Nguyễn Đình Cống (NĐC) khoe: "Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đến nay còn là tài liệu mật, nhưng vô tình tôi có được 1 bộ". Thế là NĐC viết các bài: "Phản biện một khúc dạo đầu" và "Kính nghiệm của ĐCSVN".
Được biết NĐC là kỹ sư về bê tông, rồi được Đảng, Nhà nước đào tạo thành giáo sư tiến sĩ dạy ở trường Đại học Xây dựng. Bây giờ cuối đời bỗng dưng ông ta lại nhảy sang sân ngôn ngữ học để duy danh định nghĩa từng từ, từng câu trong cái mà ông gọi là "Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII ĐCS VN" để bắt bẻ, bài bác.
Trong khi các tiểu ban văn kiện vẫn đang họp để tham gia xây dựng từng phần nội dung dự thảo, không hiểu NĐC tuổi gì mà có được "Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII cửa ĐCS Việt Nam" để đem ra bôi bác?
NĐC cho rằng phần mở đầu viết: "Đại hội XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: ý này thừa và có ý lộng ngôn. Thừa vì ai chẳng biết Đại hội Đảng lần nào mà chẳng quan trọng. Lần này "đặc biệt quan trọng", nó đặc biệt ở chỗ nào? Có cái gì động trời sắp xảy ra chăng?".
"Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII". Ý này hoặc thừa hoặc thiếu, thừa vì đại hội nào mà chẳng kiểm điểm…. việc này mọi người đều biết rõ…. Công tác nhân sự sao không viết ra? Cố tình hay vô ý bỏ qua?
Ý: "Gắn với đánh giá tổng quát quá trình đổi mới, quyết định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ 5, 10 năm và tầm nhìn đến 2045. Ý này thể hiện sự giáo điều và ảo tưởng. Giáo điều ở chỗ vạch kế hoạch 5 năm là sản phẩm nền kinh tế kế hoạch hóa theo mô hình Liên - Xô. Ảo tưởng ở chỗ vạch ra nhiệm vụ 10 năm và tầm nhìn đến 2045".
Sau khi phản bác tất cả phần chủ đề, phương châm của Đại hội trong cái gọi là "Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII ĐCSVN" mà ông có, NĐC xoay sang phân tích chữ nghĩa theo kiểu dạy ngữ pháp cho học trò.
Về nội dung "Xây dựng, chỉnh đối Đảng và hệ thống chính trị" ông ta vành vẻ thế này: "Xây dựng là làm ra cái gì đó trước chưa có. Chỉnh đốn là sửa sang, sắp đặt lại thứ đã có. Mấy từ "trong sạch, vững mạnh" đóng vai trò ngữ pháp nào? Phải chăng nó là tính từ bổ nghĩa cho hệ thống chính trị? Vấn đề ở đây là không phải xây dựng hệ thống từ đầu mà hệ thống có sẵn nhưng chưa được trong sạch, chưa được vững mạnh… có thể hiểu là một hệ thống khác với hệ thống đang tồn tại…"
Ý: "Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo". Từ sáng tạo ở đây đóng vai trò ngữ pháp nào? Nó làm danh từ bổ ngữ cho động từ đổi mới hay làm trạng từ? Ý này chứng tỏ tư duy mơ hồ. Người ta nghiện từ đổi mới, dùng nó bừa bãi…".
Bài viết "Kinh nghiệm của ĐCS VN", từ định nghĩa theo Từ điển tiếng Việt, NĐC liệt kê phần "kinh nghiệm" trong báo cáo các đại hội trước rồi viết: "Tôi đọc kỹ 20 kinh nghiệm mà hoang mang không biết đó có phải là kinh nghiệm rút ra từ thực tế hay là những vấn đề thuộc lý thuyết đã được viết trong nhiều sách và những việc cần làm do ai đó nghĩ ra. Cái gọi là kinh nghiệm phải chăng đó là một số công việc thuộc các lĩnh vực khác nhau được đem trộn lẫn, chúng không phải có được do tiếp xúc với thực tế mà là sản phẩm tư duy của một vài đầu óc thiểu năng trí tuệ. Các đầu óc ấy đã bị xơ cứng vì thuộc quá nhiều khẩu hiệu… Đó là sự dối trá, bịa đặt do bệnh thành tích".
Đến đây thì đã rõ động cơ thật sự của cái gọi là "phản biện", "góp ý" của NĐC chỉ là bức màn che đậy cho âm mưu thâm độc bác bỏ các chủ trương, đường lối, vai trò và sự lãnh đạo của ĐCSVN.
Thứ "kinh nghiệm" theo sách vở mà từ điển định nghĩa là dành cho mỗi cá nhân. Còn kinh nghiệm mỗi chặng đường cách mạng của Đảng là trí tuệ của tập thể, được đúc kết từ hàng triệu đảng viên, hàng trăm, ngàn đảng bộ qua thực tiễn rút ra, sao có thể hiểu máy móc theo từ điển?
Lịch sử 90 năm qua đã chứng minh: Sau mỗi kỳ đại hội, cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên, giành thắng lợi mới, đất nước tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đó chính là thành công nhờ tổng kết thực tiễn và đề ra đường lối đúng cho chặng đường tiếp theo.
Nếu những kinh nghiệm qua các đại hội rút ra là "đồ dởm" như NĐC xuyên tạc thì làm sao đất nước phát triển, giành được thắng lợi như ngày nay? Không có kinh nghiệm, không có bản lĩnh, không có chủ trương đường lối đúng mà Việt Nam làm sao kiểm soát dịch Covid-19 thành công hơn rất nhiều quốc gia kể cả nước giàu mạnh, nhiều nhà khoa học nhất như Hoa Kỳ?
Trong bối cảnh đại dịch, nhưng ngày 30/7/2020 Ngân hàng thế giới (WB) vẫn cho rằng: "Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới. GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 2,8 và 6,7% trong năm 2021. Là quốc gia tăng trưởng thứ 5 thế giới năm 2020".
Những năm qua, thế giới đã đánh giá Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình nhanh nhất thế giới và sẽ là nền kinh tế lớn thứ 30 toàn cầu vào năm 2030. Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, xếp thứ hai trong danh sách những nền kinh tế phát triển nhanh nhất chỉ sau Ấn Độ.
Tốc độ tăng tài sản nhanh nhất 210%, xóa đói giảm nghèo thành công nhất, từ 57% năm 1990 đến năm 2019 chỉ còn dưới 4%. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia an toàn nhất thế giới 5 năm liên tục, là đất nước không có khủng bố thứ 1 thế giới, xếp thứ 5 trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Nếu văn kiện Đại hội của ĐCSVN chỉ là "Tư duy mơ hồ, sự dối trá, bịa đặt, ảo tưởng, giáo điều của một vài đầu óc thiểu năng trí tuệ" như NĐC xuyên tạc thì đất nước có đạt được những thành tựu đó không?
Với cách nhìn lệch lạc và thái độ ngạo mạn, NĐC chỉ thấy cây mà không thấy rừng, y dùng thủ đoạn "bới lông tìm vết", "vạch lá tìm sâu" cốt để tìm cách bôi nhọ hạ thấp vai trò, uy tín của ĐCSVN. Nhưng một bàn tay khỉ làm sao che được ánh mặt trời?
Nhất Tâm