Xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hạn chế tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về những kết quả triển khai công tác XĐGN trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
P.V: Thưa ông, rất phấn khởi là tỷ lệ hộ nghèo từ 32,21% năm 2016 đã giảm còn 7,56% vào năm 2020, chúng ta đã hoàn thành trước 1 năm chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Trước hết, về tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, theo ông trong nhiệm kỳ qua chúng ta đã có những đổi mới như thế nào?
Ông Ngô Thanh Giang: Trước hết về công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo đã được Tỉnh uỷ, UBND chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ và bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch giảm nghèo hàng năm và phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực tiếp giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và giúp các hộ nghèo thoát nghèo.
Trong 5 năm qua, ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo các cấp đã tích cực tham mưu giúp tỉnh trong xây dựng và triển khai các chính sách, chế độ liên quan đến công tác giảm nghèo; huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đồng thời tạo được sự phối hợp khá tốt từ phía các ngành thành viên; xây dựng cơ chế phân cấp quản lý, quy trình lập kế hoạch, phân bổ và giao kế hoạch kịp thời, hợp lý. Việc chỉ đạo, điều hành của BCĐ các cấp trong công tác giảm nghèo thường xuyên được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và hệ thống. Do đó, chỉ tiêu về giảm nghèo của tỉnh đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra; các dự án giảm nghèo đảm bảo tiến độ.
Công tác thông tin, tuyên truyền về GNBV được quan tâm và đẩy mạnh, trong đó, tập trung vào tuyên truyền, giáo dục về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo; các chủ trương, chính sách giảm nghèo, tổ chức đối thoại chính sách với chính quyền xã và người dân; thường xuyên nắm chắc thực trạng nghèo, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến nghèo và đặc điểm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ thích hợp.
Hoạt động giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các ban ngành trong quá trình thực hiện. Các chính sách giảm nghèo tích cực được triển khai thực hiện với phương châm: hộ nghèo, người nghèo được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách và chế độ của Đảng và Nhà nước và của tỉnh.
P.V: Về chính sách, ông đánh giá thế nào về sự sáng tạo, tính kịp thời, bền vững của các chính sách giảm nghèo mà tỉnh đã ban hành, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ qua?
Ông Ngô Thanh Giang: Có thể nói, trong giai đoạn 2016-2020 có nhiều chính sách giảm nghèo của Trung ương đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Chương trình 30a; Chương trình 135; Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Chương trình nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá và các chính sách y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi... được triển khai thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng tiến độ, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, đối tượng thụ hưởng chính sách tin tưởng, phấn khởi và tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức triển khai ở cơ sở.
Ngoài ra, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn như: chính sách hỗ trợ sản xuất, nhà ở, nước sạch, giáo dục, y tế... Nhờ vậy, đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, chấm dứt được tình trạng đói. Cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội như: trường học, bệnh viện, đường giao thông, thuỷ lợi… được cải thiện tốt, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về đi lại, khám chữa bệnh và học tập của người dân.
Đặc biệt, nhận thức của nhân dân về công tác XĐGN đã có sự chuyển biến và nâng cao rõ rệt, nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và nhóm hộ ở vùng cao đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào GNBV.
P.V: Trong điều kiện của một tỉnh còn nghèo, theo ông Yên Bái đã có những giải pháp quan trọng nào để huy động hiệu quả nguồn lực tại chỗ, các nguồn lực bên ngoài cho công tác giảm nghèo?
Ông Ngô Thanh Giang: Trong giai đoạn 2016 - 2020 tổng các nguồn lực huy động để thực hiện công tác GNBV trên địa bàn tỉnh là 16.894.578 triệu đồng. Trong đó: vốn Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV là 1.261.268 triệu đồng; vốn thực hiện các chính sách giảm nghèo và lồng ghép từ các dự án, đề án, chương trình để thực hiện mục tiêu giảm nghèo là 15.633.310 triệu đồng.
Chia theo cơ cấu nguồn vốn: ngân sách Trung ương là 8.926.305 triệu đồng; ngân sách địa phương là 2.759.089 triệu đồng; vốn Ngân hàng Chính sách xã hội là 3.354.000 triệu đồng; vốn ODA, NGO là 1.440.178 triệu đồng; từ các nguồn xã hội hóa là hơn 415 tỷ đồng.
Tỉnh ta còn nhiều khó khăn, hiện có 2 huyện nghèo, 80 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 168 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực II, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao, số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều, vì vậy nhu cầu về nguồn vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo là rất lớn.
Nông dân huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ máy cày phục vụ sản xuất.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tập trung huy động tối đa nguồn vốn của Trung ương để thực hiện Chương trình giảm nghèo. Đồng thời bố trí ngân sách địa phương gần 3.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 3.354 tỷ đồng cho trên 82.989 hộ vay; tăng cường huy động vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, của cộng đồng, cá nhân gần 1.900 tỷ đồng.
Với việc huy động lớn các nguồn lực cho Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn vừa qua đã góp phần quan trọng đạt được kết quả GNBV từ 32,21% năm 2016 giảm còn 7,56% vào năm 2020.
P.V: Một trong những chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025 mà dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh tới đây là tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) giảm bình quân trên 4%/năm. Đặt chỉ tiêu trên vào mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc của nhân dân, theo ông, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?
Ông Ngô Thanh Giang: Để thực hiện tốt công tác GNBV, thời gian tới cần tập trung vào 7 giải pháp cơ bản: trước hết, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh về vấn đề quản lý phát triển xã hội, hài hòa, tiến bộ, công bằng, bền vững; chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu một số vấn đề mới như: "phát triển bao trùm”, "phát triển bền vững” để vận dụng có hiệu quả vào việc hoạch định và tổ chức thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị trung tâm của toàn Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới, mà còn là điều kiện quan trọng để thực hiện xã hội hài hòa, tiến bộ, công bằng, bền vững. Xem xét ban hành và tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ đặc thù đối với những hộ nghèo bất khả kháng, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo cư trú tại vùng ĐBKK để nâng cao tính bền vững trong hoạt động giảm nghèo; nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần, kỷ luật của người lao động; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất, thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội gắn với tăng cường cải cách thủ tục hành chính.
Tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin truyền thông... để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân; thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê hộ nghèo, cận nghèo, xác định rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết, sát thực; thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm sản xuất kinh doanh và các loại hình bảo hiểm khác để nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với các rủi ro; kịp thời phát hiện và có giải pháp hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh ĐBKK; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc động viên, khích lệ, trợ giúp các đối tượng ĐBKK chủ động, mạnh dạn phát triển kinh tế, phấn đấu vươn lên; đồng thời thường xuyên quan tâm, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình đời sống nhân dân, từ đó đề xuất, kiến nghị các chủ trương, giải pháp nhằm đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đảm bảo kịp thời và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thạch Phong (thực hiện)