Đồng chí Chu Đình Ngữ - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn nhận xét: "Trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã có những đổi mới rõ nét phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học. Theo đó công tác lãnh đạo vừa bảo đảm tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thận trọng, chắc chắn trong giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó.
Trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện, đề cao vai trò cá nhân người đứng đầu cấp ủy; thực hiện cơ chế lãnh đạo giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm, cơ bản lượng hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng tổ chức và cá nhân với yêu cầu về tiến độ, thời gian hoàn thành và chất lượng sản phẩm, công việc cần đạt được. Điều này khuyến khích tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ.
Việc phân cấp mạnh gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo và trách nhiệm giải trình, đề cao kỷ luật, kỷ cương trong Đảng đã nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong đó có huyện Văn Chấn”.
Là cơ quan cao nhất giữa hai kỳ đại hội, nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, mà trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành và thực hiện nhiều quy định vừa bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; quy tụ được sức mạnh, sự đoàn kết đồng thuận của xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy Đảng các cấp đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và chương trình công tác; cụ thể hóa phương thức lãnh đạo bằng hệ thống các quy chế, quy định, quy trình, nhất là quy chế làm việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức Đảng.
Cùng sự đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và các cấp được đổi mới theo hướng dân chủ, minh bạch, quyết liệt, kỷ cương, sâu sát, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, chủ trương, định hướng của cấp ủy và nghị quyết của HĐND.
Tư duy đổi mới, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền đổi mới khoa học đem đến những thành công mang tính đột phá của Yên Bái trong 5 năm qua. Có thể nêu ra rất nhiều dẫn chứng sinh động về những thành công của Yên Bái từ việc đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống thiên tai dịch bệnh nhiệm kỳ qua.
Thể hiện rõ nét, sinh động nhất là việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sắp xếp bộ máy luôn là việc khó, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ, với quyết tâm cao nỗ lực lớn, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận cao, quá trình thực hiện sắp xếp được thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch, thận trọng, nhân văn, không cầu toàn, nóng vội; "dễ làm trước, khó làm sau", vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đảm bảo "hợp tình, hợp lý", lấy quyền và lợi ích của cán bộ, đảng viên làm cơ sở...
Từ cách làm bài bản, toàn tỉnh đã giảm được 405 đầu mối cơ quan, đơn vị (giảm 25,4% so với năm 2015); giảm trên 1.200 cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, gần 14.000 cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố; giảm 12% (bằng 820 người) biên chế công chức, 13% (bằng 4.210 người) biên chế viên chức so với năm 2015, vượt xa chỉ tiêu Trung ương giao.
Sau sắp xếp, không chỉ giúp các cơ quan, đơn vị, thôn bản, tổ dân phố hoạt động ổn định, nề nếp, từng bước khắc phục được tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng nhiệm vụ, quyền hạn; phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, đã góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước, cho hoạt động của bộ máy hàng ngàn tỷ đồng để chi cho phát triển. Một thành công trong nhiệm kỳ mang dấu ấn của sự đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo không thể không nhắc đến đó là công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Với quyết tâm chính trị cao, dù tỉnh còn khó khăn nhưng Yên Bái đã đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) qua triển khai Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động từ tháng 6/2018; bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã đi vào hoạt động từ tháng 4/2019 với 100% TTHC được quy trình hóa theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Từ triển khai những giải pháp đồng bộ mà Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh Yên Bái tăng 22 bậc, từ vị trí 48/63 (năm 2015) lên vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố năm 2019; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh (SIPAS) năm 2019 đạt 86,84%; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 19 bậc, từ vị trí 55/63 năm 2015 lên vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành phố năm 2019.
Tỉnh Yên Bái xếp thứ hạng 36/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành khá. Yên Bái là điểm sáng trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng, Chính phủ về sắp xếp bộ máy, cải cách TTHC, được Đảng, Chính phủ khen, được các tỉnh học tập.
Dấu ấn hết sức ấn tượng nhiệm kỳ qua là công tác lãnh đạo giảm nghèo bền vững. Dù luôn được quan tâm lãnh đạo thực hiện nhưng do nhiều nguyên nhân, kết quả giảm nghèo bền vững những nhiệm kỳ trước chưa đạt kết quả cao, tỷ lệ hộ nghèo của Yên Bái còn cao.
Với cách làm mới, ban hành các chương trình hành động (Chương trình 144, 190) và xây dựng các kế hoạch giảm nghèo (Kế hoạch 131, 170) cụ thể, sát thực tế, giao nhiệm vụ cụ thể, khoán công việc cho từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị; gắn giảm nghèo với thi đua khen thưởng mà giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ giảm hộ nghèo của Yên Bái nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt bình quân khoảng 4,93%/năm (cao hơn 0,93% so với giai đoạn trước), giảm từ 32,21% năm 2016, xuống còn 7,56% năm 2020.
Như đồng chí Nông Thụy Sỹ - Tổng biên tập Báo Yên Bái cho biết: "Là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ nhưng được Tỉnh ủy phân công phụ trách giúp đỡ xã An Phú với những nhiệm vụ hết sức rõ ràng, trong đó có giảm nghèo bền vững. Chúng tôi thấy, sự lãnh đạo này rất hiệu quả, gắn trách nhiệm và huy động được cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc để tập trung thực hiện, qua đó hiệu quả rất cao!”.
Bước vào nhiệm kỳ mới, với mục tiêu đưa Yên Bái thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng bằng hệ thống các quy chế, quy định, quy trình, nhất là quy chế làm việc, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, sâu sát, kịp thời, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm, khuyến khích tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải trình của tập thể, cá nhân người đứng đầu cấp ủy; xây dựng phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên khoa học, gần dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm; đẩy mạnh CCHC trong Đảng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức Đảng...
Tư duy mới, phương thức mới này sẽ giải quyết hài hòa, hợp lý các mối quan hệ lớn: giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường… phù hợp với thực tiễn địa phương mà quan điểm xuyên suốt được Đảng bộ tỉnh đã đề ra là phát triển: xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Đình Tứ