Chỉ số PAPI được xem là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương; giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác phục vụ người dân tốt hơn.
Chỉ số PAPI năm 2020 điều tra qua 8 nội dung và 29 nội dung thành phần được điều tra xã hội học đối với người dân trong địa bàn tỉnh. Xếp hạng Chỉ số PAPI được phân theo 4 nhóm: cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp, thấp nhất. Năm 2020, Chỉ số PAPI của tỉnh Yên Bái đạt 43,13 điểm (thang điểm 80) xếp trong nhóm trung bình cao trong 16 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo Sở Nội vụ, trong 8 chỉ số nội dung mà PAPI đo lường có 4/8 chỉ số nội dung tăng điểm gồm chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,866 điểm/10 điểm, tăng 0,155 điểm; công khai minh bạch đạt 5,719/10 điểm, tăng 0,299 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,829/10 điểm; kiểm soát tham nhũng khu vực công đạt 7,038/10 điểm, tăng 0,998 điểm; thủ tục hành chính công đạt 7,599/10 điểm; 3 chỉ số nội dung giảm điểm gồm cung ứng dịch vụ công đạt 6,922/10 điểm, giảm 0,028 điểm; quản trị môi trường đạt 3,320/10 điểm, giảm 0,03 điểm; quản trị điện tử đạt 2,826 điểm, giảm 0,134 điểm.
Với kết quả khảo sát này, tỉnh Yên Bái có 2 chỉ số nội dung đạt ở nhóm cao nhất là công khai, minh bạch và thủ tục hành chính công; 2 chỉ số nội dung đạt ở nhóm trung bình cao là kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và quản trị điện tử. Đây là kết quả được tạo nên từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực không ngừng của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn, nhằm thực hiện hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó cũng cho thấy, người dân ghi nhận chính quyền các cấp đã có những nỗ lực hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng; người dân đã tin tưởng hơn về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền. So sánh với năm 2019, Chỉ số PAPI năm 2020 của tỉnh tăng 0,71 điểm. Tuy nhiên, các chỉ số nội dung đạt ở mức cao nhất hoặc mức trung bình cao không ổn định.
Bên cạnh đó, vẫn còn đến 4 chỉ số nội dung vẫn ở mức trung bình thấp là tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình của người dân; cung ứng dịch vụ công và quản trị môi trường. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do các ngành, các cấp, địa phương chưa đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, sát thực tế để khắc phục những tồn tại, yếu kém; việc tổ chức triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thiếu rõ ràng và còn chồng chéo; nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quyền các cấp, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và người dân về Chỉ số PAPI, nhất là quyền, trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào công tác chính trị tại cơ sở gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, đảm bảo đúng các lĩnh vực dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… còn hạn chế.
Để tạo chuyển biến đồng bộ trong việc nâng cao Chỉ số PAPI, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã; tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân biết và sử dụng Cổng thông tin điện tử và các dịch vụ công trực tuyến của Trung ương và của tỉnh, từng bước nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra công vụ, kiểm tra việc chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử; kiểm tra đột xuất việc thực hiện giờ giấc hành chính của cán bộ, công chức và việc giải quyết các giao dịch hành chính của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan, đơn vị.
Thường xuyên rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước; các thủ tục hành chính phải được thực hiện thống nhất chung theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và phải được niêm yết, công khai minh bạch.
Văn Thông