Vẹn tròn chữ nghĩa, chữ tâm

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/9/2017 | 1:50:51 PM

YBĐT - Từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 118, Sư 345; đảm nhiệm huấn luyện Đại đội Lục quân 2, huấn luyện lực lượng địa phương tại tỉnh Hải Dương và tham gia chiến đấu ở nhiều mặt trận miền Trung, miền Bắc… nhưng khi hỏi ông Vũ Văn Tính, 76 tuổi ở thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái về những chiến công, những thương tích trong mưa bom lửa đạn với kẻ thù xâm lược, ông đều lắc đầu khiêm tốn: "Chẳng đáng kể gì so với những người lính đã anh dũng hy sinh…”.

Trung tá Vũ Văn Tính trong đời thường vẫn hết sức giản dị, chân tình và luôn tâm nguyện được góp ích cho đời.
Trung tá Vũ Văn Tính trong đời thường vẫn hết sức giản dị, chân tình và luôn tâm nguyện được góp ích cho đời.

Những câu chuyện về cuộc đời áo lính, những gian nan vất vả, những hy sinh thầm lặng của ông Tính trong cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược chỉ được nghe khi tôi theo chân ông đến nhổ cỏ, làm vệ sinh và thắp nhang cho các anh hùng liệt sỹ tại Khu nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ xã Tuy Lộc.
 
"Ngày nào, ông ấy chẳng đến Khu nhà bia, thời gian ở trên đó có khi nhiều hơn ở nhà đấy” - bà Nguyễn Thị Hiếu vợ ông Tính cho biết. Đang còn dở câu chuyện thì đã thấy ông Tính cầm dao, chổi, đội mũ rảo bước về phía Khu nhà bia, tôi vội vàng theo sau. Ông quay lại hỏi:

- Cháu đi theo làm gì?

- Cháu muốn lên thắp nén nhang tỏ lòng tri ân với các anh hùng liệt sỹ!

- Vậy thì được!

- Cháu nghe mọi người nói, bác là người hiến toàn bộ khu đất này để xây dựng Khu nhà bia?

- Một chút lòng thành, có gì mà đáng nói đâu cháu!

Khu nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ xã Tuy Lộc tọa lạc trên quả đồi rộng rãi thoáng mát với diện tích gần 1.000 m2 lại nằm ngay khu vực trung tâm xã rất thuận tiện cho việc đến tham quan, thắp nhang của người dân nơi đây. Đến khu nhà chính, nơi có bia ghi tên các anh hùng liệt sỹ, ông Tính cẩn thận lau dọn bàn nhang, mặt bia, rồi dùng chổi quét dọn sạch sẽ xung quanh. Sau đó, ông chỉnh sửa lại trang phục, tiến về bàn hương, thắp nhang thể hiện lòng thành kính với những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập của nước nhà. Rồi ông ngồi xuống bên cạnh, nhìn chăm chú vào từng dòng họ tên được khắc trên tấm bia ấy, lặng lẽ thật lâu.
 
Dường như trong sâu thẳm đôi mắt đang rớm lệ kia là những tâm sự khó diễn tả bằng lời của những người lính với nhau. Họ từng là những người đã đi qua cuộc chiến, người còn sống và người đã anh dũng hy sinh, nhưng đều chung một lý tưởng cách mạng, một ý chí kiên trung và một nghĩa tình sâu sắc, vẹn nguyên của Bộ đội Cụ Hồ.
 
"Là người lính xông pha nơi trận mạc, điều gì khiến ông cảm thấy trân trọng nhất?” - tôi hỏi. "Tình đồng đội là thứ đặc biệt nhất cháu ạ!”. Và cứ thế những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội; những năm tháng đau thương, mất mát nhưng đầy hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù được ông tâm sự sau nhiều năm chôn giấu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông tại xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, giống như bao thanh niên thời chiến luôn mang trong mình hoài bão, lý tưởng cách mạng, mong muốn được cống hiến tuổi trẻ cho nền độc lập dân tộc, sớm rời ghế nhà trường, chàng thanh niên Vũ Văn Tính đã làm đơn lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được điều động vào Trung đoàn 94, Sư 325 tại chiến trường Quảng Bình và chiến đấu ở nước bạn Lào. Năm 1964, ông tiếp tục được cấp trên phân công tham gia chiến đấu tại Thừa Thiên Huế.
 
9 năm chiến đấu tại mặt trận miền Trung - nơi cuộc chiến diễn ra khốc liệt nhất giữa quân ta và giặc Mỹ cũng là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm đau thương mà vinh quang và hạnh phúc nhất đối với anh lính trẻ Vũ Văn Tính. Đau thương nhất chính là tận mắt chứng kiến bom đạn của kẻ thù rải xuống mảnh đất quanh năm đói nghèo rồi phải tự tay lấp đất tiễn biệt những người đồng đội của mình. "Đau xót lắm cháu ơi! Tất cả như vẫn còn nguyên nơi đây!” - ông Tính xúc động đặt tay lên ngực nghẹn lời.
 
Năm ấy, người đồng đội, người anh em thân thiết nhất của ông đã hy sinh trước sự bất lực của ông và đồng đội. Dưới làn bom đạn của kẻ thù, ông liều mình ôm xác bạn lui về phía sau chiến tuyến, khuôn mặt của người đồng đội trước khi nằm xuống vẫn bình thản, nhẹ nhàng như nhắn nhủ: "Hãy tiếp tục sống và chiến đấu cho cả tôi nữa nhé!”. Trận chiến ấy, ông không chỉ mất bạn, bản thân cũng bị vết thương nơi vùng trán.
 
Niềm hạnh phúc riêng đến mình khi người đồng đội, cấp dưới của ông là Nguyễn Việt Vinh đã tin tưởng, chủ động giới thiệu em gái của mình - một sinh viên Khoa Văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội - người vợ ông sau này. Những cánh thư động viên từ hậu phương đã dần sưởi ấm trái tim người lính trẻ. "Bấy giờ, tôi cũng chưa biết yêu là như thế nào.
 
Chỉ biết, từ những dòng thư tay viết vội nơi chiến trường dạt dào cảm xúc và rất đỗi chân thành với người con gái nơi hậu phương và ngược lại đã cổ vũ tinh thần và vun đắp cho tình yêu của chúng tôi”. Nghe ông gợi chuyện, bà Hiếu quay sang nắm tay ông thật chặt.
 
Tháng 6/1973, ông bị thương và ra Bắc điều trị. Sau 3 tháng nghỉ dưỡng tại Hải Dương ông Tính được điều động về Quân khu 3 đảm nhiệm huấn luyện Đại đội Lục quân 2 và huấn luyện lực lượng bộ đội địa phương. Vốn là người lính quen với xông pha trận mạc, ngay sau đó, ông Tính đã chủ động xin cấp trên để mình tiếp tục tham gia chiến đấu tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị.
 
"Ban đầu nghe những người đồng đội kể ông Tính là người lính tham gia hầu hết các mặt trận khu vực miền Trung và là dũng sỹ diệt Mỹ xuất sắc của đơn vị đóng quân, tôi không tin lắm bởi những người lính tham gia chiến trường năm ấy hầu hết đều một đi không trở lại. Nhưng khi gặp ông Tính, tôi đã thực sự hiểu và cảm phục ông vô cùng!” - ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tuy Lộc chia sẻ.
 
Thống nhất đất nước, ông tiếp tục xin cấp trên tham gia Trung đoàn 155, Sư đoàn 327 đem quân đi đánh địch ở biên giới Lạng Sơn. Năm 1979, với những cống hiến của mình cho quân đội, ông Tính tiếp tục được cử đi học tại Học viện Lục quân ở Đà Lạt. Năm 1982, ông học xong và được phân công phụ trách Quân đoàn 29 ở Hoàng Liên Sơn.

Năm 1988, Trung tá Vũ Văn Tính phục viên về nghỉ cùng vợ con ở xã Tuy Lộc, huyện Trấn Yên (nay là thành phố Yên Bái). Tại đây, với uy tín của mình ông đã được chính quyền địa phương tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ: làm Bí thư Chi bộ thôn Hợp Thành, rồi Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tuy Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Hợp Thành…
 
Ở cương vị nào ông cũng đều làm tốt và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nếu như trong chiến trận, ông là người lính đã anh dũng, được phong tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, thì về cuộc sống đời thường ông lại là người sống chân thành, giản dị, luôn hòa đồng với bà con lối xóm. Ông luôn sống có trách nhiệm, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và đã nói thì phải làm cho bằng được.
 
Ông tâm niệm: "Biết bao chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc để chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập thì những việc như đóng góp, hiến đất, ủng hộ để xây dựng quê hương có đáng là bao. Muốn người thân trong gia đình, bà con trong thôn, xóm ủng hộ thì mình phải là người đi đầu!”.
 
Bởi vậy, trong quá trình xây dựng trụ sở UBND xã Tuy Lộc khi phần đất được quy hoạch lại là phần đất thuộc Khu nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ của xã, ông Tính đã bàn với các cụ trong Hội NCT, xin ý kiến lãnh đạo xã để mình được hiến gần 1.000 m2 đất có vị trí đắc địa tại trung tâm xã Tuy Lộc làm Khu nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ. Ông cũng đồng thời, hiến toàn bộ diện tích đất phía trước Khu nhà bia sau khi xây dựng xong để làm đường giao thông liên thôn…

Vẹn tròn chữ nghĩa với đồng đội đã hy sinh, vẹn tròn chữ tâm với quê hương đất nước, vẹn tròn chữ tình với gia đình, bà con lối xóm, Trung tá Vũ Văn Tính trong đời thường vẫn hết sức giản dị, chân tình và luôn tâm nguyện được góp ích cho đời. Với tôi, được gặp ông là một điều may mắn, vinh dự lẫn tự hào. Luôn mong ông khỏe mạnh để tiếp tục lan tỏa lối sống giản dị và tấm lòng cao cả ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ!

Ngọc Sơn

Các tin khác
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm rọ tôm.

YBĐT - Đến với xã Phúc An, huyện Yên Bình những ngày tháng 9, khi mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đây phấn khởi được đón nhận quyết định công nhận làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm mới thấy hết cái không khí rộn ràng. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên là dọc tuyến đường dẫn vào thôn Đồng Tâm ngập tràn những chiếc rọ tôm buộc thành từng túm hong khô trước sân nhà, khiến chúng tôi không khỏi tò mò để rồi "say” với câu chuyện của làng nghề đã gắn bó bao đời với bà con vùng Đông hồ Thác Bà.

Anh Tạ Văn Lịch - người đầu tiên mang giống bưởi Diễn về trồng trên đất Bạch Hà.

YBĐT - Những con đường bê tông chạy quanh xóm làng, những ngôi nhà cao tầng khang trang ẩn mình bên những vườn cây trĩu quả, bên cánh đồng lúa trải rộng, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố... là minh chứng cho sự cố gắng vươn lên làm giàu của mỗi người dân xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, đặc biệt trong việc đưa giống bưởi Diễn - loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao về trồng khắp đồi trên, bãi dưới làm cho vùng quê nghèo khó ngày nào nay đã mang diện mạo mới - một vùng quê trù phú đầy trái ngọt.

Từ xây dựng thành công xã nông thôn mới, người dân xã Tuy Lộc được hưởng lợi từ những tuyến đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp.

YBDT - Đó là suy nghĩ chung đặc biệt ấn tượng của 584 hội viên Hội Người cao tuổi xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái để biến thành hành động của các cụ trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo xã Việt Thành, huyện Trấn Yên kiểm tra quá trình tạo kén tằm.

YBĐT- Ở huyện Trấn Yên, cây dâu tằm có mặt tại gần 10 xã nhưng nhiều hơn, tập trung hơn vẫn là Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục