Thực hiện phương châm "Doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là nội lực để tỉnh phát triển”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tỉnh chỉ đạo không ngừng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; các sở, ngành, đơn vị, địa phương rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Cùng đó, đẩy mạnh truyền thông về cải cách hành chính, biểu dương những mô hình mới, cách làm hay trong tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cũng như phản ánh tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; quan tâm giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách và công khai kết quả xử lý trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; có cơ chế phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt giữa cơ quan cấp tỉnh, nhà đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư khi đi vào hoạt động.
Tỉnh cũng ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong đó có hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025; thành lập tổ công tác và bộ phận giúp việc Tổ công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; triển khai hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh, kết nối cung cầu, tiếp cận thị trường thế giới...
Đồng thời, tổ chức các chương trình tập huấn nhằm trang bị cho doanh nghiệp, doanh nhân các kiến thức về khởi nghiệp, thuế, kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao tiếp trong kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Năm 2019, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tiếp nhận kiến nghị của các doanh nghiệp thông qua chương trình Cà phê doanh nhân và gặp mặt doanh nghiệp.
"Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân lại dễ dàng đề xuất các ý kiến, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành như vậy. Sau khi doanh nghiệp nêu vướng mắc, lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn tháo gỡ các "nút thắt”. Do đó, từng vấn đề tồn đọng của các doanh nghiệp đã nhanh chóng được giải quyết” - bà Bùi Thị Sửu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh cho biết.
Hiện nay, tỉnh có trên 2.140 doanh nghiệp, trong đó có 251
doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019 và tháng 1/2020, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết
định chủ trương đầu tư cho 61 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 17.311 tỷ
đồng và 2,08 triệu USD. Trong đó, năm 2019 được đánh giá là năm có kết quả cao
nhất trong giai đoạn 2016 - 2019 với 55 dự án, tổng vốn đăng ký trên 17.222 tỷ
đồng. |
Ông Trần Công Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: "Năm 2019, là một năm đầy khó khăn, thử thách với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước gần 1.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động”.
Là doanh nghiệp chế biến gỗ và gỗ lát sàn, Công ty TNHH ngành gỗ Thiên An Việt Nam tại Yên Bái hàng năm xuất khẩu hơn 2 triệu mét vuông gỗ vào thị trường Mỹ.
Chị Trác Thu Hạnh - Trưởng phòng Nhân sự cho hay: "Dự án Nhà máy sản xuất gỗ tấm và gỗ lát sàn của Công ty đầu tư vào Yên Bái với diện tích 6 ha tại khu công nghiệp phía Nam của tỉnh chia làm 2 giai đoạn. Song ở cả 2 giai đoạn chúng tôi đều hoàn thành và đi vào hoạt động trước thời gian dự kiến. Có được kết quả đó là do chúng tôi được sự quan tâm, lắng nghe, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như các đơn vị liên quan. Hiện nay, Công ty đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hơn 400 lao động với mức lương trung bình 7,5 triệu đồng/người/tháng”.
Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Nhất Nam Yên Bái được UBND tỉnh giao nghiên cứu lập quy hoạch, lập dự án khu đô thị tại thành phố Yên Bái với quy mô gần 15,5 ha. Đại diện Công ty cho biết: "Được sự quan tâm của tỉnh, chúng tôi đang phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh để thực hiện bước lập quy hoạch, trong đó đang triển khai bước điều chỉnh quy hoạch cục bộ”.
Đặc biệt, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020, tỉnh đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu; xem xét áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế, chậm nộp thuế, hoàn thuế sớm và triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay, khoanh, giãn nợ, lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Bước vào năm 2020, áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân phải nỗ lực, chủ động điều chỉnh và phát triển sản xuất kinh doanh.
Động viên, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt là trước ảnh hưởng của covid-19, trong buổi gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tháng 3/2020, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng: "Các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ coi khó khăn, thách thức là cơ hội để có ứng phó linh hoạt vượt qua trở ngại, vươn tới thành công. Tỉnh sẽ thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, chỉ đạo, tính toán các phương án, kịch bản cơ cấu lại nền kinh tế, điều hành kiên quyết, cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Với việc mời gọi, đón tiếp các nhà đầu tư bằng cả tấm lòng, xem hiệu quả, thành công của nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh, Yên Bái đang hướng tới những mục tiêu, hành động cao hơn để tiếp tục tạo ra sự bứt phá trong thu hút đầu tư, để Yên Bái thực sự là "bến đỗ”, là "điểm đến tin cậy, hấp dẫn” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thanh Chi