Nghĩa Lộ phát triển nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/4/2019 | 6:19:27 AM

YênBái - Hiện nay, thị xã đã thu hút được gần 50 công ty lữ hành trong nước và quốc tế đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và hỗ trợ địa phương đào tạo kỹ năng làm du lịch cho một số hộ gia đình có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Hội thảo về du lịch cộng đồng do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức tại thị xã.
Hội thảo về du lịch cộng đồng do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức tại thị xã.

Thị xã Nghĩa Lộ hiện có 20 hộ dân làm du lịch cộng đồng homestay tập trung tại bản Đêu, xã Nghĩa An và các bản: Sà Rèn, Chao Hạ, bản Xa, xã Nghĩa Lợi. Đa số những hộ làm du lịch đều gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, không hiểu thói quen sinh hoạt, sở thích của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài… nên việc tổ chức đào tạo kỹ năng về giao tiếp, ngoại ngữ và từng bước hoàn thiện hơn về dịch vụ lưu trú hay chính xác là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch cộng đồng là điều thị xã cần làm ngay lúc này.

Từ làm du lịch theo phong trào ...

Không đầu tư mới khi tham gia mô hình du lịch cộng đồng, cơ sở homestay Luật Phượng ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An bắt đầu làm du lịch từ năm 2008 với cơ sở vật chất nhỏ lẻ, đơn sơ. Theo thời gian, Luật Phượng đã từng bước thích ứng, đổi mới, mở rộng quy mô phát triển dịch vụ chất lượng cao trên cơ sở chủ động phân công công việc phục vụ du khách cho từng thành viên trong gia đình. 

Ông Chu Văn Luật – chủ cơ sở homestay Luật Phượng đã tự học hỏi thêm các tiếng nước ngoài để giao lưu với khách. Ông còn tự kết nối, tìm hiểu các địa điểm đẹp tổ chức các hoạt động tham quan, giới thiệu về vùng đất Mường Lò; giới thiệu những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái đen. 

Còn vợ ông - bà Hoàng Thị Phượng thì sưu tầm các mặt hàng thổ cẩm, các đồ dùng truyền thống của đồng bào dân tộc như: ghế mây, nón lá, mõ trâu... để trưng bày và bán thêm cho khách du lịch. Cô con dâu Lường Thị Minh ngoài việc hỗ trợ bố mẹ làm hướng dẫn viên, nấu ăn cũng đã tham gia đội văn nghệ để giới thiệu những điệu dân ca, dân vũ đến du khách trong nước, quốc tế. 

- Khi tham gia làm du lịch cộng đồng, khó khăn lớn nhất mà gia đình phải đối mặt là gì, thưa ông?

- Cái gì cũng khó! Ngay như hiện tại, vợ tôi chưa giao tiếp được tiếng Anh, tiếng Pháp… trong khi đó, khách đến nghỉ đa số là du khách nước ngoài. Nhân viên phục vụ chủ yếu là anh em họ hàng làm nông nên rảnh khi nào, sang giúp khi ấy. Gặp khách nước ngoài chỉ biết cười rồi rót nước mời khách thôi – ông Luật chia sẻ.

- Vậy, ông đã có cách gì để tháo gỡ khó khăn?

- "Liệu cơm gắp mắm”, tôi cũng phải thường xuyên túc trực ở nhà, phòng trường hợp khách đến còn có người giao tiếp.

- Theo ông, điều gì cơ bản nhất giúp du lịch cộng đồng phát triển.

- Đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng giúp nâng cao kỹ năng, kiến thức, trang bị cả sự tự tin, động lực, đam mê cho mỗi người dân là quan trọng nhất.

Gia đình chị Lường Thị Yến ở thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi bắt đầu tham gia làm du lịch cộng đồng từ năm 2013. Nghĩ lại, chị Yến thấy mình quá "liều” khi chưa thực sự hiểu về loại hình du lịch này mà đã "mạnh tay” đầu tư gần 200 triệu đồng tu sửa lại nhà ở theo đúng kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái; xây dựng công trình vệ sinh tự hoại, nhà tắm; mua sắm các vật dụng chăn, ga, gối đệm, bàn ghế; trồng hoa xung quanh nhà; chú trọng vệ sinh môi trường cảnh quan, xây dựng vườn rau... để làm du lịch cộng đồng. Do mới làm, lại chưa có kiến thức, bất đồng về ngôn ngữ nên việc phát triển du lịch cộng đồng của gia đình chị Yến gặp không ít khó khăn. 

"Bản thân tôi không có kinh nghiệm hay kỹ năng làm du lịch nào. Đặc biệt, khâu tuyên truyền, quảng bá gần như không có gì. Nhiều lúc khó khăn quá định buông xuôi!” – chị Yến chia sẻ. 

Song, "cái khó ló cái khôn”, được sự giúp đỡ của thị xã, chị Yến đã tham gia lớp nấu ăn để phát triển du lịch do Hội Phụ nữ thị xã tổ chức; lớp học người Pháp làm du lịch do tình nguyện viên người Pháp hướng dẫn và lớp tiếng Anh du lịch… 

Nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch đến với Nghĩa Lộ là khám phá bản sắc văn hóa dân tộc người Thái Mường Lò, chị Yến đã chú trọng việc giữ gìn và bảo tồn, bài trí không gian gia đình mang đậm bản sắc văn hóa; lên "thực đơn” chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc Thái Mường Lò, chủ động giới thiệu cho khách du lịch về từng món ăn và cùng khách tham gia trải nghiệm chế biến… 

Để thu hút và duy trì số lượng khách du lịch đến với gia đình, chị Yến đã liên kết với các công ty lữ hành trong nước để có sự kết nối thường xuyên. Trung bình mỗi tuần, gia đình chị đón từ 3 - 5 đoàn khách đến ăn nghỉ. 10 tháng của năm 2018, gia đình chị đã đón và phục vụ gần 160 đoàn khách, chủ yếu đến từ các nước Anh, Pháp, Đức, Áo, Hà Lan... 

Được biết, chị Yến đang có ý định mở rộng thêm quy mô hoạt động nên sẽ phải tuyển thêm những nhân viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và nhất là biết sử dụng thành thạo tiếng Anh. Chị bày tỏ mong muốn có cơ hội được học hỏi, trau dồi thêm nghiệp vụ du lịch để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ homestay cũng như có điều kiện thu hút nhiều lao động địa phương cùng tham gia làm.

.... Đến một chiến lược phát triển du lịch 

Từ thấu hiểu "khó khăn” của các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, mấy năm trước, thị xã Nghĩa Lộ đã đăng cai tổ chức chương trình "Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội”. 

Học viên là cán bộ quản lý văn hóa du lịch, các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng và những hộ đang có kế hoạch đầu tư làm du lịch cộng đồng đến từ 8 tỉnh Tây Bắc. Chương trình tập trung nâng cao kỹ năng làm du lịch, học hỏi thêm kỹ năng giao tiếp, vệ sinh môi trường và giúp các học viên tìm hiểu thêm tiềm năng thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho Tây Bắc. 

Thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức thành công Cuộc thi "Duyên dáng thuyết minh viên du lịch Mường Lò” và các hoạt động đạp xe hưởng ứng môi trường, an toàn giao thông; từ thiện, quảng bá hình ảnh người thiếu nữ và nét đẹp văn hóa vùng Mường Lò…  

Bà Quách Thị Nga - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã cho biết: "Thị xã đã tổ chức lớp tiếng Anh phát triển du lịch cho 30 học viên là chủ các hộ làm du lịch cộng đồng và cán bộ, công chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Tham gia lớp học, các học viên được hướng dẫn kỹ năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh như: giới thiệu tên, tuổi, nghề nghiệp của mình; giới thiệu, quảng bá ẩm thực, du lịch, tiềm năng, thế mạnh của địa phương; kỹ năng giao tiếp với khách du lịch nước ngoài”. 

Được biết, trong tháng 4/2019, thị xã đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội thảo thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại thị xã. Đối tượng tham gia, ngoài thủ trưởng một số cơ quan đơn vị, Chủ tịch UBND thị xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ còn có các hộ đang kinh doanh, người có ý tưởng kinh doanh Homstay tại các xã: Nghĩa Lợi, Nghĩa An, Nghĩa Phúc và phường Tân An. 

Hội thảo nằm trong kế hoạch hoạt động của Ban Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh năm 2019 và chương trình hoạt động của tình nguyện viên Ayaka Omiya thuộc tổ chức JICA Nhật Bản công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. 

Tại Hội thảo, tình nguyện viên Nhật Bản Ayaka đã chia sẻ cảm nhận về du lịch cộng đồng, vệ sinh môi trường, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng của thị xã sau hơn một năm trực tiếp nghiên cứu và tìm hiểu. Trên cơ sở đó, hội thảo chia nhóm phân tích đánh giá du lịch cộng đồng của thị xã hiện tại; công tác quảng bá, xúc tiến và thành lập mạng lưới du lịch cộng đồng trong thời gian tới. 

Hiện nay, thị xã đã thu hút được gần 50 công ty lữ hành trong nước và quốc tế đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và hỗ trợ địa phương đào tạo kỹ năng làm du lịch cho một số hộ gia đình có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, thị xã đã triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ du lịch, trong đó tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế nhiều mặt này thay vì chú trọng vào xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng như hiện nay.

Từ thực tế hoạt động du lịch cộng đồng ở thị xã Nghĩa Lộ cho thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ nâng cao kỹ năng, kiến thức mà còn trang bị cả sự tự tin, động lực, đam mê cho mỗi người dân khi tham gia thực hiện. Quá trình đào tạo cần liên tục, theo đúng quy trình, gắn với tình hình thực tiễn của chính địa phương từ phương pháp học trực quan, sinh động, gắn kết với bài tập tình huống, thảo luận chuyên sâu cho đến học ngoại ngữ "thực hành tại chỗ”…

Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng được đánh giá bằng sự tham gia và ý thức của những người dân làm du lịch. Tất cả là để thị xã Nghĩa Lộ thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Ngọc Sơn

Tags Nghĩa Lộ du lịch hội thảo cộng đồng du khách

Các tin khác
Du khách nước ngoài trải nghiệm hoạt động dù lượn tại huyện Mù Cang Chải.

Du lịch cộng đồng (homestay) ở Mù Cang Chải phát triển đa dạng với các hình thức: du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng...

Du khách quốc tế thích thú được trải nghiệm tại các cơ sở lưu trú ở thị xã Nghĩa Lộ.

Thị xã Nghĩa Lộ đã xác định xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương như: du lịch tâm linh, du lịch bản sắc văn hóa và du lịch kết nối tour tuyến nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan trải nghiệm và khám phá của khách du lịch.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

YBĐT - Xác định rõ lợi thế, tiềm năng, đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là tinh thần cầu thị, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Yên Bái đã thu được những kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Hoa Sen cắt băng khánh thành Nhà máy Vật liệu xây dựng Hoa Sen Yên Bái.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm, thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng và giải quyết hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục