Cây na gợi mở những lợi thế

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/9/2017 | 7:51:41 AM

YBĐT - Cây na không xa lạ với người dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Nói không xa lạ bởi cây na ngày trước và hiện nay vẫn luôn có mặt trong vườn của nhiều hộ gia đình. Đó là loại cây cho ăn quả khi đến mùa, ít thì để nhà dùng, nhiều hơn thì biếu họ hàng, nhiều nữa thì đem bán cho vui. Tuy vậy, tại thời điểm này, cây na đang đứng ở một góc độ khác hơn với người dân nơi đây và gợi mở nhiều vấn đề.

Đồng chí Đặng Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh thăm vườn na của một hộ gia đình ở thôn 4.
Đồng chí Đặng Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh thăm vườn na của một hộ gia đình ở thôn 4.

Cùng chung một lựa chọn

Trên diện tích 1 sào đất gò sau nhà, ông Doãn Mạnh Cường - Trưởng thôn 1, xã Đào Thịnh trồng 35 gốc na đã được 3 năm tuổi. Những cây na dai mắt đỏ này, ông Cường mua giống từ Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
 
Ông Cường nhớ lại: "Chính xác lúc ấy là tháng 3 năm 2014, tôi tính ra giá một cây na giống về đến vườn nhà chỉ khoảng 7.000 đồng. Nếu nói lý do tại sao  chọn cây na để trồng thì đơn giản sống ở đất Đào Thịnh này từ bé, tôi thấy mỗi cây na hợp nhất. Như chỗ đất gò nhà tôi đây có phải tưới tắm gì cho cây na đâu chứ, cứ mỗi món phân chuồng là ổn mà ổn nhất là phân gà”. Với kinh nghiệm của ông Cường thì muốn cây na mỗi vụ cho nhiều quả, quả to, đẹp thì quan trọng nhất là phải thụ phấn cho cây.

Còn với ông Nguyễn Hồng Khánh ở thôn 3, xã Đào Thịnh đã từng trồng thử cây nhãn, cây cam nhưng không cho hiệu quả như mong muốn. Sau rất nhiều lựa chọn, ông Khánh đi đến quyết định cuối cùng: "Mỗi thứ vài cây thì không thể có hiệu quả cao nên đã trồng là trồng nhiều và tôi chọn cây na. Đầu tiên phải nói là cây na ưa đất này, tôi đã trồng thử 3 cây từ cách đây 28 năm nên biết rõ rồi. Sau nữa là cây na còn đang ít người dân địa phương trồng, tôi muốn đi trước một chút. Quan điểm của tôi thế này, đã làm là phải làm đến nơi đến chốn”.
 
Đến nay, 100 gốc na được trồng tháng 1 năm 2014 trong khu vườn chuyển đổi từ đất trồng cỏ nuôi bò đang phát triển tốt, ông Khánh cho biết đã mua giống na của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Vừa có na trồng đất gò lại vừa có na trồng đất soi bãi, ông Nguyễn Văn Quý ở thôn 4, xã Đào Thịnh quả quyết: "Chỉ cây na là được ăn, được bán, được nhất so với các loại cây ăn quả khác mà tôi đã biết ở đất này”. Khu vườn sát nhà ở, ông Quý có 30 gốc na đã 10 năm tuổi. Đây là những gốc na chủ yếu ngày trước ăn quả rồi lấy hạt tự ươm cây mà có đến nay.
 
Đối diện nhà ở phía rệ đường bên kia, 20 gốc na cũng đang phát triển tốt. Tháng 3 năm 2016, ông Quý lấy lại mảnh đất bãi soi cho thuê lâu nay để trồng 45 gốc na bằng giống mua ở Phú Hộ của tỉnh Phú Thọ. Ông Quý chia sẻ thêm: "Tôi nghĩ rất đơn giản là trồng cây gì, nuôi con gì mình cũng phải đầu tư công sức thì mới mong có hiệu quả”.
 
Giá cao, thị trường rộng

Cái ý "được nhất” của ông Nguyễn Văn Quý ở thôn 4 khi nói về cây na cụ thể là: giá cao, thị trường rộng. Vườn na 30 gốc nhà ông đã cho thu từ nhiều năm nay. Tiện nhất là nhà nằm bên trục đường Yên Bái - Khe Sang, mùa na chín, cô con dâu ông đem bày ngay trước cổng để bán. Thường thì cây na cho thu từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch và chia thành hai đợt chín: "Ở đợt chín sớm, na được giá 50.000 đồng một cân, còn ở đợt chín rộ có xuống một tý thì một cân cũng vẫn được 40.000 đồng” - chị Hoàng Thị Phượng là con dâu ông Nguyễn Văn Quý cho biết.
 
Cũng theo chị Phượng, toàn là khách quen đã biết nhà trồng na nên cứ mùa tìm vào tận vườn để mua: "Tiếc cái là không có nhiều mà bán vì na chín cây, ngọt sắc, thơm, tươi, người mua thích hơn na mang từ nơi khác về bán. Các cô giáo trên đường đi dạy học qua đây lúc nào cũng hỏi mua na suốt”.
 
Ngoài bãi soi của nhà, 45 gốc na mới được có một năm rưỡi nhưng cũng đã cho bói, mỗi quả nặng 3 - 4 lạng, chất lượng quả chẳng khác gì na trồng trên đất gò.

100 gốc na của nhà ông Nguyễn Hồng Khánh ở thôn 3 năm nay cũng đã bắt đầu cho quả bói. Quả cỡ bình quân được 3 lạng, quả to lên đến nửa cân, chất lượng quả rất tốt, vợ ông Khánh mang bán lẻ ở chợ xã lúc nào cũng được khách mua trước hết với mức giá 50.000 đồng một cân. Chia sẻ của ông Khánh, làm nông nghiệp bây giờ, khí hậu biến đổi ngày càng khó lường nên phải điều chỉnh liên tục mới mong có thu nhập như ý mình.
 
Khi ông Khánh nói: "Tôi muốn đi trước một chút” cũng ở khía cạnh giá cả và thị trường bởi như ông phân tích: "Chưa có loại cây ăn quả nào qua được cây na theo nhìn nhận của tôi nơi đất Đào Thịnh này. Cây na tơ trong độ 4 - 5 năm tuổi có thể đạt 10 kg trên mỗi gốc, tính ra nguồn thu không hề nhỏ”.
 
Trưởng thôn 1 Doãn Mạnh Cường cũng cho rằng nhu cầu về sản phẩm na quả hiện nay đang được người tiêu dùng ưa thích, lượng mua lớn nên giá cao, dễ bán. "Cứ như hiện nay, xét các yếu tố về mặt bằng giá cả, thị trường và sự quan tâm của khách hàng thì người Đào Thịnh cứ có na đến đâu sẽ bán hết đến đấy, thậm chí còn chẳng có mà bán. Đấy chính là chỗ để cho mình tận dụng cơ hội phát triển cây na chứ còn sao nữa!” - ông Cường khẳng định.
 
Gợi mở những lợi thế 

Quan điểm của ông Nguyễn Hồng Khánh ở thôn 3 nhất quán với sự lựa chọn cây na để chuyển đổi mô hình kinh tế của gia đình: "Yếu tố quyết định và quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ”.
 
Không riêng ông Khánh mà ông Nguyễn Văn Quý, ông Doãn Mạnh Cường là những hộ trồng na nhiều nhất trên địa bàn xã Đào Thịnh hiện nay cũng có chung suy nghĩ đó. Nếu nhìn cây na ở góc độ này thì có thể dễ dàng nhận thấy những lợi thế so sánh rõ ràng với những loại cây ăn quả khác đang có tại địa phương. Trước hết, cây na phù hợp với chất đất, khí hậu nơi đây.
 
Thứ hai, giá na quả đang giữ mức cao mà không phải loại quả nào cũng đạt được. Thứ ba, người tiêu dùng ưa chuộng na quả của địa phương bởi có chất lượng tốt hơn so với sản phẩm đem ở nơi khác về.
 
Thực tế hiện nay, chẳng những Đào Thịnh mà ngay thành phố Yên Bái cũng là một thị trường bỏ ngỏ rất rộng lớn, rất tiềm năng đều đang dành cho sản phẩm na quả mang về từ tỉnh Tuyên Quang. So với na Tuyên Quang, na trồng tại Đào Thịnh không hề kém cạnh, chưa nói đến những điểm mạnh như: ít hạt hơn, tươi ngon hơn vì quả chín cây, không phải vận chuyển xa trong khi giá cả ngang bằng.

Theo thống kê, xã Đào Thịnh hiện có khoảng 30 ha vườn tạp ở 593 hộ, tính trung bình mỗi hộ có khoảng 500 m2 vườn tạp. Kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 của địa phương sẽ phấn đấu cải tạo hết diện tích vườn tạp toàn xã, mỗi năm 10 ha. Năm 2016, xã được hỗ trợ 22 triệu đồng từ nguồn vốn Nhà nước thuộc nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho các xã xây dựng nông thôn mới để cải tạo vườn tạp. Đến thời điểm này, Đào Thịnh đã thực hiện chuyển đổi được 5 ha vườn tạp thuộc các thôn 1, 2, 3, 5, 6. Cây bưởi và cây na cũng đã được đưa vào cơ cấu cây trồng cải tạo vườn tạp.
 
 
45 gốc na sau một năm rưỡi trồng trên đất soi bãi của ông Nguyễn Văn Quý ở thôn 4, xã Đào Thịnh đã cho quả bói.
 
Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh đánh giá: "Các loại cây đưa vào cải tạo vườn tạp hiện sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân. Khó khăn trong quá trình triển khai cải tạo vườn tạp là diện tích đất ở các hộ hẹp, dốc; nhận thức của người dân về vấn đề này chưa đầy đủ; nguồn vốn hỗ trợ hiện tại không có; người dân thiếu kỹ thuật trồng cây ăn quả”. Cũng theo ý kiến của ông Chu Đức Hiền, cây na dễ chăm sóc, rất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đem lại giá trị kinh tế tốt.

Trong những năm tới, cây na được xác định tiếp tục đưa vào cơ cấu cây trồng cải tạo vườn tạp ở Đào Thịnh tại những hộ có diện tích đất phù hợp như bãi soi, ruộng cao không bị trũng, đất ven đồi thấp với quan điểm trồng tối đa ở những diện tích phù hợp. Cây na đang gợi mở những lợi thế và để biến những lợi thế ấy thành hiệu quả kinh tế, thiết thực nâng cao thu nhập cho người dân, điều này thật sự rất cần sự hỗ trợ của cấp trên cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân Đào Thịnh.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Ông Hoàng Văn Phong - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tân Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên giới thiệu những thành tích mà thôn Tân Thành đã đạt được.

YBĐT - Đó là phương châm sống và hành động của ông Hoàng Văn Phong - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tân Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên - người vinh dự được tỉnh lựa chọn tham dự Hội nghị biểu dương Trưởng ban Công tác Mặt trận giỏi toàn quốc, giai đoạn 2014 - 2017.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu vận động người dân gieo trồng ngô đồi thay lúa nương tại xã Bản Mù.

YBĐT - Nhắc đến xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, mọi người thường nghĩ đến một bản làng mịt mù sương trắng, đói, nghèo, lạc hậu với di cư tự do, trồng thuốc phiện, buôn bán lâm sản trái phép, không điện, không đường. Nhưng đó là một Bản Mù của nhiều năm về trước. Nay, Bản Mù đã sáng. 

Trung tá Vũ Văn Tính trong đời thường vẫn hết sức giản dị, chân tình và luôn tâm nguyện được góp ích cho đời.

YBĐT - Từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 118, Sư 345; đảm nhiệm huấn luyện Đại đội Lục quân 2, huấn luyện lực lượng địa phương tại tỉnh Hải Dương và tham gia chiến đấu ở nhiều mặt trận miền Trung, miền Bắc… nhưng khi hỏi ông Vũ Văn Tính, 76 tuổi ở thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái về những chiến công, những thương tích trong mưa bom lửa đạn với kẻ thù xâm lược, ông đều lắc đầu khiêm tốn: "Chẳng đáng kể gì so với những người lính đã anh dũng hy sinh…”.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm rọ tôm.

YBĐT - Đến với xã Phúc An, huyện Yên Bình những ngày tháng 9, khi mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đây phấn khởi được đón nhận quyết định công nhận làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm mới thấy hết cái không khí rộn ràng. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên là dọc tuyến đường dẫn vào thôn Đồng Tâm ngập tràn những chiếc rọ tôm buộc thành từng túm hong khô trước sân nhà, khiến chúng tôi không khỏi tò mò để rồi "say” với câu chuyện của làng nghề đã gắn bó bao đời với bà con vùng Đông hồ Thác Bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục