8 lĩnh vực này gồm: công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Theo công bố của Bộ Nội vụ, năm 2016, tỉnh Yên Bái đạt 67,78 điểm, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 điểm và 8 bậc so 2015 (trong đó, điểm qua tài liệu kiểm chứng đạt 41,25 điểm, giảm 13,25 so với năm 2015; điểm đánh giá tác động qua điều tra xã hội học đạt 25,83 điểm, giảm 2,93 điểm so với năm 2015).
Tìm hiểu nguyên nhân cho thấy, về khách quan, từ năm 2012 - 2015, các tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá chấm điểm mang hình thức các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành các kế hoạch về CCHC hàng năm, giai đoạn, báo cáo đầy đủ, đúng thời gian quy định, tổ chức thực hiện các văn bản QPPL, đầu tư hiện đại hóa nền hành chính... là được chấp thuận.
Nay, Bộ Nội vụ đã sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí mới, do vậy từ 2016 các tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá chấm điểm thêm phần chấm điểm vào đánh giá tác động công tác CCHC. Chúng ta lại chưa có báo cáo về xử lý những vấn đề qua kiểm tra đã được xử lý theo thẩm quyền của địa phương hay kiến nghị Trung ương xử lý, về lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, về phân cấp do đó bị trừ điểm.
Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần để xác định chấm điểm còn mang định tính, không lượng hóa được khối lượng công việc hoàn thành trong năm nên khó xác định được để chấm điểm, khó khăn cho việc chấm điểm.
Trong đó, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần trong câu hỏi phiếu điều tra xã hội học còn chưa sát thực tế, khó hiểu làm cho người trả lời và điền vào phiếu khó xác định để trả lời dẫn đến kết quả không cao... thì nguyên nhân chính vẫn thuộc về chủ quan.
Thực tế, có thể thấy, do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác CCHC, vẫn còn hình thức. Điều này dẫn đến công chức tại các cơ quan, đơn vị được phân công thực hiện công tác tham mưu về CCHC chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa đầu tư vào chiều sâu của công tác CCHC, thực hiện chế độ báo cáo chưa nghiêm, thậm chí có những địa phương không công khai đầy đủ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định...
Mục tiêu đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, không chỉ để nâng cao chỉ số PAR Index, nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh mà qua đó xây dựng nền hành chính liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả để phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở nhận diện được những chỉ số thành phần đã làm tốt, chỉ số thành phần chưa làm tốt để chấn chỉnh, đồng thời xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc đánh giá lại CCHC ở cơ quan, đơn vị mình để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới, nâng chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi, hủy bỏ các văn bản không còn phù hợp; tiếp tục rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh chế độ công vụ, công chức trong các cơ quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính Nhà nước, thanh tra, kiểm tra công vụ; đẩy mạnh tuyên truyền CCHC...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên với trách nhiệm cao, tin rằng trong năm 2017 này, chỉ số PAR Index của Yên Bái sẽ được cải thiện, là yếu tố góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nguyễn Đình