Các địa phương điều chỉnh đại hội Đảng cho phù hợp với tình hình dịch bệnh

  • Cập nhật: Chủ nhật, 19/4/2020 | 8:32:15 AM

Việc hoãn đại hội vào thời điểm này là rất cần thiết nhưng các địa phương cũng rất chủ động điều chỉnh thời gian Đại hội cho phù hợp.

Đại hội Đảng bộ Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội Đảng bộ Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thời gian tiến hành đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở sẽ bắt đầu từ tháng 4 và hoàn thành trước ngày 30/6.

Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương đang hoãn tổ chức đại hội Đảng bộ cấp cơ sở để tập trung dồn sức chống dịch Covid-19. Việc hoãn đại hội vào thời điểm này là rất cần thiết nhưng các địa phương cũng rất chủ động điều chỉnh thời gian đại hội cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, đặc biệt là chuẩn bị kỹ về văn kiện và nhân sự để khi hết dịch, có điều kiện là tổ chức đại hội.

Ngay sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã có công văn  khẩn gửi đến các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy... về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên tinh thần chủ động, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Trong đó đặc biệt đề nghị tạm hoãn thực hiện đại hội đảng cấp cơ sở, kể cả đại hội điểm cho đến khi có chỉ đạo mới. Ông Phan Văn Thắng, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: Khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, không có nguy cơ lây nhiễm, tỉnh sẽ tiến hành tổ chức đại hội theo kế hoạch chung.

Ông Thắng cho biết: "Trong khi chờ chỉ đạo mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng thì Đồng Tháp sẽ tiến hành Đại hội theo tiến độ, kế hoạch của Chỉ thị 35. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ nhưng công tác chuẩn bị của tỉnh Đồng Tháp cơ bản là tốt. Mặc dù Đồng Tháp không nằm trong 12 tỉnh, thành phố có "nguy cơ cao’, nhưng ở trong nhóm tỉnh "có nguy cơ” nên hiện Ban thường vụ Tỉnh ủy đang chờ ý kiến của Trung ương”.

Là 1 trong nhóm 12 tỉnh, thành phố có "nguy cơ cao”, Hà Tĩnh đang thực hiện các giải pháp phù hợp ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng: việc tiếp tục giãn cách xã hội ảnh hưởng đến tiến độ Đại hội theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, trong bối cảnh đó, Hà Tĩnh đã hủy 1 số cuộc họp không cần thiết. Để vẫn đảm bảo tiến độ Đại hội Đảng các cấp, Hà Tĩnh tổ chức các cuộc họp trực tuyến, đảm bảo theo quy định 20 người trong 1 phòng và giữ khoảng cách 2m. Nhiều cuộc họp được chia thành các điểm cầu hoặc chia thành nhiều đợt để đảm bảo quy định.

Ông Nguyễn Minh Đức cho biết: "Chương trình kế hoạch sau 1/5 thì chưa có điều chỉnh. Tuy nhiên, trong chương trình từ mùng 1/4 đến 30/4 Hà Tĩnh thực hiện theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng, một số nội dung lùi lại. Ví dụ như chương trình duyệt đại hội của một số điểm, công tác nhân sự cũng lùi lại để đảm bảo tinh thần chống dịch. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban thường vụ thì chắc sẽ hoàn thành được chương trình. Ngoài việc thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng thì Hà Tĩnh có những sáng tạo trong lãnh đạo điều hành đó là tổ chức họp trực tuyến, chia thành các phòng khác nhau để đảm bảo số lượng giãn cách theo quy định”.

Ở một địa phương khác là tỉnh Hải Dương cũng đang tích cực công tác phòng chống dịch, đồng thời rà soát và chỉ đạo về thời gian đại hội, rút ngắn tối đa để các đại biểu tham dự Đại hội dành thời gian thỏa đáng nghe và nghiên cứu tập trung các nội dung theo tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Chương trình Đại hội cũng sẽ cắt bỏ một số nội dung mang tính chất nghi lễ, không phù hợp với tình hình hiện nay.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: "Thông thường các Đại hội trước thì đều có đoàn thiếu nhi hoặc là đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Nội dung này Hải Dương yêu cầu là sẽ không thực hiện. Thứ hai nữa, là theo chương trình thì thông thường trước đại hội các đại biểu đến đặt vòng hoa, viếng đài tưởng niệm đài liệt sĩ, chúng tôi sẽ đến viếng nhưng Đoàn hết sức là gọn. Có thể là các đồng chí trong đoàn chủ tịch, các đồng chí trưởng đoàn với một số lượng vừa phải. Thứ ba là trong chương trình đại hội có nhiệm vụ thảo luận các văn kiện của Trung ương và văn kiện trực tiếp, cấp trên trực tiếp chúng tôi cũng chỉ đạo tổ chức việc tự nghiên cứu thật sâu sắc của mỗi đại biểu dự đại hội”.

Việc điều chỉnh đại hội Đảng cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong lúc hoãn đại hội, những công việc chuẩn bị như: báo cáo chính trị, nhân sự, góp ý văn kiện, bàn kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội…. các địa phương đều phải có sự chuẩn bị kỹ, để khi hết dịch, có điều kiện là tiến hành Đại hội, đảm bảo đúng tiến độ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong tình hình dịch bệnh cũng cần có thời gian thảo luận kỹ về văn kiện và nhân sự. Nếu vận dụng sáng tạo mà rút ngắn 2 nội dung này thì không nên.

Tiến sỹ Phong nhấn mạnh: "Không phải bây giờ, ngay cả khi trước Chỉ thị 16 của Thủ tướng, một số nơi đã có Đại hội điểm cũng có sáng tạo. Tôi nghĩ là vận dụng sáng tạo trong điều kiện cho phép như vậy là cần thiết. Không nhất thiết tổ chức các đoàn thiếu nhi đến tặng hoa chúc mừng. Các đoàn đến viếng nghĩa trang, bình thường thì rất là quý rồi, nhưng trong điều kiện này thì không cần thiết. Những gì không ảnh hưởng đến chất lượng của đại hội thì có thể không làm, còn những gì là quy trình bắt buộc của đại hội thì phải thực hiện”.

Việc điều chỉnh đại hội đảng bộ các các cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay là rất cần thiết, cũng là một trong các giải pháp phòng chống dịch có hiệu quả. Tuy nhiên, sự điều chỉnh phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo đúng quy định của Đảng. Đặc biệt, trong lúc hoãn đại hội, đây cũng là điều kiện để các địa phương tiếp tục có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về văn kiện và nhân sự. Chuẩn bị cẩn trọng và sáng tạo để khi hết dịch, có điều kiện là tổ chức đại hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành tại Đại hội điểm Đảng bộ xã Chế Cu Nha, nhiệm kỳ 2020 - 2025. (Ảnh: T.L)

Đảng bộ huyện Mù Cang Chải có gần 2.800 đảng viên thuộc 32 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy. Trong đó, có 19 đảng bộ, 13 chi bộ; tổng số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 161 chi bộ.

Cùng với tập trung phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, những ngày này, huyện Văn Yên đang đẩy nhanh tiến độ các công trình, phần việc chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã Báo Đáp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Xác định đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng, là nhiệm vụ trọng tâm đối với Đảng bộ huyện Trấn Yên trong năm 2020 nên công tác chuẩn bị đã được Huyện ủy Trấn Yên triển khai tích cực theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 145-KH/TU ngày 2/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Mô hình đoạn đường tự quản “Sáng-xanh-sạch-đẹp” ở xã Khai Trung.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã Khai Trung, huyện Lục Yên đã đạt và vượt 22/23 chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra, trong đó, 11 chỉ tiêu vượt, tạo cơ sở góp phần hoàn thành xã nông thôn mới (NTM) năm 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục