Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Nông nghiệp tăng trưởng ổn định, đảm bảo nhu cầu lương thực, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 là 319.780 tấn tăng trên 2,3 lần so với năm 1991 (136.000 tấn).
Một số huyện đã hình thành vùng trồng dâu nuôi tằm, mang lại thu cao cho người nông dân.
Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng. Hết năm 2020, tỉnh có 83 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có trên 20 sản phẩm đặc sản, hữu cơ đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tính đến hết tháng 7/2021, toàn tỉnh có 76 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm.
Những năm đầu tái lập, sản phẩm công nghiệp của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm truyền thống, sản lượng nhỏ, giá trị thấp. Đến nay, công nghiệp đã có bước phát triển khá, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế. Đến năm 2020, Yên Bái đã hình thành các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp có công suất lớn, giá trị gia tăng cao, đáp ứng không chỉ nhu cầu trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn trong công đoạn tạo hình sản phẩm.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1991 đạt 16,8 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 11.788 tỷ đồng (tăng 700 lần so với năm 1991; hết tháng 7/2021 ước đạt 10.522 tỷ đồng tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ có nhiều đột phá và phát triển vượt bậc. Hàng hóa cung ứng trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh hệ thống chợ được củng cố, phát triển; hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng phát triển mạnh mẽ, chất lượng hàng hóa ngày càng đảm bảo, giá cả được niêm yết, tạo thuận tiện, sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 18.971 tỷ đồng, tăng 182% so với năm 1991. Tỉnh thực hiện khá hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị năm 2020 đạt 210 triệu USD gấp gần 39 lần so với năm 1992 (đạt 5,4 triệu USD).
Năm 1991, khi mới tái lập tỉnh, du lịch Yên Bái gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, nhân lực hạn chế, xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng, chưa hình thành các tuyến du lịch... Đến nay, dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc, 4 vùng du lịch trọng điểm được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả". Tỉnh đã phê duyệt 2 đề án xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch và xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch vào năm 2025.
Việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, lưu trú có bước phát triển mạnh; tăng cường hỗ trợ tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch, bước đầu có chỗ đứng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.
Lechamp Tú Lệ Resort ở huyện Văn Chấn đang là địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần hấp dẫn được nhiều du khách tìm đến.
Năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 449 cơ sở lưu trú, trong đó có 240 khách sạn, nhà nghỉ, 209 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuế (homestay); tạo việc làm cho 7.500 lao động. Toàn tỉnh đã đón hơn 3 triệu lượt khách, trong đó có 227 nghìn lượt khách quốc tế. Từng bước xây dựng thương hiệu du lịch "Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khả, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các thời kỳ, đạt nhiều kết quả vượt bậc. Năm 1992, thu ngân sách chỉ đạt 38.552 triệu đồng; năm 1998, đạt 100 tỷ đồng; năm 2010 đạt 721,5 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 3.592 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt qua các năm, từ mức 2,631 triệu đồng năm 2001 lên 40 triệu đồng năm 2020.
Hoạt động của hệ thống ngân hàng đa dạng các loại hình dịch vụ, ổn định, đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, dân cư để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn huy động năm 2020 đạt 30.000 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 26.100 tỷ đồng.
Lãnh đạo thành phố Yên Bái tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư tham gia đăng ký đầu tư vào địa bàn.
Nhận thức được vai trò quan trọng của đầu tư phát triển, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khơi dậy, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước đã lựa chọn Yên Bái là điểm đầu tư quan trọng, như: Vingroup, SunGroup, Hoa Sen, APEC, Bảo Lai...
Trong 30 năm, số cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng lên đáng kể, từ 53 doanh nghiệp với quy mô nhỏ (năm 1992) đến năm 2020 toàn tỉnh có 2.404 doanh nghiệp, 502 hợp tác xã, 4.423 tổ hợp tác và hơn 22.000 hộ kinh doanh; 7 tháng đầu năm 2021 thành lập mới 192 doanh nghiệp, 57 hợp tác xã, 724 tổ hợp tác.
Với xuất phát điểm thấp về kết cấu hạ tầng lúc mới được tái lập, đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển vượt bậc, nâng cao hơn về chất lượng, kết nối tốt hơn với các tuyến quốc lộ, nhất là cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có nhiều dấu ấn nổi bật với hệ thống 7 cây cầu vượt sông Hồng, đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị và kiên cố hóa giao thông nông thôn.
Năm 1999, đã mở mới được 142 km đường liên thôn bản, 50 km đường giao thông nội tỉnh. Năm 2020, toàn tỉnh đã đầu tư kiên cổ hóa được 3.861,17 km/7.602,44 km đường giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ kiên cố hóa 50,8%.
Hệ thống lưới điện được đầu tư mở rộng, đến năm 2019, 100% số xã có điện lưới quốc gia, tổng số hộ dân dùng điện lưới quốc gia đạt trên 95%.
Hoạt động vận tải có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Các doanh nghiệp vận tải không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ để nâng cao chất lượng vận chuyển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, khối lượng luân chuyển hành khách, hàng hóa liên tục tăng lên qua từng năm.
Năm 1999, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường xã hội đạt 515 tỷ đồng, năm 2010, đạt 5.361 tỷ đồng, năm 2020 đạt trên 20.500 tỷ đồng, đến hết tháng 7/2021 ước đạt 12.409,8 tỷ đồng tăng 15% (tương đương 1.618,67 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Sản phẩm OCOP của Yên Bái trưng bày tại Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh năm 2020.
Mạng lưới bưu chính- viễn thông được củng cố, đầu tư nâng cao năng lực và dung lượng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đáp ứng nhu cầu thông tin và giao lưu văn hóa của nhân dân giữa các vùng, miền.
Năm 2000, truyền hình phủ sóng 80%, phát thanh phủ sóng 90% địa bàn dân cư, đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân được nghe, xem phát thanh truyền hình toàn tỉnh đạt 99%; có 92 thuê bao điện thoại/100 dân; 33 thuê bao internet/100 dân.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ công có bước phát triển đột phá mới từng bước hoàn thiện, hướng tới Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, đáp ứng công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và yêu cầu phục vụ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
YBĐT