mất gần tháng trời. Nếu để nhân dân san gạt phải mất thêm một tháng nữa thì sẽ chậm tiến độ.
Sau khi bàn bạc, thống nhất với nhân dân tại cuộc họp thôn, phương án tối ưu được đưa ra là thuê đơn vị thi công san gạt mặt bằng bằng máy móc là hiệu quả nhất. Nhân dân trong thôn đã đồng tình hưởng ứng, mỗi hộ dân đóng 150 ngàn đồng thuê san gạt và hơn 1.360 m3 đất đá cũng được san gạt xong trong vòng một tuần.
Ngày khởi công đổ bê tông cũng đã được ấn định. Đây có lẽ là ngày vui nhất, không ai bảo ai, nhà thì tự nguyện cơm nước phục vụ miễn phí đơn vị thi công. Con đường bê tông dài 1 km, với kinh phí trên 760 triệu đồng, trong đó Nhà nước cấp 500 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng đã hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của người dân.
Xã Minh Quân phấn đấu về đích xã nông thôn mới trong năm 2017.
Đi trên con đường vừa mới hoàn thành, Trưởng thôn Cao Viết Thắng cho biết thêm: “Nhờ biết phát huy tinh thần dân chủ mà chúng tôi đã thành công như vậy. Nếu so sánh với các thôn khác, tiền đóng góp của mỗi gia đình thấp hơn nhiều và tổng kinh phí cho đoạn đường cũng rẻ hơn gần 100 triệu đồng”.
Thấy chúng tôi nói chuyện râm ran đầu ngõ, cụ Cao Kim Đồng chống gậy bước tới: “Cả cuộc đời tôi sống qua 2 thế kỷ, từ khi chiếc đèn dầu còn làm bạn với người dân rồi đến ánh sáng điện và nay thêm con đường bê tông sạch sẽ đến tận đầu ngõ, thật là vui lắm! Ngày con đường hoàn thành, tôi chống gậy đi ra đi vào tới cả chục lượt trên con đường mà cứ ngỡ mình đang mơ”. Với bà Vũ Kim Khuyến đã ngoài bảy mươi tuổi, sinh ra và lớn lên ở làng quê này, nay được đi trên con đường bê tông rộng thênh thang khiến bà không khỏi xúc động.
Bà Khuyến cho biết: “Ngày trước, khi chưa có con đường này, ngày nắng đã đành, chứ mưa gió chả muốn đi đến đâu. Đường thì nhỏ hẹp, lầy lội, già cả nhỡ ngã ra lại khổ con cháu. Ngày tết, con cháu về với ông bà, bố mẹ cũng vất vả. Vậy mà, tết năm ngoái, chúng nó ở Hà Nội rồi Lào Cai đánh ô tô về tận nhà lại đón tôi đi chơi mấy chỗ, vui lắm. Đúng là có con đường, làng quê khác hẳn đấy các anh ạ!”.
Góp vui với câu chuyện, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết: “Nhà tôi chăn nuôi hơn mười năm nay, bình quân mỗi lứa nuôi 50 con lợn thịt và hàng trăm con gà. Những lúc trời nắng không sao, khi gặp mưa gió, lợn đã tới dịp xuất chuồng mà thương lái không chịu vào bắt cho, nên gia đình phải thuê xe trâu, chở lợn hơn cây số ra tận đường cái để cân lên xe ô tô và trừ chi phí cũng chẳng lời lãi bao nhiêu. Từ khi có con đường, lứa lợn cuối năm ngoái, thương lái đánh ô tô vào tận ngõ để cân, thuận lợi đủ đường. Gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô để chăn nuôi lớn hơn”.
Quả thật, các yếu tố có ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhân dân là điện, đường, trường, trạm. Đường sá có thuận lợi thì giao thương hàng hóa mới dễ dàng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Mục tiêu lớn nhất và quyết tâm nhất là con đường đã xong. Giờ đây, người dân thôn Liên Hiệp lại tiếp tục đầu tư tiền của, vật chất xây dựng nhà văn hóa cũng như các thiết chế khác để xây dựng thôn ngày càng khang trang hơn.
Từ thôn Liên Hiệp, 8/8 thôn của xã Minh Quân cũng đồng lòng, dốc sức để XDNTM. Đến nay, xã đã có 14/19 tiêu chí XDNTM hoàn thành. Có thể thấy, phong trào XDNTM ở thôn Liên Hiệp nói riêng và của xã Minh Quân nói chung đã tạo ra luồng gió mới cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc; đồng thời, đưa Minh Quân về đích xã NTM trong năm 2017, rút ngắn thời gian so với mục tiêu đề ra.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Vài năm trước, Đầu Cầu, xã Xà Hồ có thể gọi là “thôn kỷ lục” với những con số đáng giật mình: gần 100% phụ nữ Mông không biết chữ, 80% hộ đói nghèo. Thôn còn được gọi là “thôn đẻ nhiều” với những gia đình có tới 10 đứa con lít nhít “trứng gà trứng vịt”.
YBĐT - Trong khi chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, nhiều người chăn nuôi bỏ chuồng trại thì mô hình nuôi bồ câu Pháp của anh Nguyễn Văn Thuần sinh năm 1987 được mọi người gọi là "Thuần bồ câu" ở thôn Tân An, xã Đại Phác, huyện Văn Yên đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.
YBĐT - Đã đến ăn gừng thì không sợ cay/ Đã định lội sông, không có thuyền vẫn lội/ Đã yêu em rồi, nhà không có tiền, anh bán ruộng vì em…
YBĐT - Văn Yên đang là địa phương đầu tiên trong tỉnh đi tiên phong chấn chỉnh mỹ quan đô thị văn minh, sạch đẹp và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.