Ngày 3/2/2018, khởi công Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Yên Bái: Thành quả lớn của nỗ lực thu hút đầu tư

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/1/2018 | 8:07:30 AM

YênBái - YBĐT - Sau một thời gian ngắn đến tìm hiểu và làm các thủ tục đầu tư, ngày 3/2/2018 - đúng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2018), UBND tỉnh Yên Bái cùng Công ty cổ phần EDGE GLASS Hàn Quốc sẽ tiến hành khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhà đầu tư kiểm tra mặt bằng chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhà đầu tư kiểm tra mặt bằng chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.


Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn và cũng sẽ thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước lớn nhất được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái tính đến thời điểm hiện nay...

Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử nằm ở phía Đông Nam của huyện Trấn Yên, cách trung tâm thành phố Yên Bái 8 km, nằm trong quần thể quy hoạch Khu liên hiệp phát triển khu dân cư khu vực nút giao IC12 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
 
Phía Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nam giáp đất quy hoạch cụm công nghiệp, phía Đông giáp đường Âu Cơ. Đầu tư Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất sản phẩm Cover Glass bằng máy móc, thiết bị tiên tiến nhất với sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của SamSung Electronics, thông qua đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.
 
Mục tiêu hoạt động của Nhà máy là sản xuất thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh, sản phẩm mặt kính Cover Glass, sản xuất linh kiện điện tử, các sản phẩm từ Plastic, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, xuất nhập khẩu các sản phẩm về mặt kính...
 
Nhà máy sản xuất mặt kính Cover Glass có công suất thiết kế 54 triệu sản phẩm/năm (sản phẩm sản xuất là mặt kính Cover Glass loại nhỏ 2D, 3D dùng cho điện thoại và mặt kính Cover Glass loại lớn 2D dùng cho máy tính bảng. Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (220 triệu USD), 100% vốn đầu tư nước ngoài. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 6,49 ha.
 
Tiến độ thực hiện Dự án, đến nay đã giải phóng mặt bằng và sẽ khởi công xây dựng vào ngày 3/2/2018, lắp đặt dây chuyền máy móc, đào tạo lao động dự kiến đi vào sản xuất tháng 4/2019. Năm đầu đi vào hoạt động, dự kiến sản xuất trên 18 triệu sản phẩm, năm thứ 2 sẽ là 48 triệu sản phẩm và năm thứ 3 sản xuất 54 triệu sản phẩm, thu hút 1.500 lao động địa phương.
 
Không chỉ tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương mà khi Nhà máy đi vào hoạt động ổn định mỗi năm sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. 

Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng 2030, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của ngành đã được HĐND thông qua tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 10/4/2017 về điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
 

Phối cảnh Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.
 
Nói về Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: "Khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử là thành quả trong nhiều năm Yên Bái nỗ lực thu hút đầu tư. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế thu hút đầu tư, đồng thời có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh CPI". 

"Yên Bái luôn cam kết và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào Yên Bái" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.
 
Với phương châm: "Các nhà đầu tư đến Yên Bái là công dân Yên Bái, sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, bằng những việc làm cụ thể, trong một vài năm trở lại đây Yên Bái đã khá thành công trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2017, Yên Bái đã có 44 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng (tăng 12 dự án, tăng 2.600 tỷ đồng). Các dự án tập trung vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng và chế tạo...
 
Trong đó, một số dự án có quy mô, vốn đầu tư lớn của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp có tiềm năng như: Dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Đô thị IC12 của Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái vốn đầu tư đăng ký trên 2.731 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại xã Tân Thịnh, phường Đồng Tâm và phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái của Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế  Chân - Thiện - Mỹ vốn đăng ký gần 5.000 tỷ đồng...”.
 
Đó là kết quả của tư duy mới, cách làm mới của tỉnh trong xúc tiến đầu tư và đã được các nhà đầu tư đặt trọn niềm tin vào Yên Bái, mảnh đất giầu tiềm năng, thân thương và mến khách.

Yên Bái đã và đang trên đà phát triển, ngay những ngày đầu xuân 2018, việc khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho người dân Trấn Yên nói riêng và người dân Yên Bái nói chung. 

Nhà máy đi vào hoạt động làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Các ngành công nghiệp phụ trợ khác cũng phát triển theo, góp phần quan trọng giải bài toán về an sinh xã hội, lao động việc làm không chỉ cho người dân Yên Bái mà cả các địa phương lân cận.

Thanh Phúc

Các tin khác
Hoạt động xúc tiên thương mại đã giúp nhiều doanh nghiệp của tỉnh Yên Bái mở rộng thị trường, tăng giá trị sản xuất.

Năm 2017, tỉnh Yên Bái đã tư vấn, hỗ trợ trên 400 doanh nghiệp xây dựng hạ tầng thương mại điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động của sàn giao dịch điện tử với 480 lượt doanh nghiệp và 1.500 lượt sản phẩm được chào bán trên sàn.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước.

YBĐT - Giai đoạn 2010 - 2015, Yên Bái đã tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ ADB, WB, JICA, KFW, Chính phủ Hàn Quốc... để thực hiện 41 dự án với tổng mức đầu tư trên 3.302 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA 2.481,8 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 820 tỷ đồng. 

Sản xuất ván bóc tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.

YBĐT - Trong 10 tháng năm 2017, đã có 35 dự án đầu tư được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nâng tổng số dự án đầu tư toàn tỉnh lên 420 dự án. 

Khởi công xây dựng Khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải do Công ty cổ phần Phát triển xanh Thịnh Đạt làm chủ đầu tư.

YBĐT - Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng sẵn có cùng chính sách ưu đãi, mời gọi, Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Bên cạnh các dự án phát triển thủy điện, việc thu hút các đầu tư vào chế biến nông, lâm sản, du lịch, nghỉ dưỡng đang tạo nên khởi sắc cho diện mạo vùng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục