"Nhiệm vụ phát triển bền vững giao cho nông nghiệp”
Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để thực hiện mục tiêu này, cần phải phân định rõ nhiệm vụ: Phát triển nhanh là nhiệm vụ của ngành công nghiệp, dịch vụ, còn nông nghiệp phải ưu tiên để phát triển bền vững.
Chia sẻ quan điểm này, ông Hà Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 Hòa Bình, cho rằng muốn thực hiện mục tiêu này, phải xác định rõ để các thành phần liên quan, đặc biệt là người dân, hiểu được phát triển nhanh và bền vững là phát triển như thế nào và làm thế nào để phát triển nhanh, phát triển bền vững.
Ông Hà Văn Thắng cho rằng, 3 mục tiêu lớn của phát triển bền vững là hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Cần làm sao để người dân nhận thức được rằng để có hiệu quả kinh tế phải làm gì, phải ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào, ứng dụng các mô hình kinh tế gì vào sản xuất nông nghiệp; Để đảm bảo an sinh xã hội, các bài toán về kinh tế chia sẻ, kinh nghiệm về mô hình kinh tế chia sẻ cũng phải được đông đảo người dân, doanh nghiệp tiếp nhận và nhận diện một cách đầy đủ, đồng thời vận dụng sáng tạo vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Sau nữa, để phát triển bền vững, một mục tiêu rất quan trọng là phải bảo vệ được môi trường.
Ông Thắng nêu quan điểm, muốn đạt được 3 mục tiêu này không có con đường nào khác là phải vận dụng một mô hình kinh tế tưởng như mới mẻ nhưng thực tế đã tồn tại rất lâu trong xã hội, đó là mô hình kinh tế tuần hoàn. Mô hình vườn-ao-chuồng là mô hình kinh tế tuần hoàn sơ khởi, nhưng mô hình kinh tế tuần hoàn thời hiện đại nằm trên nền tảng của công nghệ số và công nghệ sinh học.
Những điều đó theo ông Thắng phải được làm rõ trong văn kiện để các doanh nghiệp và người dân có cơ hội tiếp cận, nhận thức đầy đủ, một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất. "Tôi cho rằng, đó là những mục tiêu mà các văn kiện được xây dựng và được thông qua ở một sự kiện chính trị lớn nhất của đất nước, phải đi được vào đời sống một cách sâu sắc và có tính lan tỏa cao. Do vậy phải làm rõ được mục tiêu bền vững là như thế nào”, ông Thắng bày tỏ.
Cần có cơ chế để công nhận hoạt động sáng tạo
Để có thể phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo các mục tiêu đề ra, ông Thắng cho rằng, không chỉ hoàn thiện thể chế chung chung mà phải cụ thể hóa một số nhiệm vụ, ví như phải xây dựng cơ sở, vị trí, địa vị pháp lý cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và các mô hình kinh tế hay chúng ta vẫn gọi là mô hình kinh tế mới, bao gồm kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Thiếu nó, khi tổ chức thực hiện sẽ vướng, sẽ bị các thiết chế cũ, lỗi thời chi phối.
Chúng ta phải xác định thế nào là đổi mới sáng tạo và nếu là đổi mới sáng tạo thì được tiếp nhận ra sao, được pháp luật công nhận ra sao… để thay thế các thiết chế đã lỗi thời. Thêm vào đó, không phải chỉ nhận định, đánh giá, định hướng một cách chung chung, ví như chúng ta vẫn nói rất nhiều đến việc phải hoàn thiện thể chế nhưng hoàn thiện thể chế có nghĩa là gì, hoàn thiện thế nào, phải trả về các giá trị thật của nó.
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững của nền kinh tế, mà nông nghiệp là nòng cốt, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho rằng, một trong những chiến lược đặt ra để thực hiện nhiệm vụ này là phải coi trọng bảo vệ nguồn nước. Nói đến phát triển nông nghiệp là phải nói đến nước.
Thời gian qua, nông nghiệp chịu hậu quả rất lớn về biến đổi khí hậu liên quan đến nước: lụt lội, thiếu nước, suy kiệt nguồn nước ngầm. Nếu không đảm bảo đủ nguồn nước sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về sản xuất nông nghiệp, không những thiếu nước mà còn dẫn tới sụt lún đất sản xuất nông nghiệp, thậm chí mất đất sản xuất nông nghiệp.
An ninh nguồn nước cũng phải được coi là một giải pháp để có phương hướng nghiên cứu tổng thể, không chỉ gắn liền với nông nghiệp mà còn gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa. Trong thời gian qua, có hiện tượng công nghiệp hóa, đô thị hóa phá vỡ hệ thống thoát nước, đây là một trong những nguyên nhân gây ngập úng rất lớn trên diện rộng như ở miền Trung vừa rồi.
Đặc biệt quan tâm với vai trò kinh tế hộ
Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, một vấn đề nữa cần được nói tới đó là các mô hình kinh tế (chúng ta chấp nhận 5 thành phần kinh tế), trong văn kiện đã đề cập tới kinh tế HTX, doanh nghiệp, tuy nhiên không thấy nhắc tới vai trò của kinh tế hộ nông dân.
35 năm qua, có thể nói, kinh tế hộ nông dân đã đóng góp lực lượng cơ bản để kiến tạo nên thành công của nông nghiệp cũng như phát triển nông thôn. Trong giai đoạn tới, kinh tế hộ sẽ vẫn chiếm đa số trong lực lượng sản xuất.
Vì vậy, nói về sản xuất nông nghiệp vẫn phải nói tới kinh tế hộ là chính, số doanh nghiệp tham gia sản xuất trực tiếp trong nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
HTX là công cụ chia sẻ để hỗ trợ cho kinh tế hộ, mục tiêu thúc đẩy kinh tế hợp tác là để thúc đẩy kinh tế hộ. Vì thế kinh tế hộ phải được đặt trước kinh tế hợp tác, để nhấn mạnh vai trò của nó. Thời gian tới, trong bối cảnh công nghiệp hóa, kinh tế số, kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu, cần tạo dựng cho kinh tế hộ một định hướng.
Kinh tế hộ nông dân trong giai đoạn tới cần phải được hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, có thể tích lũy một phần ruộng đất, tất nhiên vẫn cần rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp để chuyển một phần sang công nghiệp và dịch vụ, tuy vậy, việc chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động còn lại để phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa với chất lượng cao và hội nhập được là rất quan trọng, để đảm bảo tăng trưởng ổn định cho ngành nông nghiệp.
Tiến sĩ Đào Thế Anh cho rằng, xây dựng nông nghiệp quy mô lớn thì khó vì chúng ta có một số hạn chế về Luật Đất đai, nhưng phát triển tới mức quy mô trang trại trung bình thì hoàn toàn khả thi. Đây cũng là xu hướng của kinh tế hộ trên thế giới hiện nay. Nếu nhỏ quá thì khó ứng dụng công nghệ, lớn quá thì không có điều kiện, xu hướng trang trại trung bình cỡ 1-2ha là mục tiêu nên hướng đến, và đủ khả năng để ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa kinh tế hộ, đưa kinh tế hộ có thể trở thành trang trại trong giai đoạn tới.
Nhấn mạnh, Việt Nam đã thu được những thành quả trong phát triển kinh tế hộ, như vậy, Tiến sĩ Đào Thế Anh đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, cần tiếp tục phát huy, nhấn mạnh vai trò của kinh tế hộ, nó đi song hành với kinh tế hợp tác. Kinh tế hộ không năng động sẽ không có nhiều hợp tác xã, kinh tế hộ không có nhu cầu sản xuất hàng hóa thì người ta không tham gia hợp tác xã.
(Theo VOV)