Quyền bình đẳng về kinh tế đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ lợi ích giữ các dân tộc. Nhà nước có trách nhiệm giúp các dân tộc có kinh tế chậm phát triển để cùng đạt được trình độ phát triển chung với các dân tộc khác. Nhưng, lợi dụng sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa dân tộc Kinh và đồng bào DTTS và những bất cập trong quá trình thực hiện CSDT ở một số địa phương, các thế lực thù địch đã xuyên tạc rằng: Đảng, Nhà nước đối xử không công bằng, chỉ chăm lo cho người Kinh mà không chăm lo cho đồng bào DTTS, khiến cho cuộc sống của đồng bào khó khăn, nghèo đói. Nguồn lực của Nhà nước đem đầu tư ở vùng đô thị, đồng bằng nơi người Kinh sinh sống chứ vùng đồng bào DTTS rất ít các dự án, công trình phát triển kinh tế.
Thực tế, nhiều chính sách lớn về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào DTTS. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào DTTS, phần lớn các chương trình của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội cho xóa đói, giảm nghèo.
Trong giai đoạn hiện nay, 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Giảm nghèo bền vững và Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang mang lại những đổi thay lớn lao trên khắp những bản làng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đó chính là một sự thật không thể phủ nhận, một minh chứng không thể chối cãi về sự chăm lo phát triển đời sống KT-XH vùng đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước ta. Điều đó, được chính cấp ủy, chính quyền, nhất là người dân các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa nhận thấy rõ và khẳng định chắc chắn.
Thôn An Thịnh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên có dân tộc Tày và Dao chiếm đa số. Trước khi được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, thôn còn rất nhiều khó khăn như: đường vào các ngõ xóm cơ bản là đường đất; thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng/năm; kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp và thôn còn gần 40 hộ cả nghèo và cận nghèo… Nhưng đến nay, đường giao thông của thôn đã 100% bê tông hóa; thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 50 triệu đồng/năm; sản xuất phát triển theo hình thức liên kết chuỗi như cây quế, cây măng Bát độ. Năm 2024, thôn chỉ còn 3 hộ nghèo đều là hộ bảo trợ xã hội…
Ông Hoàng Văn Nhai - người dân thôn An Thịnh phấn khởi khẳng định: "Để có được thành quả như ngày hôm nay trong XDNTM ở thôn là sự nỗ lực hết mình của mỗi người dân chúng tôi và sự đầu tư của Nhà nước trong suốt quá trình phấn đấu nhiều năm qua, nhất là khi chương trình XDNTM đi vào cuộc sống với rất nhiều sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước. Nhà nước cho xi măng để người dân làm đường; Nhà nước hỗ trợ vay vốn cho dân làm công trình vệ sinh, sửa sang nhà ở; cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trồng măng Bát độ, trồng quế, cây dược liệu, chăn nuôi để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.
Xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên có 46% dân tộc Kinh; 51,63% dân tộc Tày; 2,37% là dân tộc khác; có 7/11 thôn có dân tộc Tày chiếm trên 90% dân số. Bà Hoàng Thị Thúy Lan - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hằng năm, xã thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng toàn diện vùng đồng bào DTTS do đồng chí phó chủ tịch UBND xã trực tiếp phụ trách để giúp cho Ban Thường vụ Đảng ủy xã trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS một cách kịp thời, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm chỉ đạo các thôn tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển KT-XH trong vùng đồng bào DTTS thông qua các chương trình, dự án của trung ương, tỉnh, huyện. Đến nay, đời sống, vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao và ngày càng có nhiều mô hình sản xuất giỏi trong đồng bào DTTS; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 1,46%; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 0,95%; không còn thôn đặc biệt khó khăn…”.
Mỹ Gia là xã vùng Đông Hồ của huyện Yên Bình, có 8 dân tộc chung sống; trong đó, dân tộc Tày chiếm khoảng 85% dân số. Ông Hà Văn Lĩnh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tỉnh, huyện, trên địa bàn xã đã xây dựng được 30,5 km đường giao thông; trong đó, mở mới 1,3 km, bê tông 29,2 km; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 100%; 100% thôn có nhà văn hóa; trường học, trạm y tế trên địa bàn đều đạt chuẩn theo quy định; thu nhập đầu người đạt trên 51,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 7,6%...; xã đã được công nhận NTM vào tháng 11/2020 và đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào tháng 12/2022”.
Nậm Lành là xã đặc biệt khó khăn của
huyện Văn Chấn, có 6 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS chiếm 98%, chủ yếu là người Dao. Bà Bàn Thị Náy - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Cấp ủy, chính quyền xã xác định việc thực hiện tốt các CSDT, triển khai có hiệu quả các CTMTQG là một nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề trong việc phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, nhất là từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, huy động nguồn lực, hỗ trợ nguồn vốn để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo”.
Theo bà Bàn Thị Náy, thời gian qua, xã đã được triển khai xây dựng nhiều công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ KT-XH cho bà con như công trình nước sạch tập trung thôn Tặc Tè; cải tạo, nâng cấp 4 km đường từ quốc lộ đi trung tâm xã; đầu tư mới 2 km đường liên thôn; xây dựng 1 cầu thôn Nậm Kịp… Cùng đó, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thì ngoài việc bà con được hỗ trợ trực tiếp con giống, máy móc sản xuất nông nghiệp…, lũy kế đến hết tháng 3/2024, đã có trên 14,5 tỷ đồng vốn chính sách tín dụng xã hội được đưa đến tay bà con để phát triển kinh tế.
Có thể nói, những kết quả đã đạt được trong phát triển KT-XH ở các địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống ở tỉnh Yên Bái là luận chứng sống động khẳng định sự chăm lo phát triển vùng đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước ta và không chỉ thấy rõ ở cấp cơ sở mà ở cấp huyện cũng đạt những kết quả quan trọng, không thể phủ nhận.
Đơn cử như tại huyện Văn Yên, trong công tác giảm nghèo, huyện đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo thuộc đối tượng đồng bào DTTS. Năm 2022, toàn huyện có 2.671 hộ nghèo là đồng bào DTTS thì đến cuối năm 2023 dã giảm được 1.602 hộ; giảm được 601 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS trong tổng số 1.074 hộ. Huyện Mù Cang Chải - 1 trong 2 huyện nghèo của tỉnh, 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước; là huyện vùng cao, xa nhất của tỉnh; có trên 95% dân số là đồng bào DTTS; trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 89,4%.
Từ một huyện thiếu đói triền miền những năm trước đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đến nay, huyện hầu như không còn hộ đói; kinh tế có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng
kinh tế bình quân hằng năm tăng cao; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển: 14/14 xã, thị trấn có đường ô tô bê tông đến trung tâm và trụ sở làm việc được xây dựng khang trang; 100% xã có trạm y tế và điểm bưu chính viễn thông, internet; 100% bản có đường xe máy phục vụ nhân dân đi lại…
Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
Mù Cang Chải cho biết: "Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và Giảm nghèo bền vững, huyện đã xác định trọng tâm vào thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác giảm nghèo; đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 38,45%”.
Đồng bào dân tộc Thái xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu để phát triển kinh tế.
Phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi là CTMTQG thể hiện rất rõ sự quan tâm, chăm lo phát triển cho vùng đồng bào DTTS hiện nay của Đảng, Nhà nước. Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình này của tỉnh đã và đang khẳng định sự thật không thể phủ nhận về sự chăm lo phát triển vùng đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước ta. Thực hiện Chương trình, riêng năm 2023, Yên Bái có tổng kinh phí trung ương giao là 1.195,503 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư 603,057 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 592,446 tỷ đồng; đã thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xây dựng 152 công trình về cấp nước tập trung, giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa; vốn sự nghiệp thực hiện được 125,467 tỷ đồng để hỗ trợ bà con mua sắm nông cụ máy móc, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững, duy tu, bảo dưỡng các công trình…
Ông Đỗ Quang Vịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: "CTMT Phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang làm cho diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh có những chuyển biến rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; kết cấu hạ tầng KTXH được quan tâm đầu tư; giáo dục, y tế tại vùng khó khăn được quan tâm; bản sắc văn hóa được giữ gìn bảo tồn, phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định… tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng”.
Đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,1% - cao hơn so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (Thủ tướng Chính phủ giao là 5%); số thôn có nhà văn hóa đạt 96,8%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được được cứng hóa đạt 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6%; số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn 13/59 xã.
Rõ ràng, đó là những thành quả không thể phủ nhận cho thấy sự quan tâm chăm lo phát triển vùng đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước ta; là sự khẳng định việc hiện thực hóa quyền bình đẳng về kinh tế của đồng bào DTTS mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang nỗ lực thực hiện. Cùng với bình đẳng về kinh tế, đồng bào DTTS cũng đã và đang được thụ hưởng sự bình đẳng về văn hóa.
Đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,1% - cao hơn so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (Thủ tướng Chính phủ giao là 5%); số thôn có nhà văn hóa đạt 96,8%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được được cứng hóa đạt 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6%; số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn 13/59 xã. |
Thu Hạnh
Bài 2: Giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là sự thật không thể phủ nhận