Huyện Mù Cang Chải hiện có 14 đơn vị hành chính, trong đó 13 xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có gần 69.000 người, trong đó dân tộc thiểu số (chủ yếu dân tộc Mông) chiếm trên 95% .
5 năm qua, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã mang lại hiệu quả thiết thực, các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, đời sống vùng đồng bào dân tộc có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng để các dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp tục phát triển.
Huyện đã triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & Miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2021 - 2023 của tỉnh Yên Bái, đến nay, huyện Mù Cang Chải đã thực hiện hỗ trợ cho 615 cơ sở chăn nuôi hàng hóa; 03 dự án liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị, trồng mới và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới với diện tích trên 100 ha với tổng kinh phí thực hiện gần 16 tỷ đồng.
Các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội được triển khai đồng bộ. Trong giai đoạn 2019 -2024, toàn huyện có 6.291 lao động được tạo việc làm mới, 9.889 người được cấp bằng, chứng chỉ qua đào tạo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 25%; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp 2.325 người; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trên 8,4% năm.
Toàn huyện đã có 26 bản ra mắt bản nông thôn mới và đang tập trung thực hiện tại 3 xã Nậm Khắt, Púng Luông và Dế Xu Phình, trong đó xã Nậm Khắt phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2024. Tỷ lệ gia đình đạt văn hóa đạt 83,3%, tỷ lệ bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa đạt 79,6%. Huyện đã bảo tồn, phát huy tốt giá trị 39 di sản văn hóa vật thể và 142 di sản văn hóa phi vật thể.
Kết thúc năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân huyện Mù Cang Chải đạt 53,47%, tăng 14,32% so với năm 2020; tỷ lệ hộ dân được nghe, xem phát thanh - truyền hình đạt 97,7% (tăng 7,5% so với năm 2019); 100 % xã có hệ thống loa truyền thanh cơ sở, tỷ lệ phủ sóng điện thoại 3G, 4G đạt 93.9%.
Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung tham luận về việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; hiệu quả mô hình tự quản, tổ hoà giải ở cơ sở; mô hình phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác tuyên truyền, gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn; nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân....
Với chủ đề "Các dân tộc huyện Mù Cang Chải đoàn kết, đổi mới, phát triển, bản sắc, hạnh phúc”, Đại hội đã đề ra 11 chỉ tiêu nhiệm vụ trong giai đoạn 2024-2029, trong đó phấn đấu đến năm 2029, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2024; phấn đấu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 65 bản đạt bản nông thôn mới; chỉ số hạnh phúc cho người dân đạt 68% trở lên; giảm hộ nghèo bình quân hàng năm đạt 7% trở lên; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Đại hội đã bầu 18 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV năm 2024 gồm và thông qua Quyết tâm thư Đại hội. Dịp này, Đại hội đã biểu dương, khen thưởng nhiều tập thể và cá nhân, là những điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua.
Sau đại hội điểm tại huyện
Văn Chấn, đến nay,
thị xã Nghĩa Lộ,
Trấn Yên,
Yên Bình... cũng đã hoàn thành đại hội dân tộc thiểu số. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV- năm 2024, đại hội cấp huyện sẽ hoàn thành trước ngày 30/6.
Văn Tuấn