Từ huyện thiếu đói triền miên thành huyện có bước phát triển khá
Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển từ một huyện thiếu đói triền miên, người dân sống du canh, du cư, năng suất lúa chỉ đạt 2,1 tấn/ha, tổng đàn gia súc, gia cầm chưa đạt 4.000 con, sản lượng lương thực khoảng trên 5.000 tấn/năm, đến nay, nhất là sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; 14/14 xã, thị trấn có đường ô tô bê tông đến trung tâm và trụ sở làm việc được xây dựng khang trang; 100% xã có trạm y tế, điểm bưu chính viễn thông, Internet.
100% bản có đường xe máy và đang từng bước kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 20,44 triệu đồng/người; sản lượng lương thực có hạt đạt 45.150 tấn, lương thực bình quân đạt trên 700 kg/người; tổng đàn gia súc chính đạt trên 75.000 con; công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp được chú trọng và tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,1%, vượt 6,3% so với mục tiêu Nghị quyết; số doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký.
Đến nay, huyện có 38 doanh nghiệp, 28 hợp tác xã, 263 tổ hợp tác và 637 hộ kinh doanh cá thể, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 387 tỷ đồng, vượt 16% Nghị quyết; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 355 tỷ đồng; thu ngân sách năm 2019 đạt 142,9 tỷ đồng, vượt 54% mục tiêu Nghị quyết.
Văn hóa - xã hội được chú trọng và có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến tích cực.
Từ một huyện có tỷ lệ mù chữ cao, tỷ lệ học sinh đi học rất thấp, đến nay, huyện có 39 cơ sở giáo dục; trong đó, có 7 trường đạt chuẩn quốc gia, 55 điểm lẻ của các trường mầm non với 623 lớp, trên 21 nghìn học sinh ở tất cả các ngành học, cấp học với gần 11 nghìn học sinh bán trú; tỷ lệ thường xuyên, chuyên cần duy trì từ 97 - 98%; 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS.
Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân từ chỗ còn thiếu thốn khó khăn, thầy cúng nhiều hơn thầy thuốc, khi ốm đau không điều trị mà ở nhà cúng ma; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân thấp; đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và 10/13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, có 3,3 bác sỹ/1 vạn dân; hằng năm khám chữa bệnh cho trên 70.000 lượt người; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ các loại vacxin đạt 98%; an sinh xã hội được đảm bảo; chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng lên; chương trình giảm nghèo được thực hiện hiệu quả.
Từ huyện có 100% hộ nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn 33,12%; tỷ lệ giảm hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 8,4%/năm, vượt gần 2% so với mục tiêu Nghị quyết.
Mở hướng thoát nghèo bằng du lịch
Phát huy giá trị của thắng cảnh và bản sắc văn hóa dân tộc, huyện chú trọng hướng dẫn, tạo môi trường, cơ chế để người dân làm du lịch, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội và một bộ phận người dân đã biết làm du lịch cộng đồng. Phát triển kinh tế từ dịch vụ, du lịch tạo ra thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương quy hoạch huyện Mù Cang Chải để xây dựng trở thành huyện du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và quyết tâm đưa huyện thoát nghèo trong những năm tới.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng Đảng vững mạnh trên tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tận tụy trong công việc và phục vụ nhân dân.
Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy cùng các đồng chí lãnh đạo huyện trao sổ đỏ và nhà ở cho hộ gia đình bà Giàng Thị Chù thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở xã La Pán Tẩn.
Qua đánh giá xếp loại hằng năm, bình quân 99,8% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ trở lên; trong đó, 59,3% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, 32,6% đạt trong sạch vững mạnh, không có yếu kém. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chú trọng. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; thực hiện đa dạng hình thức tập hợp quần chúng nhân dân; quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên; triển khai thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội; chủ động tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Quyết tâm xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”
Bước vào nhiệm kỳ mới, cùng với những thời cơ, thách thức chung của đất nước của tỉnh, trên chặng đường phát triển, huyện Mù Cang Chải cũng sẽ còn không ít khó khăn, thách thức do khách quan, chủ quan; trong đó, cơ bản là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện sản xuất, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực thấp, năng lực công tác, khát vọng cống hiến của một bộ phận cán bộ, công chức chưa ngang tầm nhiệm vụ; một số tập quán, cách nghĩ, cách làm của người dân còn chậm đổi mới; ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch Covid - 19 làm suy thoái kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của huyện... và là rào cản, thách thức lớn đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, hành động quyết liệt của các cấp ủy, hệ thống chính trị để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.
Với phương châm "Đoàn kết - Sáng tạo - Kỷ cương - Phát triển”, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải xác định mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là "Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo; khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; tăng cường củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; quyết tâm xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo”.
Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ huyện xác định triển khai 23 chỉ tiêu chủ yếu và tập trung triển khai thực hiện 3 đột phá theo định hướng chung của tỉnh gồm:
(1) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các thành phần kinh tế.
(2) Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
(3) Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nông Việt Yên - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải