Yên Bái đã triển khai sớm nhiều mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/12/2024 | 11:53:48 AM

YênBái - Sáng 16/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới các điểm cầu trên cả nước. Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đồng chí Lê Minh Hưng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị.

Về phía tỉnh Yên Bái, dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trần Huy Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Chu Đình Ngữ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có các đồng chí: Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Anh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; bí thư, lãnh đạo, chuyển viên Ban Tổ chức các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Sở Nội vụ; Văn phòng Tỉnh ủy.


Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 3 giải pháp đột phá

Năm 2024, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, nổi bật là chủ động tham mưu thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế nhằm cụ thể hóa 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá mà Đại hội XIII của Đảng đề ra; tổ chức thực hiện đồng bộ các mặt của công tác tổ chức xây dựng Đảng từ Trung ương đến cơ sở., thống nhất rất cao trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.

Đặc biệt, ngành đã tích cực tham mưu tổ chức triển khai quyết liệt, tích cực, toàn diện, có hiệu quả các nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó kịp thời tham mưu tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với tinh thần khẩn trương, quyết liệt cao nhất.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và xuất phát từ thực tiễn đặt ra yêu cầu cao hơn với công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chuẩn bị cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, năm tới và thời gian tiếp theo, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng xác định tiếp tục đổi mới, nỗ lực, quyết tâm cao hoàn thành 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 3 giải pháp đột phá chiến lược về công tác xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tham luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ thực tế những kinh nghiệm, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng tại địa phương, bộ, ngành. Đồng thời, tập trung thảo luận 7 nhóm nhiệu vụ, giải pháp trọng tâm về công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2025.

Yên Bái đã triển khai sớm nhiều mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh 

Đối với tỉnh Yên Bái, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và các nghị quyết 18, 19 của Hội nghị lần thứ 6, Trung ương khóa XII đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là đã giảm 357 đầu mối cơ quan, đơn vị, tương ứng giảm 26,7% đầu mối so với năm 2017; giảm 12 đơn vị hành chính cấp xã, 993 thôn, bản, tổ dân phố (bằng 42,3% tổng số trước khi sắp xếp), giảm 6.546 cán bộ không chuyên trách xã, thôn, bản, tổ dân phố. Về biên chế: giai đoạn 2015-2021 giảm 2.606 biên chế (bằng 10,2% tổng biên chế năm 2015), vượt chỉ tiêu Trung ương giao; giai đoạn 2022-2024 giảm 1.599 biên chế (bằng 6,7% tổng biên chế năm 2022).

Trong đó, nhiều mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh được Yên Bái triển khai sớm, được Trung ương đánh giá cao, như: sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (triển khai từ năm 2016); hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh; thực hiện trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị huyện, trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ huyện; mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân tại 68/173 xã, phường, thị trấn; mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã tại 15/173 xã, phường, thị trấn… 

Qua đó, góp phần cơ cấu hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên để dành nguồn lực thực hiện cho nhiều ưu tiên cấp bách khác, nhất là chi cho đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội. Giai đoạn 2015-2021, Yên Bái đã tiết kiệm được trên 1.300 tỷ đồng qua thực hiện Nghị quyết 39 và Nghị quyết 18, 19.

Yên Bái sẽ tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp; tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng để chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trọng tâm là công tác nhân sự đại hội.

Để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và công tác nhân sự trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét giữ lại chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội (trong đó có giảm nghèo), trẻ em cho ngành Nội vụ - lao động (sau hợp nhất); đề nghị nghiên cứu sắp xếp lại thành 9 phòng chuyên môn các huyện và 10 phòng chuyên môn của thị xã, thành phố để thực hiện thống nhất chung 1 mô hình trên toàn quốc; đề nghị sắp xếp, sáp nhập các cơ quan báo chí của tỉnh thành một cơ quan. 

Cùng với đó, tỉnh đề nghị Trung ương sớm có định hướng, chỉ đạo cụ thể về công tác nhân sự đại hội các cấp khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là về cơ cấu, số lượng đối tượng tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030…


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Tổng Bí thư Tô Lâm: Sắp xếp tinh gọn bộ máy "gọn nhẹ nhưng vẫn phải đi đến đích”, "vừa chạy vừa xếp hàng”

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, biểu dương những kết quả của ngành tổ chức xây dựng Đảng đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: Năm 2025 có rất nhiều sự kiện trọng đại, trong đó có nhiều việc hết sức quan trọng đối với ngành tổ chức xây dựng Đảng, nhất là công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Mục tiêu thời gian tới là việc sắp xếp tinh gọn bộ máy trên tinh thần "gọn nhẹ nhưng vẫn phải đi đến đích”, "vừa chạy vừa xếp hàng”, do đó, người đứng đầu cấp ủy phải đặt ra câu hỏi và câu trả lời: Phải làm sao có bộ máy của Đảng, của chính quyền hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực; làm sao có được đội ngũ cán bộ có giác ngộ tâm huyết, vì nước vì dân.

Tổng Bí thư đề nghị trong thời gian tới, ngành tổ chức xây dựng Đảng cần làm tốt công tác tham mưu tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tổng hợp kết quả tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 và đề xuất của các cơ quan, đơn vị, tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Các Ban của Đảng phải làm trước công tác tinh gọn bộ máy.

Ban Tổ chức Trung ương tham mưu tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, phương án và phân công, bố trí, điều động, luân chuyển đối với các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Trung ương; nhân sự lãnh đạo chủ chốt của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với việc chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 và chuẩn bị một bước nhân sự Đại hội XIV của Đảng..

Thanh Chi - Mạnh Cường



 

Tags Yên Bái xây dựng Đảng tinh gọn hiệu năng hiệu lực

Các tin khác
Báo chí khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng để thực hiện tốt sứ mệnh cách mạng, tạo đồng thuận xã hội.

Thông tin trên báo chí đã nêu bật cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức, hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” đã yêu cầu đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát. Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư gợi cho chúng ta suy nghĩ: Vì sao phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và việc làm này có ý nghĩa ra sao trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước?

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Sáng 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Chiều 7/12, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã thông tin về chủ trương, hướng xử lý chế độ khi tinh gọn, tinh giản biên chế, sắp xếp các bộ ngành.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định, cùng với sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải có cơ chế "giữ chân" người tài, qua đó, đảm bảo nguyên tắc xây dựng hệ thống công vụ thực tài, thu hút được người tài năng để làm công vụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục