Vươn ra thị trường lớn
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/5/2017 | 7:49:25 AM
YBĐT - Sau gần chục năm gắn bó với con gà, ở tuổi 30 trở thành ông chủ của Tổ hợp tác Chăn nuôi gà với trên 70 hộ thành viên trang trại, đặc biệt với thu nhập lý tưởng, gần 1 tỷ đồng/năm, những nỗ lực và thành công của Hoàng Huy Tuấn đã đưa anh trở thành một trong 10 gương mặt tiêu biểu của tỉnh Yên Bái dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2015 và là một trong những gương thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác của tỉnh Yên Bái năm 2016.
Hoàng Huy Tuấn (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăn nuôi gà với kỹ sư chăn nuôi của Phòng Nông nghiệp huyện Trấn Yên.
|
Liên kết chặt chẽ trên cơ sở hài hòa lợi ích; công bằng, minh bạch trong điều tiết lợi nhuận; cộng đồng trách nhiệm trong việc chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi - đó là nguyên tắc hoạt động của Tổ hợp tác Chăn nuôi gà mà ông chủ trẻ Hoàng Huy Tuấn ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đang là người cầm cân nảy mực, chèo lái đảm trách việc hoạch định chiến lược phát triển của Tổ hợp tác từ khâu kỹ thuật, con giống, thuốc, cám... đến khâu cuối cùng là đầu ra của sản phẩm cho trên 70 hộ trang trại. Thành công của Tuấn đã gợi mở hướng đi mới trong liên kết phát triển chăn nuôi hàng hóa bền vững, tạo sản phẩm uy tín, chất lượng vươn ra thị trường lớn...
Khởi nghiệp từ nuôi gà
Mưa xuân. Con đường đất vào trang trại của Tuấn trở nên khó đi hơn. Ngồi sau xe máy của anh Luyện - kỹ sư chăn nuôi thú y Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, nghe anh kể về mô hình mới, đang rất hiệu quả trong liên kết phát triển chăn nuôi gà ở địa phương, tôi càng nóng lòng muốn gặp cho được ông chủ trẻ ấy.
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Tuấn nằm cao trên đồi cây, phía dưới là trang trại chăn nuôi gà quy mô 3.000 - 4.000 con/lứa và vườn cây ăn trái. Tiếp chuyện chúng tôi là chàng thanh niên khá điển trai, dáng thư sinh với nụ cười duyên như con gái. Đôi mắt biết nói của Tuấn ánh lên sự tự tin, cương nghị và thiện cảm, tạo cho khách lạ cái cảm giác gần gũi, thân thiết như thể đã quen từ lâu.
Biết tôi có ý định tìm hiểu về công việc của mình, Tuấn điềm đạm kể: “Xuất khẩu lao động ở Malaysia 3 năm trở về quê chẳng biết làm gì chị ạ. Nhà thì nghèo, nghĩ cảnh đi làm thuê làm mướn cũng chán nên em xoay ra nuôi gà. Làm nông nghiệp từ bé nên em cũng thích chăn nuôi. Cứ vừa làm, vừa học, vốn liếng đi về khi ấy chỉ đủ đầu tư vào chuồng trại. Sự trợ giúp của gia đình về vật chất buổi đầu khởi nghiệp gần như không có gì, nhưng bù lại em luôn được bố khuyến khích, động viên phát triển chăn nuôi trang trại theo định hướng của tỉnh nên vững tin hơn"
"Ban đầu vốn ít, em chỉ dám mua trứng về ấp, quy mô nuôi 300 con. Năm 2010, xuất bán lứa gà đầu tiên, em lãi 15 triệu đồng. Không dám ăn tiêu lấy một nghìn; lứa thứ 2 liều vay bà cô 30 triệu đầu tư nuôi 500 con gà thịt, lãi một gấp đôi. Thấy nuôi gà hiệu quả nên em lao vào làm, quy mô đầu tư nuôi mỗi năm một lớn hơn, từ 1.000 con/lứa, đến giờ là 4.000 - 5.000 con/lứa. May mắn là làm lần nào được lần ấy...”. Tuấn nói.
Có duyên với chăn nuôi - đó chỉ là một phần may mắn rất nhỏ, còn để có được thành công hơn người, Tuấn đã bỏ ra không ít thời gian và công sức để tìm tòi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ chăn nuôi trang trại lớn trong tỉnh, nhất là anh em, bạn bè làm trang trại chăn nuôi gà ở tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc...
Mối quan hệ với các bạn hàng và đối tác được mở rộng khi Tuấn liên kết được với các công ty phân phối thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở cung cấp con giống uy tín ở Bình Định để lấy hàng theo kiểu mua tận gốc. Chi phí giảm, đồng nghĩa với việc thu về lợi nhuận cao đã nhen nhóm trong Tuấn ý tưởng táo bạo liên kết tự nguyện trong phát triển chăn nuôi theo mô hình tổ hợp tác, tham vọng từng bước đưa con gà của người chăn nuôi Yên Bái vươn ra thị trường lớn.
Vượt ra lũy tre làng
Khác hẳn với lối chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm theo truyền thống, sau nhiều năm đơn thương độc mã tìm hiểu thị trường tiêu thụ và nắm bắt khả năng sản xuất thực tế ở địa phương, hai năm qua, Hoàng Huy Tuấn đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác Chăn nuôi gà. Hoạt động trên nguyên tắc hài hòa lợi ích; công bằng, minh bạch trong điều tiết lợi nhuận; cộng đồng trách nhiệm trong việc chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt kỹ thuật theo phương thức hộ làm tốt, làm trước phổ biến hướng dẫn cho những hộ mới, hộ làm sau.
Việc chọn lựa các thành viên tham gia Tổ hợp tác trên tinh thần tự nguyện nhưng không ào ào, dễ dãi theo số đông mà đáp ứng và tuân thủ các điều kiện hoạt động chặt chẽ.
Theo Hoàng Huy Tuấn: “Làm kinh tế không thể làm theo phong trào, nhất là trong chăn nuôi, ranh giới của thành công và thất bại, lợi nhuận và rủi ro là rất mong manh. Bởi thế, sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các hộ trang trại thành viên trong tổ hợp là yếu tố quyết định. Sẽ không thể vươn ra thị trường lớn, không thể có tiếng nói trọng lượng trong đàm phán, thương lượng nếu không có sản phẩm tốt, số lượng đủ lớn đáp ứng nhu cầu của đối tác cũng như nhu cầu của thị trường. Thực tế là phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cho nên khó xây dựng được các chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, dẫn đến không cạnh tranh được giá bán trên thị trường”.
Hiện nay, Tổ hợp tác Chăn nuôi gà do Tuấn làm chủ đã phát triển được trên 70 hộ trang trại thành viên, chủ yếu ở địa bàn huyện Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái. Quy mô chăn nuôi ít là 1.000 con/lứa, trung bình 3.000 - 5.000 con/lứa. Cá biệt, có những trang trại chăn nuôi quy mô lớn 7.000 - 10.000 con gà/lứa. Để vận hành hiệu quả và điều tiết ổn định đầu ra cho sản phẩm, Tổ hợp tác đứng ra tổ chức, lập kế hoạch cung cấp đầu vào từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết chăn nuôi có hiệu quả.
Ông chủ Tuấn cho biết: “Toàn bộ các hộ trang trại thành viên trong Tổ hợp tác đều nuôi đồng nhất một giống gà, đó là gà Minh Dư của Bình Định. Đây là giống gà đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nhiều năm và sử dụng nguồn cám của Tập đoàn Sản xuất thức ăn chăn nuôi Dabaco. Tổ hợp tác hiện đã ký kết được với một số thương lái lớn ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, Thường Tín, Hà Nội với nguồn cung ổn định, trung bình từ 30.000 - 40.000 con gà thịt/tháng. Việc phát triển thêm các thành viên mới không phải là mục tiêu của Tổ hợp tác mà liên kết bền chặt để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đủ sức cạnh tranh, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định và thu nhập có lãi cao cho người chăn nuôi mới là mục tiêu chiến lược được Tổ hợp tác đặt lên hàng đầu”.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Tổ hợp tác đảm nhận bao tiêu đầu ra khoảng trên dưới 40.000 con gà thịt cho các hộ trang trại thành viên. Mặc dù giá thành đầu ra sản phẩm xuất bán thời điểm hiện tại không cao bằng các năm trước, chỉ đạt 45.000 đồng/kg gà thịt, song từ chi phí giá thành đầu vào thấp, thu nhập có lãi cho các hộ trang trại thành viên vẫn duy trì ổn định ở mức 25 - 30 triệu đồng/ 1.000 con gà thịt/lứa.
Không thể phủ nhận, các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh đã và đang khuyến khích phát triển mạnh hoạt động chăn nuôi theo mô hình gia trại. Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có trên 70 mô hình chăn nuôi gà quy mô từ 1.000 con trở lên; gần 230 mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái và 36 mô hình chăn nuôi trâu, bò được hỗ trợ theo chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh. Riêng thị trấn Cổ Phúc hiện có khoảng 120 hộ phát triển chăn nuôi gà quy mô từ 1.000 - 5.000 con gà thịt/lứa.
Nhìn lại hoạt động của ngành chăn nuôi, việc mạnh ai lấy nuôi vẫn là thực trạng phổ biến chung. Bài học rớt giá thảm hại trong chăn nuôi lợn thời gian gần đây đang đặt ra không ít trăn trở cho ngành chăn nuôi nước nhà.
Thực tế, tuy là mô hình liên kết tự nguyện nhóm hộ trong chăn nuôi, song hoạt động hiệu quả của Tổ hợp tác Chăn nuôi gà đầu tiên ở huyện Trấn Yên do Hoàng Huy Tuấn làm chủ đã cho thấy một hướng đi phù hợp trong phát triển chăn nuôi hàng hóa; bước đầu hình thành được các chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Theo Hoàng Huy Tuấn: “Vấn đề cốt lõi để duy trì hoạt động hiệu quả của Tổ hợp tác không gì khác là phải duy trì và đảm bảo được sự công bằng, minh bạch trong điều tiết lợi nhuận kinh tế giữa các hộ thành viên. Việc đảm bảo hài hòa được lợi ích kinh tế là yếu tố quyết định sự liên kết bền vững của tổ hợp. Điều này, đòi hỏi trách nhiệm, sự vô tư, công tâm của người đứng đầu trong điều tiết sản lượng đầu ra; nhất là sự năng động, nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường, liên kết được với các công ty, hàng uy tín, tạo dựng thương hiệu sản phẩm và thị phần trên thị trường”.
Thành công từ mô hình liên kết tự nguyện nhóm hộ trong phát triển chăn nuôi gà ở huyện Trấn Yên mà Hoàng Huy Tuấn là người khởi xướng thực hiện đã và đang mở ra hướng chăn nuôi mới, giúp người dân giảm thiểu rủi ro, góp thêm một giải pháp hữu hiệu giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đưa con gà Yên Bái vươn ra thị trường lớn.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Hai em học sinh dân tộc Tày - Hà Văn Cường học lớp 12A11 và Hoàng Văn Mười học lớp 12A10, Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên) vừa giành giải Nhì cuộc thi "Sáng tạo xanh" do Tổng cục Môi trường và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức.
YBĐT - Nổi bật là phong trào hiến đất làm đường trong nhiều năm qua. Từ năm 2011 - 2016, nhân dân trong huyện đã hiến trên 16 ha đất, đóng góp hàng tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa...
YBĐT - Cánh rừng quế bạt ngàn hơn 30 ha mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng là thành quả lao động mà “đại gia đình nông dân” ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã đạt được nhờ sự cần cù lao động và tinh thần đoàn kết làm giàu luôn thôi thúc trong họ.
YBĐT - Từng bước khắc phục những khó khăn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng Ca đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Hồng Ca có những vùng sản xuất măng tre Bát độ, cây ăn quả, chè...