Đầu xuân trảy hội đền Đông Cuông
- Cập nhật: Thứ bảy, 13/2/2010 | 5:55:26 PM
YBĐT – Toạ lạc bên bờ sông Hồng hiền hoà thuộc địa phận thôn Cầu Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái). Từ lâu đền Đông Cuông đã nổ tiếng là ngôi đền tôn nghiêm còn nguyên giá trị lịch sử và trở thành điểm đến của đông đảo du khách thập phương trong hành trình tâm linh cầu tài cầu lộc đầu xuân. Đến với hội đền Đông Cuông mỗi dịp đầu xuân, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng khung cảnh non nước hữu tình mà còn được hoà mình trong lễ hội tâm linh cùng các trò chơi đậm chất dân gian của một vùng đất thượng võ.
Theo dòng du khách thập phương trong dịp hành hương đầu xuân, chúng tôi tìm về đền Đông Cuông, một trong hai ngôi đền lớn nhất vùng thượng lưu sông Hồng. Tại đây vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày khao. Lễ hội treo trâu tế mãu, một nghi thức linh thiêng và độc đáo có từ ngàn đời nay.
Lịch sử của đền ghi lại, đền thờ Cao Quan Đại Vương, người đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho nhân dân. Khi mất lại linh ứng ngầm theo giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua ban sắc phong là Thần vệ quốc và đã hoá thân thành Mẫu Thượng Ngàn. Hàng năm đền Đông Cuông thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới công lao các vị thần đã có công đánh giặc giữ nước.
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng đền lại tổ chức chính lễ. Lễ hội đền Đông Cuông năm Canh Dần được tổ chức vào ngày 9 tháng 1 âm lịch. Sự kiện được chọn để mở đầu cho hàng loạt các lễ hội là nghi thức mổ trâu trắng tế mẫu, một nghi thức linh thiêng và độc đáo có từ nhiều đời nay.
Chọn thời khắc sang canh của ngày Mão để thực hiện nghi lễ treo trâu, trâu làm vật tế lễ được 7 chàng trai to khoẻ kéo lên cành mít có niên đại hàng trăm năm tuổi trước sân đền, trâu được xoay nhiều vòng theo lời khẩn cầu bí ẩn của thầy mo cho đến khi chết và được mổ theo đúng nghi thức cúng tế xưa rồi theo hiệu lệnh trống hội đưa vào gian chính điện, với ý niệm cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân dân được ấm no thái bình.
Lễ mổ trâu tế mẫu diễn ra trong khoảng 3 canh giờ với sự tham gia của hàng ngàn người dân trong vùng và du khách thập phương. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng không thể thiếu để chuẩn bị cho 2 lễ hội chính của đền đó là lễ rước mẫu qua sông và lễ dâng hương tế mẫu được tổ chức tại miếu Ghềnh Nhai diễn ra lúc trời sáng.
Đúng 8 giờ sáng ngày Mão, lễ rước mẫu qua sông về miếu Ghềnh Nhai được thực hiện tuần tự theo đúng nghi thức. Trang trọng và linh thiêng, tượng mẫu được rước từ cung cấm ra tới bờ sông Hồng rồi chở bằng bè nứa qua sông, ai cũng mong được chạm tay vào tượng, được chui qua bè khiêng, được sờ tay vào khăn nhiễu đỏ buộc trên ngai để mong nhận được điều may mắn cho cả năm.
Tương truyền vào khoảng cuối thế kỷ thứ 12, nghĩa quân của tướng Hà Đặc liên tiếp thua trận, khi chạy đến nơi này, vì không muốn rơi vào tay giặc, tướng quân Hà Đặc đã nhảy xuống sông Hồng tự vẫn. Chính bởi vậy mà lễ rước mẫu qua sông đền Đông Cuông có từ đấy.
Với ý nghĩa để thắp hương cúng tế linh hồn nghĩa quân của tướng Hàn Đặc, mỗi năm một lần qua sông, chính nơi xưa, tướng quân Hà Đặc đã trẫm mình. Lễ rước mẫu qua sông về miếu Ghềnh Nhai với nhiều nghi thức độc đáo là dịp để du khách hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử, về truyền thống thượng võ của một vùng đất giàu truyền thống yêu nước chống xâm lăng.
Tượng mẫu được rước trở về đền và kết thúc bằng lễ dâng hương tế mẫu của hàng ngàn du khách thập phương. Bên cạnh những sinh hoạt văn hoá tâm linh, lễ hội đền Đông Cuông còn làm sống dậy nhiều hoạt động văn hoá tinh thần của người xưa với các môn thể thao truyền thống như kéo co, đánh đu, ném còn...
Là một trong những lễ hội chính trong các tua du lịch về cội nguồn của tỉnh Yên Bái năm 2010, về với hội đền Đông Cuông, tìm về những điều kỳ bí trong đêm hội mổ trâu trắng tế mẫu, về với những đạo lý và nghi thức đẹp của lễ rước mẫu qua sông hay lễ dâng hương tế mẫu tại miếu Ghềnh Nhai chính là dịp để du khách về với cội nguồn dân tộc, với hào khí sông thiêng trong dịp hành hương đầu xuân.
Thanh Tân