Xây dựng nông thôn mới: Lời giải ở Thanh Lương

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/10/2017 | 7:42:32 AM

YBĐT - Nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò rộng lớn, xã Thanh Lương (Văn Chấn) được thiên nhiên ưu ái cho địa hình bằng phẳng. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 311,5 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 168,2 ha, tỷ lệ hộ thiếu đất sản xuất cao (chiếm gần 50%). Ấy vậy mà, một xã thuần nông như Thanh Lương lại cán đích nông thôn mới bằng chính nền nông nghiệp hiện có.

Anh Hà Văn Sinh - cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Thanh Lương trao đổi kỹ thuật trồng dưa hấu với người dân.
Anh Hà Văn Sinh - cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Thanh Lương trao đổi kỹ thuật trồng dưa hấu với người dân.

Đổi mới từ tư duy

Đồng chí Chủ tịch UBND xã - Hà Văn Đoàn khẳng định: "Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) không phải là 1 dự án đầu tư. Nhà nước chỉ hỗ trợ các cơ sở thiết yếu, còn nhân dân vẫn đóng vai trò chủ thể tham gia và trực tiếp hưởng lợi. Xã cũng xác định mục đích cuối cùng mà NTM hướng đến chính là cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung túc và đầy đủ của nhân dân. Để thực hiện điều đó, trước hết, xã đặt phát triển kinh tế lên hàng đầu. Kinh tế phát triển chính là đòn bẩy để thực hiện các tiêu chí còn lại”.
 
 
Với tinh thần đó, Thanh Lương đã tận dụng và khai thác hiệu quả lợi thế nằm trong quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa của huyện, đưa những cây, con giống chất lượng cao vào sản xuất. Tiêu biểu là việc thực hiện mô hình cánh đồng một giống lúa (giống Séng cù) với diện tích 60 ha, hay là việc chuyển đổi diện tích đất lúa đã gắn bó bao đời nay sang trồng các loại cây lợi thế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Thôn Bản Khinh có tổng diện tích cây trồng khoảng 27 ha. Trước đây, 100% diện tích này là lúa. Giờ đã chuyển 3,9 ha sang trồng dưa hấu, dưa lê, rau các loại đem lại "của ăn của để” cho nông dân. Mặt trời vừa mới ló rạng, vợ chồng anh Hoàng Văn Chuyển ở thôn Bản Khinh đã ra ruộng để làm cỏ, tưới nước và bón phân cho vườn dưa hấu của gia đình.
 
Anh Chuyển cho hay: "Công việc hàng ngày chỉ như thế này thôi cô ạ! Nhìn thì đơn giản nhưng mất thời gian và vất vả lắm. Tuy nhiên, kinh tế lại khá hơn nhiều”. "Nhiều là bao nhiêu vậy anh?” tôi hỏi. Anh Chuyển tiếp lời: "Tôi tính đơn giản cho cô nhé! Nhà tôi có gần 4.000 m2 đất trồng dưa hấu tương đương với 11 sào lúa trước kia. Nếu 1.000 m2 đất ấy trồng lúa thu được khoảng 5 tạ thóc, tương đương khoảng 5 triệu đồng thì 1.000 m2 trồng dưa hấu thu được khoảng 3 tấn/vụ, mỗi 1 cân dưa rẻ bèo cũng 6.000 đồng hoặc có đợt còn được 10 - 12.000 đồng; 1 năm lại làm được 3 vụ, thì thu được nhiều gấp mấy lần chứ?”.
 
Tôi nhẩm tính, vậy là một năm thu nhập gia đình anh vài ba trăm triệu chứ chả chơi. Chả trách người ta nói Thanh Lương là nơi tấc đất tấc vàng. Không chỉ có hộ anh Chuyển mà ở thôn Bản Khinh có 30/127 hộ thực hiện việc chuyển đổi sang trồng giống dưa hấu này. Hiện, toàn xã Thanh Lương đã có 95 hộ với tổng diện tích 10 ha chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, dưa lê, chanh, mía, rau các loại, thả cá… Người ít thì 1 - 2 sào, người nhiều thì cả chục sào như vợ chồng anh Chuyển.

Cùng với các loại quả thì trồng nấm cũng là một trong những mô hình được đầu tư phát triển. Mặc dù đang mùa thu hoạch lúa nhưng ở Thanh Lương thật hiếm bắt gặp cảnh khói trắng nghi ngút do người dân đốt rơm rạ. Lý do bởi rơm rạ cũng được thu mua tận ruộng với giá 100.000 đồng/1.000 m2 đất. Rơm sau khi thu mua sẽ được xử lý để trồng nấm.
 
Chị Lưu Thị Bích Hảo ở thôn Khá Thượng 1 đang hướng dẫn người làm xử lý rơm bằng vôi bột và nước sạch để chuẩn bị nguyên liệu làm giá thể trồng nấm. Bên trong sân nhà chị, 3 người phụ nữ luôn tay đóng những bịch nấm để chuẩn bị cấy giống. Chị Hảo vừa hướng dẫn người làm nấm, thỉnh thoảng lại đảo qua kiểm tra vài nhân công đang xâu hạt làm đệm ghế. Công việc cứ liên tục không ngơi tay. Ấy thế mà, khi tôi ngỏ ý viết bài về cách phát triển kinh tế của gia đình, chị cứ chối đây đẩy: "Nhà tôi có làm được gì đâu! Chỉ đủ ăn đủ tiêu thôi”.
 
Anh Hà Văn Sinh - cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Thanh Lương đi cùng tôi nói như khoe: "Gia đình chị Hảo chính là một trong những hộ tiên phong về trồng nấm và đến nay đã cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm đấy. Gia đình chị đây thường xuyên là hộ sản xuất kinh giỏi của xã. Nhờ sự mạnh dạn của chị mà nhiều hộ dân trong xã học tập theo và đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Năm 2011, toàn xã có 3 hộ trồng nấm thì đến nay đã nhân lên 25 hộ trải khắp các thôn trong xã. Nhà nào trồng nấm là nhà ấy đều có kinh tế khá giả”.

Không chỉ phát huy nội lực, Thanh Lương còn thực hiện có hiệu quả các nguồn lực trợ giúp của huyện, của tỉnh và từ các chính sách 135, chính sách phát triển vùng… góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở xã.
 
Nhận thấy sự trợ giúp từ Chương trình 135 và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM nếu chia đều dàn trải cho các hộ dân thì mỗi hộ chẳng được là bao. Chính quyền xã đã họp bàn với nhân dân, thống nhất việc thành lập 13 tổ hợp tác phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản với hình thức luân chuyển giữa các hộ trong tổ hợp tác. Nhiều hộ dân đã có "đầu cơ nghiệp” trong nhà. Ông Bùi Văn Được ở thôn Bản Lý đã có 2 con trâu, 1 con bò nhờ cách làm trên. Gia đình ông cũng từ đó mà vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Thanh Lương bày tỏ: "Đất Thanh Lương đã trở thành vàng thực sự bởi dân Thanh Lương đã có thể làm giàu từ đất nông nghiệp. Để thực hiện được, xã đã chỉ đạo khai tác tốt quỹ đất, đưa các cây, con giống chất lượng cao vào sản xuất, chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng. Đến nay, cơ bản đã chuyển diện tích đất cấy lúa 2 vụ từ 168,3 ha xuống còn 158,3 ha, trong đó có 130 ha diện tích canh tác theo phương pháp lúa cải tiến SRI. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mới, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đời sống của nhân dân được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,86%”.
Dân làm vì dân

Thanh Lương đã về đích NTM sau hơn 6 năm thực hiện với tổng kinh phí thực hiện gần 39 tỷ đồng, trong đó có hơn 30% là do nhân dân đóng góp. Tại sao XDNTM ở đây lại có sự thành công và đồng thuận đến vậy? Ngoài những cách làm hay từ Đảng ủy, chính quyền xã thì việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” cũng là một giải pháp căn bản thu được hiệu quả cao trong việc huy động sức dân.



Đường bê tông được xây dựng giúp người dân đi lại thuận tiện.

Đồng chí Đinh Công Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Người dân được tham gia họp bàn, thảo luận các tiêu chí cần phấn đấu theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau, công trình nào cần ưu tiên... Chính quyền xã công khai, minh bạch trong các chủ trương, chính sách, quy hoạch NTM, quy hoạch đường làng, ngõ xóm, các mức đóng góp, huy động tiền, ngày công lao động, công khai tài sản, hoa màu phải di dời để làm hạ tầng… Qua đó, nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân, thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận người dân”.
 
Vì vậy, thực hiện các tiêu chí đòi hỏi có nguồn kinh phí thực hiện lớn, xã Thanh Lương không gặp nhiều khó khăn. Bởi xã đã lấy ý kiến nhân dân trong việc huy động nhân lực và nguồn lực có lộ trình, hợp tình, hợp lý, giải quyết thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong nhân dân. Trên thực tế, các công trình do dân lựa chọn, tham gia và giám sát đầu tư như đường giao thông, kênh mương, công trình văn hóa đều đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thanh - Bí thư Chi bộ thôn Khá Thượng 1 bộc bạch: "Tất cả nhân dân đều muốn đóng góp sức mình cho NTM. Bởi chúng tôi hiểu rằng, mình chính là người được thụ hưởng cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, đời sống bà con ngày càng được nâng lên. Không còn những con đường lầy lội phải đeo ủng mỗi khi trời mưa, trẻ em không phải lấm lem bùn đất mỗi khi tới trường, bà con có nơi sinh hoạt tập thể, văn hóa văn nghệ, vui chơi…”.
 
Đã có sự đổi thay trong nhận thức của người dân, vì vậy mà toàn xã có 120 hộ tham gia hiến 9.200 m2 đất để làm đường giao thông, hiến thêm 2.700 m2 để mở rộng diện tích trường học và 10 hộ hiến 3.750 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa…

Các cách làm hay cùng với lòng dân đồng thuận, xã Thanh Lương đã về đích NTM. Diện mạo nông thôn đổi thay khiến tôi có cảm giác như đi giữa phố trong làng vậy. Những con đường rải bê tông vào tận các thôn, bản hay những nếp nhà sàn của người Thái, người Mường nho nhỏ nhưng san sát nhau, làng quê thơm mùi lúa chín, đêm về còn có điện sáng trưng, thôn xóm yên bình, bà con thuận hòa… bức tranh thiên nhiên và cuộc sống nơi đây hiện lên với những gam màu tươi sáng, đầy hạnh phúc.
 
Một Thanh Lương vừa hoang sơ vừa trữ tình nhưng cũng rất đằm thắm mà hiếm có làng quê nào ở vùng cao miền núi có được. Đó là Thanh Lương của hiện tại mà ít ai có thể hình dung ra được chỉ 6 năm trước thôi, Thanh Lương đã từng là xã nghèo với 36% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ vẻn vẹn 8 triệu đồng/người/năm. Tất cả đã nói lên chủ trương đúng đắn trong quá trình xây dựng NTM, khi ý Đảng hợp lòng dân…

Hoài Anh

Các tin khác
Bàn Tiến Nhị (bên trái) giới thiệu cách nuôi ếch với các bạn trong xã.

YBĐT - Học theo Bác, noi gương Bác với mong muốn xây dựng cuộc sống ấm no, đoàn viên Bàn Tiến Nhị, dân tộc Dao, sinh năm 1992 ở thôn Khe Giang, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. 

Đồng chí Đặng Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh thăm vườn na của một hộ gia đình ở thôn 4.

YBĐT - Cây na không xa lạ với người dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Nói không xa lạ bởi cây na ngày trước và hiện nay vẫn luôn có mặt trong vườn của nhiều hộ gia đình. Đó là loại cây cho ăn quả khi đến mùa, ít thì để nhà dùng, nhiều hơn thì biếu họ hàng, nhiều nữa thì đem bán cho vui. Tuy vậy, tại thời điểm này, cây na đang đứng ở một góc độ khác hơn với người dân nơi đây và gợi mở nhiều vấn đề.

Ông Hoàng Văn Phong - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tân Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên giới thiệu những thành tích mà thôn Tân Thành đã đạt được.

YBĐT - Đó là phương châm sống và hành động của ông Hoàng Văn Phong - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tân Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên - người vinh dự được tỉnh lựa chọn tham dự Hội nghị biểu dương Trưởng ban Công tác Mặt trận giỏi toàn quốc, giai đoạn 2014 - 2017.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu vận động người dân gieo trồng ngô đồi thay lúa nương tại xã Bản Mù.

YBĐT - Nhắc đến xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, mọi người thường nghĩ đến một bản làng mịt mù sương trắng, đói, nghèo, lạc hậu với di cư tự do, trồng thuốc phiện, buôn bán lâm sản trái phép, không điện, không đường. Nhưng đó là một Bản Mù của nhiều năm về trước. Nay, Bản Mù đã sáng. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục