Hồng Ca tươi màu no ấm
- Cập nhật: Thứ hai, 19/6/2017 | 6:43:39 AM
YBĐT - Những mùa quả ngọt đầu tiên bội thu, nhiều người dân ở xã Hồng Ca (Trấn Yên) cứ ngỡ như mơ, bởi trước nay, ít ai nghĩ ở đồi đất này lại trồng được cây ăn quả.
Cán bộ nông nghiệp xã trao đổi kỹ thuật phòng bệnh trên cây bưởi Diễn cho nông dân. Áp dụng phương pháp an toàn sinh học trong chăm sóc vườn quả.
|
Không những thế, năng suất, chất lượng chẳng thua kém những vùng quả có tiếng trong tỉnh. Nuôi khát vọng làm giàu từ đất, giờ thì nhiều người lại quay về chuyên tâm với ruộng vườn, mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả, trồng rừng kinh tế...
Quyết tâm xây dựng nông thôn mới với việc phát huy hiệu quả bền vững các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học bằng nguồn lực nhà nước và nhân dân cùng làm, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới… là động lực quan trọng để Hồng Ca khai thác tiềm năng đất đai, phát huy nội lực nền kinh tế.
Không còn đồi đất bỏ hoang, người dân địa phương đã sớm nhận thấy giá trị của đất đai. Chuyện nhà nào có nhiều đồi rừng là giàu đang đúng với không ít hộ ở Hồng Ca khi lựa chọn hướng phát triển kinh tế rừng, trồng cây đặc sản quế, cây tre măng Bát độ và giờ là cây ăn quả để làm giàu.
Đưa chúng tôi đi thăm một số hộ có diện tích trồng cây ăn quả lớn của xã, anh Cao Hà Thảo - công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường xã cho hay: “Những mô hình kinh tế cho hiệu quả tốt ở địa phương hiện nay phần lớn là của các gia đình trẻ. Phải nói là họ năng động, dám nghĩ dám làm. Kinh tế rừng cho thu nhập ổn định nên những gia đình có nhiều đất, biết tính toán làm ăn ở địa phương những năm gần đây đang giàu lên trông thấy”.
Người đầu tiên ở Hồng Ca mạnh dạn chuyển đổi đất ruộng thử nghiệm trồng cây ăn quả phải kể đến vợ chồng anh Lương Đình Khương ở thôn Nam Hồng. Chẳng phải ngẫu nhiên ông chủ trẻ này lại liều mình “đánh bạc” với cây cam. Vốn làm nghề buôn hoa quả nhiều năm nên anh Khương có may mắn được đi đây đi đó, học hỏi được ít nhiều kinh nghiệm của các chủ vườn.
Nhận thấy trồng cây ăn quả cho thu nhập cao, năm 2010, anh mạnh dạn chuyển đổi 3 sào ruộng cạn năng suất thấp sang trồng thử nghiệm cam Đường canh. Vụ quả đầu tiên thành công hơn cả mong đợi, gia đình anh thu tới trên 60 triệu đồng.
Không còn hoài nghi về giá trị kinh tế của cây cam, anh Khương tích lũy vốn mua thêm đất đồi, đầu tư mở rộng diện tích trồng, chủ yếu với 5 loại cây ăn quả có múi đầu ra tốt, được thị trường ưa chuộng gồm cam Đường canh, cam Vinh, cam V2 chín muộn, cam sành và bưởi Diễn. Suy nghĩ: “Làm kinh tế là phải chắc chắn. Làm nhỏ thành công mới đầu tư làm lớn”, anh Khương lặn lội tìm mời cho bằng được ông chủ vườn cam lớn nhất nhì ở đất Cao Phong (Hòa Bình) lên tư vấn kiến thức trồng, chăm sóc.
Đồng thời, lấy mẫu đất gửi về Trường Đại học Nông nghiệp 1 để khảo nghiệm. Chắc chắn với những cơ sở khoa học mà các chuyên gia đánh giá, được tư vấn kỹ thuật và kinh nghiệm trồng bài bản, cây giống được tuyển chọn tại các nhà vườn uy tín ở đất Cao Phong, năm 2015 - 2016, anh Khương đã phát triển quy mô trang trại trồng cây ăn quả lên tới gần 8 ha, trong đó có gần 1.000 gốc cam Cao Phong. Năm 2016, với hơn 300 gốc cam Đường canh cho thu hoạch ổn định, gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng.
Anh Khương dự tính một, hai năm tới, nguồn thu của gia đình sẽ tăng lên đáng kể khi mà diện tích bưởi, cam các loại đồng loạt cho thu hoạch.
Nhận rõ hiệu quả kinh tế của cây ăn quả, hiện nay, ở xã Hồng Ca đã có không ít hộ mạnh dạn đầu tư phát triển cây ăn quả có múi với quy mô diện tích từ 0,5 ha đến vài héc - ta như hộ ông Hà Văn Bảo, Lương Văn Tưởng, Đoàn Chí Công… mỗi năm thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Chỉ riêng thôn Nam Hồng - thôn trọng điểm phát triển cây ăn quả của xã Hồng Ca hiện đã có gần chục hộ trồng cây ăn quả với diện tích trên 20 ha.
Anh Đoàn Chí Công ở thôn Khe Nhàng, sau hơn chục năm trồng cam sành quy mô diện tích nhỏ, đã đầu tư trên nửa tỷ đồng quy hoạch trang trại trồng cam Đường canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh và các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Công: “Trồng cây ăn quả khá vất vả. Ngoài yếu tố về kỹ thuật thì phần lớn những hộ làm vườn phải có điều kiện kinh tế”. Thực tế này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của địa phương trong việc định hướng phát triển vùng cây ăn quả tập trung.
Ông Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Xã không khuyến khích người dân phát triển diện tích trồng cây ăn quả một cách ồ ạt. Thâm canh cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật cao nên chủ trương của xã là quy hoạch phát triển vùng trồng cây ăn quả ở các thôn vùng thấp. Trong đó, tập trung vào các hộ có điều kiện kinh tế, có tâm huyết, có trình độ canh tác, áp dụng tốt tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất…”.
Vườn cam Đường canh của gia đình anh Lương Đình Khương được trồng trên đất cấy lúa kém hiệu quả.
Từ định hướng cụ thể, Hồng Ca đã quy hoạch được vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung ở 4 thôn là: Chi Vụ, Khe Nhàng, Nam Thái, Nam Hồng. Đến nay, toàn xã đã có gần 70 ha cây ăn quả có múi. Năm 2017, người dân đã trồng mới được 17 ha cây ăn quả, vượt kế hoạch giao 2 ha. Mục tiêu đến năm 2020, trồng mới thêm 40 ha để có vùng trồng cây ăn quả chất lượng, cho giá trị kinh tế cao với diện tích tập trung khoảng trên 100 ha.
Hồng Ca đang phát huy tốt nguồn lực nội sinh để khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế địa phương. Việc xác định rõ cây kinh tế chủ lực trong phát triển kinh tế hộ, kinh tế vùng đã cho phép địa phương hình thành được những vùng cây trồng phù hợp, hiệu quả, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân.
Bên cạnh việc định hình vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung, xã đã quy hoạch được vùng trồng cây đặc sản quế với trên 2.000 ha hiện có, vùng trồng tre măng Bát độ trên 700 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông như: Hồng Lâu, Khe Ron, Khe Tiến, Khuôn Bổ, Chi Vụ, Liên Hợp... Đất Hồng Ca mỗi ngày thêm xanh, bởi kinh tế rừng mỗi năm đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân địa phương.
Không còn ly hương, đồng bào Mông 4 bản khó khăn nhất đã yên tâm định cư, xây dựng đời sống mới. Cơ hội làm giàu từ đất mở ra cho những nông dân tâm huyết, nhất là những người trẻ nuôi khát vọng làm giàu trên chính quê hương như vợ chồng ông chủ trang trại trồng cây ăn quả ở thôn Nam Hồng - Lương Đình Khương; Đoàn Chí Công thôn Khe Nhàng... với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ định hướng phát triển kinh tế đúng, Hồng Ca đặt mục tiêu đến năm 2020, đưa mức thu nhập bình quân của người dân đạt ngưỡng 25 triệu đồng/người/năm.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Lên vùng cao Mù Cang Chải hôm nay, theo những con đường sạch sẽ vào bản làng, nhìn những ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp, cũng ti vi, tủ lạnh, cũng đèn điện sáng... thấy rõ sự đổi thay. Sự đổi thay ấy có sự đóng góp tích cực từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của các cấp hội phụ nữ.
YBĐT - “Đời sống mới trong trường học” - là khái niệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra trong tác phẩm “Đời sống mới” xuất bản năm 1947. 70 năm trôi qua, những điều Người viết về “Đời sống mới trong trường học” vẫn còn nguyên giá trị.
YBĐT - Cách đây khoảng chục năm về trước, đến thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, đến đâu cũng thấy những con đường đất lầy lội bao quanh những đồi chè xanh tốt nhưng cái nghèo vẫn bám riết lấy người dân nơi đây vì họ quá “thủy chung” với những nương chè già cỗi.
YBĐT - Anh bảo, ở mỗi vườn cam, anh đều thiết kế riêng một ngôi nhà để tiện đi lại, ở đó, chăm sóc cam và... thưởng thức vẻ đẹp của cam cùng thành quả lao động của mình. Dân quanh vùng bảo, gia đình anh giàu lên nhờ cam. Có lúc thu ba, bốn trăm triệu đồng tiền cam bỏ vào tủ mà cả hai vợ chồng đều quên khuấy.