Mù Cang Chải: Những tuyến đường "cùng dân"

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/8/2019 | 10:53:06 AM

YênBái - Hàng chục ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đến các thôn, bản của huyện Mù Cang Chải chỉ trong một thời gian ngắn; người dân sẵn sàng góp công, góp tiền làm đường giao thông mà không sử dụng đến tiền vốn sự đầu tư của Nhà nước - đó là những kết quả mới và một bước tiến dài trong nhận thức, tư duy, hành động của người dân vùng cao trong phát triển giao thông nông thôn.

Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã hoàn thành 45 km đường rộng 1 mét ở các thôn, bản vùng cao.
Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã hoàn thành 45 km đường rộng 1 mét ở các thôn, bản vùng cao.

Có lẽ, chưa bao giờ các phụ huynh và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải phấn khởi như năm nay, bởi đoạn đường từ điểm ở bán trú đến khu lớp học dài gần 1 km đã được bê tông hóa cách đây gần 3 tháng. Đây là đoạn đường do Tỉnh đoàn Yên Bái kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ để kiên cố hóa. Được khởi công từ giữa tháng 5/2019, sau 15 ngày, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. 

Anh Chang A Tủa, bản Lao Chải, xã Lao Chải phấn khởi: "Giờ đi lại thuận tiện hơn nhiều, không phải dắt xe khi mưa gió nữa. Giờ ngày nào cũng có thể đi chợ, đi nương, rồi chở thóc, ngô thuận lợi. Vui nhất là các cháu không phải chịu cảnh lầy lội mỗi khi đến trường”. 

Được biết, ngoài những đoạn đường có sự đầu tư của Nhà nước, những năm qua, nhân dân bản Nậm Khắt đã đóng góp tiền mặt, ngày công để bê tông hóa các tuyến đường ngõ, ngách trong bản và đường đến khu sản xuất với chiều rộng từ 0,8 mét - 1,2 mét. 

Anh Giàng A Cộng - Trưởng thôn Lao Chải cho biết: "Thông qua tuyên truyền, vận động, dù không có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng nhân dân trong thôn vẫn đóng góp bình quân từ 200.000 - 300.000 đồng/hộ để mua xi măng, cát sỏi và trực tiếp tham gia làm đường. Đến nay, sau 3 năm, chúng tôi đã bê tông hóa được 3 km đường 1 mét vào các ngõ ngách và ra khu sản xuất”. 

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, xã Lao Chải đã kiên cố hóa được 17,1 km (đường 1 mét) và 700 mét (đường 3 mét) tại các tuyến đường giao thông nông ở 9 thôn, bản. Trong đó, ngoài phần hỗ trợ 85 tấn xi măng của Nhà nước, phần còn lại chủ yếu do nhân dân vận động cùng nhau đóng góp. 

Ông Trần Minh Vấn - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải cho biết: "Người dân ở các thôn, bản tự đứng ra thu, chi với nhau. Họ bầu ra một nhóm gồm trưởng nhóm, kế toán và giám sát chi, mọi thứ đều minh bạch, công khai. Chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn nên các tuyến đường được triển khai nhanh chóng, đồng thuận. Kế hoạch đưa ra chỉ là 6 km nhưng đến nay đã được gần 20 km rồi”. 

Năm 2019, huyện Mù Cang Chải có kế hoạch bê tông hóa 35 km loại đường 3 mét, 50 km loại đường 1 mét. Trong đó, 17 km theo Đề án phát triển giao thông nông thôn được Nhà nước hỗ trợ 10,4 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp 2,2 tỷ đồng, 5.000 ngày công lao động, đến nay đã làm được 8 km. 

Đối với 18 km theo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã hợp đồng thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2019. 50 km loại đường 1 mét, huyện huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ xi măng, còn lại nhân dân đóng góp tiền mặt, cát sỏi và ngày công lao động đã làm được 45 km. 

Trao đổi về công tác phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn, ông Vũ Tiến Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Chúng tôi xác định phát triển giao thông nông thôn là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá năm 2019. Dự kiến, năm nay huyện sẽ kiên cố hóa 60 km đường giao thông nông thôn loại 1 mét, vượt 10 km so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; phát huy hiệu quả thiết thực của chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân” để lan tỏa tinh thần vượt khó, cộng đồng gắn bó quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra”.

Hùng Cường

Tags Mù Cang Chải Lao Chải giao thông nông thôn kiên cố hóa

Các tin khác
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình anh Thào A Phổng đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Từ chỗ nghèo khó, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mấy năm gần đây anh Thào A Phổng ở thôn Hua Khắt, xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Vợ chồng Giàng A Dê – Vàng Thị Lỳ chia sẻ cùng PV

Đến La Pán Tẩn, Mù Cang Chải (Yên Bái) chúng tôi gặp vợ chồng Giàng A Dê, người đã vượt khó để xây dựng “Hello Mù Cang Chải” - mô hình du lịch cộng đồng (homestay) hoạt động có hiệu quả. Những hoạt động homestay đã đánh thức tiềm năng du lịch to lớn nơi đây, hiện thực hóa “giấc mơ” Mù Cang Chải trở thành trung tâm du lịch vùng Tây Bắc.

Cô giáo Hà Thị Tơ.

Cô tâm sự: "Khi mở cặp lồng cơm của các con ra, tôi không khỏi lo lắng cho bữa ăn của các con. Cơm thì đã nguội ngắt, có em ăn cơm với súp (bột canh - PV), có em ăn với măng ớt, em nào khá hơn thì có một quả trứng. Xót xa lắm!”.Đó là lý do đã hơn 20 năm cô Tơ gắn bó với những đứa trẻ nơi này.

Sáng nay ( 12/7), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Yên Bái lần thứ XV, nhiệm kỳ 2019 - 2024 chính thức khai mạc. Dự Đại hội có hơn 300 đại biểu, trong đó, có 200 đại biểu chính thức và trên 100 đại biểu khách mời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục