Lễ hội cổ truyền Thúy Lai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/7/2007 | 12:00:00 AM

Thúy Lai (xã Phú Kim, huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây) là một làng Việt cổ bên bờ sông Tích, có nhiều sự kiện lịch sử, văn hoá từ thời cổ đại đến nay.

Tương truyền, quán Sải là nơi mộ phần của ba vị thành hoàng. Phần mộ ấy toạ lạc ở thế đắc địa:

"Hợi cung dẫn mạch
Thuỷ đấu tam xoa
Tiền ứng tam thai
Hậu hô ngũ nhạc
Bút tái lâm gian
Tả hữu đồng hành
Văn khôi võ dự".

Đó là khu đất trên cánh đồng làng Thuý Lai, phía trước là vùng ruộng nước mênh mang như chiếc gương khổng lồ soi bóng toàn bộ những công trình kiến trúc của quán Sải. Hai bên tay ngai, bên tả là thanh long – núi đồi úp bát như Vạn lý trường thành, bên hữu là bạch hổ – những quả đồi dáng hình như võng, lọng, chiêng, trống. Quán Sải có quy mô tương đối lớn gồm hai lớp kiến trúc đó là tam quan và quán mộ. Hậu cung là nơi thâm nghiêm có tấm hoành phi sơn son thiếp vàng ghi bốn chữ Thuý Lai linh từ, phía trước là hương án và tấm hoành phi ghi 3 chữ Chiêm khởi kính.

Đình và quán Sải nơi thờ ba vị tướng công họ Chu. Tại đây, ngoài việc thờ cúng dân làng còn tổ chức lễ hội truyền thống biểu hiện văn hoá tinh thần của làng. Hàng năm lễ hội truyền thống mở từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch. Để chuẩn bị cho mọi hoạt động của lễ hội thành công tốt đẹp, ngày mồng 4 tháng Giêng, Hội đồng tộc biểu cùng chức dịch họp phiên toàn thể nhằm xây dựng thể chế lễ hội của năm đó đồng thời lựa chọn, phân công từng nhóm, từng tổ, từng thành viên được phục vụ lễ hội. Danh sách Ban tổ chức và các thành viên phục vụ lễ hội được niêm yết tại đình. Những người trong làng vinh dự được làm những công việc đều tự giác tham gia theo đúng chức năng của mình được phân công.

Mỗi ngày hội có những lễ thức đặc trưng riêng: Mồng 6 đóng đám và làm lễ mục dục, mồng 7 rước phụng nghinh, mồng 8 khám gà, mồng 9 lễ thượng nguyên, mồng 10 giã đám.

Ngày mồng 7 phụng nghinh là cuộc rước kiệu diễu hành từ đình về quán Sải để mời thần từ quán Sải về đình dự hội với dân làng. Chỉ một quãng đường gần 2km mà cuộc rước diễn ra dàn trải suốt cả một ngày.

Khoảng 7 giờ sáng sau một hồi chiêng trống làm lệnh thì đoàn rước bắt đầu xuất phát từ đình. Đi đầu là những lá cờ hội nhiều màu sặc sỡ. Tiếp đó là hai hàng đô vác bát bửu, đao kiếm uy nghi dẹp đường, bảo vệ cho thần linh trên lộ trình về dự hội. Tiếp đó đến kiệu rước thành hoàng. Phía sau kiệu là đội bát âm, âm hưởng lan cả một vùng.

Nhiều điệu múa truyền thống diễn ra trong hội rước như múa sênh tiền của các cháu thiếu nhi, múa con đĩ đánh bồng của một trai làng giả làm cô con gái.

Theo sau là đội múa rồng gồm 9 người, mỗi người đảm nhiệm một khúc như đầu, thân và đuôi rồng. Con rồng dài uốn lượn múa theo sự chỉ đạo của ông Địa. Có lúc rồng áp bên cạnh kiệu để múa thờ. Có lúc rồng nhao lên phía trên, rồi lui về phía dưới vừa biểu diễn nghệ thuật vừa làm công việc dẹp đường. Cứ như thế, đoàn rước mãi đến trưa mới tới quán Sải.

Tại đây, Hội đồng tế làm lễ theo nghi thức truyền thống rồi rước các vị thành hoàng về đình. Đoàn rước khi đến cầu Đồng Đón thì có lệnh nghỉ ngơi. Khu vực này là một bãi đất rộng cao ráo có nhiều cây xanh toả bóng mát ở giữa đồng. Thời gian nghỉ ngơi cũng là dịp mọi người được thưởng thức một bữa ăn nhẹ trên đồng vốn đã trở thành tập quán trong ngày hội. Thức ăn là bánh rậm được chế bằng bột gạo tinh khiết của làng quê. Bánh rậm được làm từ ngày hôm trước do chính mỗi gia đình làm ra để chuẩn bị cho bữa ăn này.

Cuộc rước diễn ra từ chiều đến tối mới về đình làng. Khi kiệu gần về tới đình trời đã nhá nhem tối. Mỗi người đi dự hội đều chuẩn bị một bó đuốc bằng tre khô. Khi có lệnh đốt đuốc, thì cả hội lễ rước thành một rừng đuốc. Kiệu về tới đình, tổ chức lễ yên vị. Sau đó có hát chèo, hoặc hát ca trù ở sân đình.
 
Ngày mồng 8 tổ chức Hội thi gà. Làng Thuý Lai có bốn giáp (giáp Đông, giáp Đoài, giáp Nam, giáp Bắc), mỗi giáp được thi hai gà. Người nuôi gà thi phải là người đàn ông được trưởng giáp phân công chỉ định trước vài tháng. Gà phải nuôi trong nhà. Mỗi khi cho ăn phải thắp hương. Thức ăn phải tinh khiết, chọn ngũ cốc vừa đẹp, vừa đều, vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao. Hội đồng chấm thi dùng chiếc cân tự tạo cán bằng gỗ, một bên là gà, một bên là quả cân bằng đất nung, khi nào thăng bằng là được.

Gà thi của các giáp, con nào vừa đẹp lại vừa nặng nhất sẽ được làng thưởng. Đó là một vinh dự lớn cho mọi thành viên trong giáp, vừa là được phước của thần thánh ban cho vừa là niềm tự hào về nghề chăn nuôi của mình. Sau khi thi cân gà xong, thì gà được mổ làm lễ vật để tế thành hoàng. Mổ gà phải có nghệ thuật, cắt tiết thật khéo, dùng dao mổ moi rồi đem luộc cách thuỷ. Gà chín từ từ bằng hơi, hai cánh uốn cong như chim phượng đang bay. Gà chín được đặt lên giữa mâm xôi.

Thi xôi đồng thời với thi gà. Xôi đồ bằng gạo nếp cấy trồng từ đồng đất Thuý Lai. Ruộng lềnh ở các giáp phân cho để cấy lúa nếp không được bón phân bắc. Khi xay giã phải sàng sẩy nhiều lần để hạt gạo mòn còn phần lõi nhỏ xíu. Nước dùng để đồ xôi, người làng Thuý Lai phải sang lấy từ giếng của làng Hương Ngải đem về. Do mối quan hệ nào đó từ cổ xưa, hoặc do gạo Thuý Lai phải đồ với nước Hương Ngải mới thành xôi ngon cho nên có lệ như trên. Theo luật định, Hội đồng chấm thi bẻ cỗ xôi của từng giáp. Cỗ xôi nào khi bẻ mà từng hạt vẫn sóng đều là đạt. Cỗ xôi nào khi bẻ mà các hạt gẫy đôi ấy là xôi hỏng.

Cùng ngày hội thi gà, thi xôi đồng thời thi cả chè kho. Chè được nấu từ đậu xanh với mật mía. Cách chọn đậu và chọn đường rất công phu. Đậu xanh mười hạt đều cả mười, vỏ mỏng và có màu xanh sẫm. Loại đậu này thường được trồng ở trên những thửa ruộng gần quán Sải. Đậu xay được ngâm trong nước sạch, đãi vỏ để cho khô ráo mới đem nấu chè. Đường mật phải là đường phèn màu trắng ngà. Nấu được một nồi chè kho, người ta phải thức suốt cả một đêm theo dõi bếp lửa. Kinh nghiệm cho hay thử bằng đũa, khi nhúng chè vào nước mà không thấy tan là được. Quan sát phía ngoài mặt chè thấy có màu vàng sáng mịn là chè đẹp. Chè kho đủ tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên, có thể để dành được hàng tháng. Trong những ngày để dành này, trên mặt đĩa chè nếu xuất hiện men trắng thì ăn chè càng ngon.

Tiếp đó, hội làng Thuý Lai còn có trò thổi cơm thi được tổ chức tại sân đình. Cuộc thi này là một hoạt động văn hoá dân gian vô cùng hấp dẫn, diễn tả lại một cuộc khao quân tưng bừng phấn khởi mừng chiến thắng. Sân đình chật ních người xem đứng xung quanh. ở giữa sân là những cặp nam nữ tham gia trò thổi cơm thi. Lệ thường có từ 10 cặp dự thi trở lên, mỗi cặp gồm 1 ông và 1 bà. Ông đi trước, trên vai gồng (cò) một niêu đất bên trong đã có nước và gạo tẻ. Ông ta luôn ở tư thế chạy chậm xung quanh sân bàn cờ. Bà đi sau hai tay cầm ngọn đuốc lửa cháy rừng rực. Ngọn lửa luôn bám vào niêu đất.

Cuộc thi có những quy định chung: đều có niêu giống nhau, đựng nước gạo như nhau. Bắt đầu phát lệ thi, rừng cờ vẫy gọi động viên, chiêng trống náo động, sáo nhị và những tiếng vỗ tay của người xem âm vang cả xóm làng. Những người trong cuộc thổi cơm thi chân nhún, tay múa diễn trò hồn nhiên tươi khoẻ, lạc quan. Khi chủ khảo cho ngừng bằng hiệu trống thì hết thời gian thổi cơm. Ban giám khảo chấm thi xem xét niêu cơm nào chín ngon, dẻo nhất sẽ được đoạt giải.

Tục thi những món ăn truyền thống là nét văn hoá ẩm thực đặc sắc của lễ hội làng Thuý Lai gắn liền với nghề trồng lúa nước của cả cư dân nông nghiệp. Họ nghĩ rằng có được những nông sản ấy là nhờ sự phù trợ của thần linh thiên địa, nên việc dâng cúng là để bày tỏ lòng biết ơn. Các cuộc thi đó như những hội thi khéo tay hay làm trong phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc làng xóm văn minh ngày nay vậy.

Hội làng Thuý Lai còn có những hoạt động văn hoá khác nhau như cuộc rước tế xuân thu nhị kỳ ở Văn Chỉ nhằm nhắc nhở, khuyến khích việc học hành. ở đình còn có lễ cầu an, cầu cho mọi người, cho cả làng được bình an. Lễ kết chạ anh em giữa làng Thuý Lai và làng Kim Quan là một truyền thống đoàn kết tốt đẹp của tổ tiên để lại…

(Theo Báo Hà Tây)

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục