Yên Bái "mảnh đất vàng" thu hút đầu tư

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/12/2014 | 9:08:39 AM

YBĐT - Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã hoàn thành kết nối Yên Bái với thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn. Có người ví Yên Bái là "mảnh đất vàng" cần được đánh thức khi những tiềm năng đầu tư còn để ngỏ...

Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải - điểm đến đặc biệt hấp dẫn du khách mỗi mùa lúa chín hàng năm. (Ảnh: Thanh Miền)
Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải - điểm đến đặc biệt hấp dẫn du khách mỗi mùa lúa chín hàng năm. (Ảnh: Thanh Miền)

Ông Đoàn Hữu Phung - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái: Với lợi thế của một tỉnh miền núi có điều kiện đất đai cho sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch, Yên Bái đang là "mảnh đất vàng" cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Yên Bái cam kết nhất quán và đồng bộ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho nhà đầu tư, giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận tiện với quy định từ 3-5 ngày không để bất cứ nhà đầu tư nào phàn nàn về môi trường đầu tư của Yên Bái, nhằm đánh thức "mảnh đất vàng" mà không tỉnh miền núi nào có được...  

Mảnh đất "giấu vàng"

Tỉnh Yên Bái nằm ở trung tâm khu vực miền núi phía Bắc và cũng là cửa ngõ của vùng Tây Bắc rộng lớn. Với diện tích 6.882,98km2, Yên Bái có vị trí đắc địa, hội tụ rất nhiều yếu tố cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch. Với lợi thế của một tỉnh miền núi có tiềm năng đất đai rất lớn, trong đó đất nông, lâm nghiệp là 549.104ha, nằm trên nhiều nền tiểu vùng khí hậu khác nhau đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đa dạng và phong phú.

Cánh đồng Mường Lò có diện tích gần 3.000ha lớn thứ hai khu vực Tây Bắc, nức tiếng là vùng gạo trắng nước trong, có nhiều giống lúa nổi tiếng: Chiêm hương, Séng cù, ĐS1, JO1, JO2... hàng năm cung cấp hàng ngàn tấn gạo ngon cho các thành phố lớn. Ngoài ra, Yên Bái còn có nếp thơm Tú Lệ, nếp cẩm vùng cao... đều là những loại lúa đặc sản truyền thống mà không nơi nào có được. 

Nói tới Yên Bái không thể không nhắc đến vùng chè cổ thụ Suối Giàng từ lâu đã nổi tiếng thế giới, nay người ta lại biết thêm vùng chè Sùng Đô, Suối Bu, Phình Hồ... với nhiều cây chè 200-300 năm tuổi, xứng danh "đại lão" chè thế giới. Viện sĩ thông tấn K.M Djenmukhatze người Nga, năm 1976 đã tới Suối Giàng nghiên cứu cây chè, ông kinh ngạc thốt lên: "Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng chưa ở đâu có cây chè cổ thụ như cây chè Suối Giàng. Bát nước chè xanh ở đây có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới...".

Hồ Thác Bà - tiềm năng du lịch cần được đánh thức.

Với những chứng cứ khoa học, ông kết luận "Việt Nam là cái nôi đầu tiên của cây trà thế giới". Đặc biệt, vùng Suối Giàng được mệnh danh là "Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam". Đến nay, Yên Bái đã có hơn 12.000ha chè, là tỉnh có diện tích chè lớn thứ hai cả nước. Có hai vùng chè đặc trưng của Yên Bái là chè vùng cao và chè vùng thấp. Mỗi năm Yên Bái sản xuất từ 85.000 - 90.000 tấn chè búp tươi, chế biến được 20.000 tấn chè thành phẩm, trong đó có khoảng 17.000 tấn chè đen, nhiều nước trên thế giới đã nhập khẩu chè đen của Yên Bái: Trung Quốc, Nga, Pakistan... Ngoài ra, với 180.000ha rừng nguyên liệu giấy, mỗi năm rừng Yên Bái cung cấp cho các nhà máy chế biến lâm sản, nhà máy giấy gần 1 triệu tấn gỗ, tre, nứa các loại.

Dưới lòng đất, Yên Bái giàu khoáng sản, thực sự là mảnh đất "giấu vàng" với những mỏ: sắt, thạch anh, fenspats, chì, kẽm, đá vôi trắng... Yên Bái còn là vùng đất của đá quý được phân bố ở hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Viên đá quý lớn nhất Việt Nam nặng hơn 5kg được tìm thấy ở Yên Bình, trở thành bảo vật quốc gia. Yên Bái không chỉ giàu có về tài nguyên thiên nhiên, đất đai rộng lớn mà còn là một vùng đất tươi đẹp với nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng, như: hồ Thác Bà, ruộng bậc thang - danh thắng di sản thiên nhiên cấp quốc gia, động Thủy Tiên, hang Thẩm Lé - nơi còn lưu dấu chân người Việt cổ. Hai dòng sông chảy qua Yên Bái là sông Hồng và sông Chảy đã hội tụ trên mảnh đất này những sắc màu văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc sống dọc hai bên bờ sông. Tất cả những điều đó khiến Yên Bái trở thành mảnh đất đầy sức quyến rũ không chỉ cho những nhà đầu tư mà còn là vùng đất hấp dẫn cho những du khách muốn khám phá cuộc sống đa sắc màu dân tộc của Yên Bái.

Đánh thức "mảnh đất vàng"

Công nhân Công ty May mặc xuất khẩu Deasung Global thuộc Cụm công nghiệp Thịnh Hưng (Yên Bình) trong giờ làm việc.

Có thể nói, Yên Bái đang là "mảnh đất vàng" cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện, Yên Bái đã có 5 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp thuộc hệ thống các khu công nghiệp quốc gia với tổng diện tích 794ha. Khu công nghiệp phía Nam là khu công nghiệp đa ngành, sản xuất các lĩnh vực: vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, chế biến lâm nông sản... đã có 21 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký 4.002 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án đã xây dựng xong và đi vào hoạt động, 7 dự án đang xây dựng.

Khu công nghiệp Minh Quân có diện tích 112ha, đầu tư sản xuất: ván ép nhân tạo, gỗ cao cấp, vật liệu xây dựng, đá xây dựng, bột CaCO3, Kaolin, Feldspar, chế biến thức ăn gia súc, bột giấy, sơn dẻo nhiệt, may mặc, giầy, lắp ráp đồ điện tử, ô tô, xe máy... Hiện đã có 2 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 2.526 tỷ đồng.

Khu, cụm công nghiệp Âu Lâu, diện tích 120ha, lĩnh vực đầu tư: may mặc, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp lắp ráp điện tử, công nghiệp cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông lâm sản... đã có 2 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.295 tỷ đồng.

Ngoài ra, Yên Bái còn có 13 cụm công nghiệp nằm ở các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái... có tổng diện tích 425ha, sản xuất may mặc, chế biến tinh bột sắn, chưng cất tinh dầu quế, sản xuất đá mỹ nghệ, đá ốp lát... Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, thu hút hàng ngàn công nhân và người lao động, các sản phẩm: tinh bột sắn, tinh dầu quế, đá ốp lát... đã được xuất khẩu sang các nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan... Đến cuối tháng 10/2014 đã có  352 dự án trong nước chấp thuận đầu đầu tư, số vốn đăng ký 31.696, tỷ đồng và 120,86 triệu USD.

Về đầu tư nước ngoài, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dẫn đoàn tham tán của 13 quốc gia tới Yên Bái: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Pháp... tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các vị tham tán khá hài lòng với chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng và khuyến cáo các doanh nghiệp tới Yên Bái đầu tư. Đã có 22 dự án nước ngoài đăng ký đầu tư với số vốn 133,48 triệu USD, số vốn đã thực hiện là 33,6 triệu USD, tổng doanh thu của các dự án nước ngoài tới cuối tháng 5/2014 ước đạt 144,2 triệu USD, thuộc các lĩnh vực: chế biến công nghiệp, gia công lắp ráp máy móc, may mặc, thương mại - du lịch. Tỉnh Yên Bái đang tiến hành làm các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng sân golf 27 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế tại hồ Đầm Hậu, tổng diện tích 198ha; một nhà máy may xuất khẩu công suất 3,7 triệu sản phẩm/năm.

 Thái Sinh

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục