30 năm tái lập tỉnh Yên Bái: Nhân lên niềm tin, sức mạnh mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/10/2021 | 7:35:41 AM

YênBái - Ngày này 30 năm về trước, những chuyến xe lưu luyến hướng về tỉnh mới Lào Cai cũng là lúc tỉnh Yên Bái được tái lập sau 15 năm chung một mái nhà Hoàng Liên Sơn. Với tình cảm mến thương, người ở lại đã dành tất cả những gì tốt nhất cho người anh em đi mở đất trên ngổn ngang tro tàn hậu chiến tranh.

Một góc thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh: Tuấn Vũ - Hội VHNT tỉnh Yên Bái)
Một góc thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh: Tuấn Vũ - Hội VHNT tỉnh Yên Bái)

Yên Bái bắt tay vào xây dựng quê hương với một địa giới hành chính mới, khó khăn chồng chất hội tụ đủ sắc màu của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. Ruộng nương bạc màu, cơ sở hạ tầng yếu kém, đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật thiếu hụt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thiếu thốn, đan xen nhiều hủ tục, lề lối làm ăn lạc hậu. 

Thực tiễn cho thấy, tái lập tỉnh là một quyết định đúng đắn để truyền thống đoàn kết nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được nâng cao, tạo điều kiện để cấp ủy, chính quyền, quân và dân tập trung xác định được những tiềm năng thế mạnh cũng như những yếu kém để đưa ra những quyết sách và bước đi phù hợp trong chiến lược phát triển. 

30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, kiên trì với mục tiêu vì hạnh phúc nhân dân, vì một Yên Bái phát triển giàu đẹp, bền vững, Đảng bộ, chính quyền, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của đồng bào các dân tộc anh em đã lập nên những kỳ tích, để rồi được tự hào và hãnh diện như ghi nhận "Yên Bái chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay!” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào một ngày đầu xuân 2019. 

30 năm tái lập tỉnh cũng là 30 năm trong chặng đường đổi mới, Yên Bái trở thành điểm sáng của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 5,41% xếp thứ tư so với 14 tỉnh; thu ngân sách năm đầu tách tỉnh mới chỉ có trên 38 tỷ đồng, thì đến năm 2020 đã đạt gần 3.600 tỷ, đứng thứ 7 trong 14 tỉnh. 

Từ một tỉnh thường xuyên phải xin Trung ương hỗ trợ lương thực cứu đói, đến nay, sản lượng lương thực có hạt đạt 319.000 tấn, tăng gấp 2,4 lần so với năm 1992. Đồng bào Yên Bái từ cuộc vận động ba bỏ "bỏ trồng, bỏ hút, bỏ tàng trữ mua bán thuốc phiện”, đến nay, không những chỉ đủ ăn mà còn có gần trăm mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP có mặt trong hệ thống siêu thị và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Danh sách hộ nghèo được rút ngắn từng năm bởi quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bởi sự khát khao nỗ lực vươn lên trong mỗi gia đình, đến nay chỉ còn 7,04% hộ nghèo, thấp nhất vùng Tây Bắc và thứ tư so với 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. 

Bắt tay thực hiện công cuộc đổi mới từ một nền kinh tế manh mún, tự túc tự cấp, bằng sự năng động, sáng tạo và cởi mở, Yên Bái là điểm đến thân thiện hấp dẫn của các nhà đầu tư, để từ đó thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp từ 16 tỷ đồng năm 1991 lên tới gần 12.000 tỷ vào năm 2020.

Bằng ý chí quyết tâm sắt đá và với tinh thần nhân văn đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, đường ô tô, đường điện lưới quốc gia, đường cáp quang truyền Internet đã bám núi vươn dần, phủ khắp các thôn bản cuối cùng, hiện thực ước mơ cơ giới, cơ khí hóa thay cho lam lũ sức người. Mạng lưới trường lớp học được sắp xếp, củng cố lại, chắp cánh cho ước mơ dưới mỗi mái nhà, trong mỗi bản làng xa xôi nhất cũng được hòa mình hội nhập với Tổ quốc, với thế giới. 

Từ một miền sơn cước đìu hiu hút gió, đường sá xa xôi bụi bặm, nay hơn 3 triệu khách du lịch đã có mặt ở Yên Bái, được tắm mình trên những cung đường, đỉnh núi, sống trong các sắc màu không gian văn hóa và các cung bậc cảm xúc để rồi mê đắm: "Quê hương, con người Yên Bái thật đẹp và hạnh phúc!”

Lúa chín tháng 10 gợi nhớ năm xưa! Bay trên mùa vàng trải rộng ấm no, qua vùng ngọt ngào hương cốm Tú Lệ, hương quế Văn Yên, vòng xòe Nghĩa Lộ, thấy màu xanh trù phú, thanh bình của những làng quê nông thôn mới. Thác Bà, Chợ Ngọc rũ nét trầm của miền đất xưa châu Thu Vật, chuyển mình bước công nghiệp hóa. Thoảng nhớ những chuyến xe nhọc nhằn năm xưa, đường cao tốc Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai, quốc lộ 32, 37 nối rộng vòng tay vùng miền để vươn tới tầm quốc tế.

Sông Hồng vẫn nặng phù sa như nghĩa tình Yên Bái - Lào Cai. Thấp thoáng trong ký ức những chuyến phà nặng khách bến Âu Lâu lịch sử là hiển hiện của bảy nhịp cầu vĩnh cửu, như bảy sắc cầu vồng nối đôi miền Đông - Tây. Bên dòng sông ngàn năm ấy, thành phố Yên Bái đang vươn dậy trong dáng vóc của một đô thị thông minh, hiện đại. Yên Bái anh hùng với những con người "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” đang hăng say lao động, cống hiến để có một quê hương Yên Bái "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” như khát khao của bao người về một miền quê đáng sống!

BÁO YÊN BÁI

Tags chiến lược phát triển Lào Cai Yên Bái Hoàng Liên Sơn tái lập tỉnh

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục