Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của nền kinh tế, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu trong nước và thế giới, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 xảy ra với những diễn biến phức tạp... nhưng nhờ quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phát động Phong trào thi đua 5 năm (2016-2020) theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của tỉnh 5 năm qua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực thúc đẩy, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII. Các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được thực hiện nề nếp, bài bản.
Trong công tác chỉ đạo, đã phát huy được vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị được giao; gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong thi đua, đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, biện pháp, phạm vi tổ chức để bảo đảm hiệu quả thực chất, phù hợp với đặc thù, yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương; hướng mạnh thi đua về cơ sở, chú trọng đến vùng sâu, vùng khó khăn và quan tâm đối với người trực tiếp lao động, sản xuất.
Bên cạnh các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đã chú trọng phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách hoặc mang tính đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để giải quyết, khắc phục những khó khăn, yếu kém của từng đơn vị, địa phương.
Điển hình là các chủ đề: "Đoàn kết, đổi mới, hành động quyết liệt thi đua thực hiện thắng lợi "Năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm” và "Ba khâu đột phá” trong phát triển kinh tế - xã hội” (năm 2018); "Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; cơ bản về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh” (năm 2019) và "Đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế kinh tế - xã hội, thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X” (năm 2020)…
Phong trào thi đua yêu nước là nhân tố quan trọng góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016 - 2020. Trong lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm), GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, thi đua là yếu tố nâng cao chất lượng toàn diện trong dạy và học, đưa giáo dục của tỉnh là một trong những đơn vị điểm sáng về chất lượng giáo dục mũi nhọn của cả nước; thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; Yên Bái là một trong 25 tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện loại trừ bệnh sốt rét.
Qua thi đua, tỷ lệ hộ gia đình của tỉnh đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (dự ước năm 2020) đạt 80%, tăng 8% năm 2015; thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 66%, tăng 18% năm 2015; cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 86%, tăng 9% năm 2015; hàng năm có khoảng 40,2% dân số luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
Từ phong trào thi đua của lực lượng vũ trang, Yên Bái đã xây dựng được nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, tạo môi trường ổn định cho phát triển.
Đặc biệt, với nội dung, hình thức phong phú, thi đua trong xây dựng Đảng, đoàn thể, hệ thống chính trị và cải cách hành chính đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững mạnh về tư tưởng, chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ CNH - HĐH.
Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính, sự nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 73,6%, trong đó tiến sỹ, thạc sỹ chiếm 6%; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng là 51,5%, vượt mục tiêu đề ra.
Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công được Văn phòng Chính phủ đánh giá cao và công nhận là một "điểm sáng” trong nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh. Qua thi đua, đã góp phần đưa Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh tăng 22 bậc, từ vị trí 48/63 (năm 2015) lên vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố năm 2019; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh (SIPAS) năm 2019 đạt 86,84%; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 19 bậc, từ vị trí 55/63 năm 2015 lên vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành phố năm 2019.
Thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, toàn tỉnh đã giảm được 405 đầu mối cơ quan, đơn vị, giảm 25,4% so với năm 2015, giảm trên 1.200 cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, gần 14.000 cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố; giảm 12% (820) biên chế công chức, 13% (4.210) biên chế viên chức so với năm 2015, vượt xa chỉ tiêu Trung ương giao.
Đặc biệt, thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 50,7% số xã (vượt hơn 3 lần so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII), trong đó có 5 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu; có 2/9 đơn vị hành chính cấp huyện là huyện Trấn Yên (là huyện đầu tiên của khu vực Tây Bắc) được công nhận đạt chuẩn NTM và thành phố Yên Bái được công nhận hoàn thành xây dựng NTM.
Từ sự quan tâm chỉ đạo và có nhiều giải pháp mạnh mẽ để tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã thành lập mới 922 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 12.200 tỷ đồng; thành lập mới 220 hợp tác xã với số vốn đăng ký khoảng 500 tỷ đồng. Dự ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 2.300 doanh nghiệp, 442 hợp tác xã, 3.200 tổ hợp tác.
Qua triển khai nhiều giải pháp, quyết liệt trong chỉ đạo, giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân của tỉnh khoảng 4,93%/năm (cao hơn 0,93% so với giai đoạn trước), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 32,21% năm 2016, xuống còn 7,56% năm 2020, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Cũng 5 năm qua, công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, kịp thời, đúng đối tượng; chú trọng khen thưởng theo chuyên đề, đột xuất, khen thưởng điển hình tiên tiến, người lao động, tăng dần tỷ lệ khen thưởng đối với cán bộ, công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp.
Từ thành tích đạt được, 105 tập thể và 304 cá nhân đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng. Năm 2018, tỉnh Yên Bái được Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị; năm 2019, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua dẫn đầu Cụm thi đua 7 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc; kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và 120 năm Ngày thành lập tỉnh (11/4/1900-11/4/2020) được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất...
Phát huy những thành tích đạt được trong công tác thi đua 5 năm qua, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng "Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong giai đoạn mới, tỉnh Yên Bái tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo. Từ đó, góp phần đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện, bền vững trong vùng.
Đình Tứ