“Lòng tin tưởng”

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/3/2020 | 8:55:52 AM

“Lòng tin tưởng” là bài viết tuy ngắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân dân, số 46, ngày 21/2/1952 nhưng có giá trị như một lời hiệu triệu có sức lay động lớn lao, là động lực tinh thần để thúc đẩy toàn dân tộc ta thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vượt mọi trở ngại để đến bến bờ vinh quang.

Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc ta đến bến bờ vinh quang.
Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc ta đến bến bờ vinh quang.

Sức mạnh của lòng tin tưởng

Không phải ngẫu nhiên trong di sản tư tưởng của mình, có tới 51 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới cụm từ "lòng tin tưởng” và có gần 350 lần Người nhắc tới cụm từ "tin tưởng” (trong tác phẩm"Lòng tin tưởng” mặc dù chỉ vẻn vẹn 769 chữ, nhưng hai cụm từ trên xuất hiện tới 15 lần) - điều đó cho phép chúng ta khẳng định một điều chắc chắn rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao vai trò và coi trọng việc xây dựng lòng tin tưởng cho toàn thể dân tộc ta, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Vì vậy, từ rất sớm, trong Thư gửi ông Vũ Trọng Khánh, Giám đốc tư pháp Liên khu X, tháng 5 năm 1948, Người đã nhấn mạnh về vai trò lòng tin tưởng người cộng sản chân chính đối với tiền đồ của cách mạng Việt Nam, vào vận mệnh của Tổ quốc: "Như già Hồ của chú, trong mấy mươi năm, mấy lần vào tội ra tù, mấy lần chết treo bên cổ. Nhưng chỉ vì lòng tin tưởng vào vận mệnh của Tổ quốc, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, cho nên dù gian nan nguy hiểm mấy, tinh thần cũng không bao giờ lay động” (1). Cũng từ đó, Người động viên đồng bào hãy tin tưởng vào một thắng lợi cuối cùng vì chúng ta là chính nghĩa: "Đã ba năm nay, dân tộc ta hy sinh kháng chiến chống giặc xâm lăng. Dù khó nhọc, hy sinh đến thế nào, chúng ta vẫn giữ vững lòng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Vì cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa” (2).

Để khẳng định sức mạnh của lòng tin tưởng (mà ngày nay chúng ta gọi là niềm tin), Người viết riêng tác phẩm Lòng tin tưởng, một lần nữa, Người tiếp tục nhấn mạnh: "Trong hơn 80 năm thống trị nước ta, thực dân và bù nhìn có cả một bộ máy để đàn áp cách mạng: quân đội, cảnh sát, mật thám, tòa án, nhà giam, máy chém, cơ quan tuyên truyền, v.v.. Chúng như một bức tường có điện, chẳng những khó trèo qua, mà đụng đến là chết. 

Cách mạng thì chỉ có mấy nhóm, gồm một số ít người. Họ ăn khổ, mặc khổ, ở khổ. Xa gia đình, lìa quê quán. Nếu không may bị giặc bắt, thì bị tra tấn dã man, chết đi sống lại. Tiếp theo đó là bị tù đày hàng chục năm, hoặc bị giặc bắn, chém. Song họ vẫn trơ như đá, vững như đồng. Một người bị, thì trăm nghìn người nổi lên. Do đó, cách mạng vẫn tiến lên, tiến lên mãi. Càng gặp khó khăn nguy hiểm, càng tiến mạnh. Đó là vì lòng tin tưởng” (3).

Không những vậy, một mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn phê bình những biểu hiện thiếu lòng tin tưởng của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và của dân tộc, nhất là ở những bước ngoặt của của lịch sử. Về vấn đề này, trong bài Dinh tê, đăng Báo Nhân dân, số 46, ngày 21-2-1952, Người viết:"Trong lúc xã hội thay đổi lớn, người mạnh dạn thì kiên quyết xông pha, vượt qua gian khổ, đi đến thành công. Người non nớt thì cầu an, tiêu cực, rồi thất bại. Kháng chiến ta trường kỳ và gian khổ, không khỏi có những người "dinh tê". 

Không phải họ muốn phản bội. Nhưng vì họ kém lòng tin tưởng vào lực lượng tất thắng của dân tộc. Họ thiếu lòng tin vào sức chịu đựng của mình. Họ không trông thấy xa”(4). Mặt khác, Người ra sức động viên mọi người phải có niềm tin sắt đá mới đi đến bến bờ vinh quang: "Mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn, thì tương lai mới vẻ vang” (5).

Lòng tin tưởng là gì?

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, lòng tin tưởng không phải cái gì trừu tượng, khó hiểu, khó định tính, định lượng mà rất cụ thể; vì thế, Người có cách tiếp cận và chỉ ra hết sức rõ ràng những biểu hiện của lòng tin tưởng của mỗi đối tượng khác nhau, cụ thể:

Đối với toàn thể dân tộc Việt Nam: Trong hoàn cảnh cực kỳ cam go, song với truyền thống và sức mạnh ý chí to lớn "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” để vượt qua thử thách với lòng tin tưởng tuyệt đối "Ngày bắt đầu kháng chiến, thế địch mạnh; chúng lại có phản động Anh, Mỹ... giúp sức. Lúc đó, thế ta còn yếu… So sánh lực lượng địch và ta lúc đó, những kẻ nhút nhát đã thốt ra: "Kháng chiến là lấy trứng chọi với đá”. Nhưng nhân dân ta, quân đội ta và Chính phủ ta vẫn kiên quyết kháng chiến, mà kháng chiến ngày càng mạnh, càng thắng. Đó là vì lòng tin tưởng” (6).

Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên: Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, lại được tôi luyện qua thực tiễn Cách mạng Tháng Tám trước đó, mặc dù phải đối mặt không ít thử thách khắc nghiệt, họ vẫn một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang; vì thế, Người viết: "Ngày nay, hoàn cảnh vùng tạm bị chiếm cũng khó khăn không kém hoàn cảnh trong hồi thuộc Pháp. Nhưng cán bộ vẫn bám chặt nhân dân, ra sức đấu tranh, làm trọn nhiệm vụ. Đó là vì lòng tin tưởng” (7).

Đối với lực lượng vũ trang: Trưởng thành trong phong trào cách mạng của quần chúng lại được Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện, cán bộ, chiến sĩ, dân quân luôn giữ tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho: "Các chiến sĩ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích xông pha bom đạn, ăn gió nằm sương, không sợ khổ, không sợ chết, quyết chí hy sinh để giữ gìn Tổ quốc. Đó là vì lòng tin tưởng” (8).

Đối với lực lượng đan công hỏa tuyến, bà con nông dân và đồng bào các dân tộc: Mỗi người một nhiệm vụ, với niềm tin yêu và một lòng đi theo Đảng đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng; vì vậy, Người giải thích rõ: "Những đồng bào đi dân công, hoặc sửa chữa đường sá, hoặc giúp đỡ vận tải, hoặc phục vụ chiến dịch, dầm mưa dãi nắng, lội suối trèo đèo, có khi ngày thì gánh nặng đi xa, đêm thì ngồi ngoài đồng ruộng dựa lưng nhau mà nghỉ. Nhưng họ không quản vất vả, không hề than phiền, sáng dậy vẫn vui vẻ làm công việc. Đồng bào nông dân tích cực tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp. Đồng bào Mán làm rẫy được Chính phủ miễn thuế, song ở nhiều nơi cũng tự nguyện xung phong đóng góp. Đó là vì lòng tin tưởng” (9).

Tin tưởng vào nhân dân

Theo Người, lòng tin tưởng không phải là tin vào hư vô, không có mục đích, không có đối tượng và con người cụ thể. Vì vậy, Người đã đặt ra câu hỏi và trả lời một cách hết sức cụ thể và thuyết phục: "Tin tưởng vào gì? Tin tưởng vào ai? Tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Tin tưởng vào lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta. Tin tưởng vào lực lượng cách mạng của nhân dân thế giới. Lực lượng to lớn của nhân dân ta phải được tổ chức và lãnh đạo; Đảng và Chính phủ ta phụ trách tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta, nên ta tin tưởng vào Đảng và Chính phủ ta. 

Để đoàn kết và lãnh đạo nhân dân, Đảng và Chính phủ có chủ trương, chính sách đúng dựa trên lý luận đúng nhất, lý luận Mác - Lênin; nhờ đó, Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến của ta ngày một mạnh; vì vậy, ta tin tưởng vào lý luận ấy. Lý luận đó do những lão đồng chí lãnh đạo có kinh nghiệm cách mạng quốc tế và trong nước, hoạt động đấu tranh lâu ngày trong quần chúng, trải qua nhiều lần thử thách, phụ trách truyền lại cho đồng chí ta, và nhân dân ta. Vì vậy ta tin tưởng vào những lãnh tụ của ta”(10).

Lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng ta

"Lòng tin tưởng” với ngôn từ ngắn ngọn, dễ hiểu và có sức lay động như một bài hịch chẳng những có giá trị lịch sử to lớn về nhiều mặt mà còn là ngọn cờ, là động lực tinh thần để thúc đẩy toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thấu triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lực lượng to lớn của nhân dân ta phải được tổ chức và lãnh đạo; Đảng và Chính phủ ta phụ trách tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta, nên ta tin tưởng vào Đảng và Chính phủ ta”, 90 năm qua, Đảng ta không ngừng lớn mạnh, thực sự "là đạo đức, là văn minh”; đồng thời, là lực lượng chính trị duy nhất tự "tái tạo” niềm tin, có được niềm tin và sự ủng hộ tuyệt đối toàn thể nhân dân, của mọi giai tầng, người Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài và các nước để đồng hành cùng dân tộc Việt Nam tiến đến bến bờ vinh quang.

Thành tựu lớn lao của hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng ta: "Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử” (11). 

Về vấn đề này, nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2019) và mừng Xuân Kỷ Hợi trong bài viết Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đã khẳng định: "Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 89 năm, từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam; đồng thời, chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

Thực tế gần một thế kỷ qua cho thấy, ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thành công khác” (12). 

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”(13) và tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2019 và bàn về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục động viên và tin tưởng: "Với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ khoá XII, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong đợi”./.

--------------------------

(1) (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.538; tr.658

(3)(4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.328; tr.323; tr.324; tr.328-329; tr.329; tr.329; tr.329; tr.329-330

(11)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, tr.16

(12) (13) Nguyễn Phú Trọng (2019): "Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn”:

http://xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2019/12568/Dang-vung-manh-Dat-nuoc-phat-trien-Dan-toc-truong-ton.aspx

(14) Nguyễn Phú Trọng (2019): "Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác

Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động. Những ai tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng phải chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tuy nhiên, tình trạng một số cán bộ, đảng viên nói và làm không nhất quán - một biểu hiện của “bệnh” công thần, kiêu ngạo xuất hiện thời gian qua, rất cần phải xử lý nghiêm nhằm góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Trong công tác xây dựng đội ngũ, Đảng ta luôn động viên cán bộ, đảng viên tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, để nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, trong số rất nhiều căn bệnh nguy hiểm đe dọa sự tồn vong của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số “căn bệnh” tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Ngày 4 Tết Canh Tý (26/1/2020) trên trang facebook của bạn Cổ Bính Tỉm đã chia sẻ bài viết của Hai Thông Phạm DUC và Pham DUC HAI về cái gọi là “giải mã về hiện tượng mưa đá ngày xuân”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục