Ông Bùi Ngọc Hùng - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung báo cáo và phương hướng, nhiệm vụ đề ra. Tôi xin có một số ý kiến về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, các hoạt động ngoại giao văn hóa, góp phần thiết thực vào việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đến bạn bè quốc tế.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, tỉnh Yên Bái đã quan tâm đến việc mở rộng quan hệ đối ngoại, thực hiện các hoạt động ngoại giao kinh tế, văn hóa nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến đông đảo bạn bè thế giới.
Qua đó, đã mời gọi được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và thu hút khách du lịch. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện 78 dự án ODA và NGO với tổng mức đầu tư gần 2.100 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, nông nghiệp; thu hút được 11 dự án FDI, nâng số dự án FDI của toàn tỉnh lên 27 dự án với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với các đối tác truyền thống như: tỉnh Val-de-Marne (Cộng hòa Pháp), tỉnh Viêng - chăn, Xay-nha-bu-ly (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào); thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thành phố Mimasaka (Nhật Bản)…
Đã ký kết 60 thỏa thuận quốc tế với các đối tác trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, thương mại, y tế, nông nghiệp, văn hoá, giáo dục… Bên cạnh đó, tỉnh đã được Chính phủ chấp thuận là đối tác tham gia tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, cần thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất, tiếp tục duy trì và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống; xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia...
Thứ hai, phát huy và khai thác lợi thế trong mối liên kết vùng và đối tác hợp tác trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để thu hút các ngành dịch vụ giá trị gia tăng như vận tải, logistics...; thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương.
Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; rà soát, bãi bỏ, sửa đổi các chính sách không còn phù hợp, kém sức thu hút, áp dụng các chính sách thông thoáng, phù hợp với các cam kết và nguyên tắc hội nhập quốc tế. Chuẩn bị quỹ đất sạch, đã hoàn thiện về hạ tầng, khuyến khích các đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để chuẩn bị mời gọi và đón các doanh nghiệp đến đầu tư.
Thứ tư, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, tham gia và tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh, tại các địa bàn tập trung nhiều công ty như: Hà Hội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; tại các khu vực có nhu cầu đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu…; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại theo lĩnh vực như: nông nghiệp, du lịch, chế biến chế tạo và theo sản phẩm thế mạnh của tỉnh; tổ chức xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia có sức lan tỏa rộng. Làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại, các chuỗi siêu thị như AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C (Thái Lan)…
Thứ năm, phối hợp với bộ, ban, ngành trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để cung cấp thông tin tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến bạn bè, đối tác quốc tế để thu hút đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, quảng bá du lịch. Lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch… vào các sự kiện giao lưu văn hóa, kinh tế, chính trị giữa Việt Nam và các nước; tham gia các đoàn công tác Trung ương và địa phương đi làm việc tại nước ngoài một cách hiệu quả.
Thứ sáu, tăng cường quảng bá văn hóa và du lịch, thông qua hội chợ, triển lãm du lịch, mời các đoàn làm phim, các chương trình truyền hình thực tế, các nhân vật nổi tiếng đến trải nghiệm tại Yên Bái; duy trì tổ chức các lễ hội hàng năm, vận động UNESCO công nhận Xòe Thái là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) và xã Nà Hẩu (Văn Yên) làm điểm nhấn để thu hút du lịch.
Thứ bảy, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, ngoại giao văn hóa.
Trần Minh (thực hiện)