Sắp xếp lại bộ máy, nhân sự: "Không để tình trạng chảy máu chất xám, lãng phí người tài"

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/12/2024 | 2:01:56 PM

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ cần xây dựng chính sách, tiêu chí rõ ràng khi đánh giá trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng… đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tiến hành sắp xếp lại bộ máy, nhân sự, "không để tình trạng chảy máu chất xám, lãng phí người tài".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.

Theo đó, sáng 17/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành liên quan về phương án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT.

Theo đánh giá bước đầu của Ban Chỉ đạo chung giữa 2 Bộ, phương án hợp nhất cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo của Tổng Bí thư. Hai Bộ đã xác định các nhiệm vụ, cũng như vận hành của bộ mới sau khi hợp nhất. Lãnh đạo 2 Bộ đang tiếp tục rà soát xử lý những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong lĩnh vực quản lý kinh tế xây dựng, hoạt động của một số doanh nghiệp trực thuộc...

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mục tiêu của phương án hợp nhất hai Bộ phải thống nhất với chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, bảo đảm khoa học, có tiêu chí mang tính định lượng, thuyết phục, toàn diện, khách quan, minh bạch, công tâm.

"Bộ mới sau hợp nhất phải thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, với tầm nhìn quản lý thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ bằng quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn… về kết cấu hạ tầng kỹ thuật của các lĩnh vực kinh tế, xã hội (giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, cấp thoát nước…) trên cả nước, cũng như quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Nêu rõ yêu cầu "hợp nhất không mang tính cơ học, hợp sức để mạnh hơn", Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo hai Bộ tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ dựa trên sứ mệnh đặt ra cho bộ mới, từ đó thiết kế tổ chức bộ máy để thực hiện cho phù hợp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng, "nhiệm vụ nào, tổ chức đó".

"Những nhóm chức năng, nhiệm vụ giao thoa, chồng chéo, trùng lặp phải sắp xếp theo nguyên tắc "một tổ chức có thể làm nhiều nhiệm vụ, một nhiệm vụ không thể giao cho 2 tổ chức". Đồng thời, Bộ mới sau hợp nhất cần kiện toàn bộ máy, tổ chức để thực hiện những chức năng, nhiệm vụ làm chưa tốt hoặc được bổ sung theo sứ mệnh, mục tiêu mới", Phó Thủ tướng nói.

Hai bộ phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để xây dựng chính sách, tiêu chí rõ ràng khi đánh giá trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng… đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tiến hành sắp xếp lại bộ máy, nhân sự, "không để tình trạng chảy máu chất xám, lãng phí người tài".

Bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt về kết cấu hạ tầng nông thôn, quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai

Cũng trong sáng cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về phương án hợp nhất Bộ Tài nguyên- Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ cũng trao đổi, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau; phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước có thể giao thoa, chồng chéo giữa hai Bộ, ngành nhằm bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt về kết cấu hạ tầng nông thôn, quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai, thú y…; tên gọi dự kiến của bộ mới sau khi hợp nhất; phương án bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về bộ máy, tổ chức, hoạt động của bộ mới từ Trung ương đến địa phương.

Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động, khẩn trương của lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trong quá trình xây dựng phương án hợp nhất nhằm giảm chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn hay bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước; đồng thời tổ chức bộ máy khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo 2 Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, quán triệt tinh thần "một người có thể làm nhiều việc, một việc không giao cho hai người", "nhiệm vụ nào, tổ chức đó", bảo đảm quản lý thống nhất, xuyên suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả… khẩn trương hoàn thiện phương án hợp nhất giữa hai bộ trước khi trình cấp thẩm quyền.

(Theo CLO)

Các tin khác

Bộ Nội vụ cho biết, sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Chính phủ dự kiến còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ; giảm 5 bộ, 12/13 tổng cục, 500 cục và tương đương.

Sáng 16/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới các điểm cầu trên cả nước. Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Báo chí khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng để thực hiện tốt sứ mệnh cách mạng, tạo đồng thuận xã hội.

Thông tin trên báo chí đã nêu bật cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức, hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” đã yêu cầu đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát. Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư gợi cho chúng ta suy nghĩ: Vì sao phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và việc làm này có ý nghĩa ra sao trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục