Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: "Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Giảm nghèo nhanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao”.
Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực có bước chuyển biến mạnh, tinh thần phục vụ của cán bộ, viên chức hai ngành này đã có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống tổ chức y tế được kiện toàn, năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện rõ rệt.
Do có sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, ở khu vực này đã xuất hiện sự cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao, cạnh tranh chất lượng để thu hút người học, bệnh nhân. Các cơ sở y tế, giáo dục tăng cường đầu tư thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng phục vụ.
Bên cạnh đó, ở cấp Trung ương cũng như các địa phương đều tăng đầu tư cho y tế, cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng mới nhiều bệnh viện hiện đại, đào tạo nhân viên y tế, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp cải thiện thái độ phục vụ của nhân viên y tế.
Nhờ đó, người dân được hưởng thụ sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn trước. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đạt 76,3 tuổi, số năm sống khỏe sau tuổi 60 đạt 17,2 năm, đứng thứ 42 trong số 183 nước. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 17,5% năm 2010 xuống 12% năm 2020.
Ngành giáo dục cũng đang chứng kiến sự thay đổi lớn về chất, chuyển dịch theo hướng tích cực, lấy sự phục vụ người dân làm mục tiêu. Giáo dục vùng sâu, vùng xa và giáo dục mầm non được quan tâm đầu tư. Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học đã bám sát nhu cầu thực tế, từng bước nâng cao chất lượng.
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận và triển khai các chương trình bao phủ bảo hiểm.
Nếu như năm 2010, cả nước chỉ có 7,8 triệu lượt người được hưởng bảo hiểm xã hội, đến tháng 9-2020, cả nước có hơn 15,5 triệu người tham gia, tương ứng 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi và có hơn 86,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số và mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, điều kiện dịch bệnh phức tạp, song chín tháng đầu năm 2020 đã có hơn 8,3 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 171,4 nghìn tỷ đồng.
Trong ứng phó đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước kiên định mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo hộ công dân, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, nhân văn, thể hiện tính ưu việt của xã hội ta.
Trong chín tháng đầu năm 2020 đã có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 do bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập…, trong số đó có 68,9% số người bị giảm thu nhập. Trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, như triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gần 800 nghìn người được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Tính đến ngày 16-9-2020, nước ta đã tổ chức hơn 130 chuyến bay đưa hơn 35 nghìn công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Đây là điểm nhấn của nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trong 5 năm qua.
Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều chính sách để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ công thuận lợi hơn, đồng thời cải thiện sự phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Dịch vụ hành chính công đã đạt được bước tiến lớn trong 5 năm qua, một phần là nhờ tăng cường phủ sóng viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động hành chính.
Đến tháng 10-2020, đã cáp quang hóa đến cấp xã, thôn, bản với hơn một triệu km, phủ sóng thông tin di động đến 98% số dân với công nghệ hiện đại. Theo kết quả khảo sát của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia về chính phủ điện tử trực tuyến và xếp hạng thứ 59 trong tổng số 193 quốc gia về chỉ số dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi và đang triển khai các chương trình hỗ trợ người dân vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được sử dụng điện thoại thông minh.
Đời sống của các đối tượng yếu thế, nhất là người nghèo, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ rệt. Một trong những biện pháp mạnh mẽ đem lại sự thay đổi sâu sắc cho vùng nông thôn nước ta là việc triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.
Tính đến hết năm 2019, cả nước có hơn 4.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54% tổng số xã. Bình quân cả nước đạt 15,7 tiêu chí/xã. Dự kiến đến hết năm 2020, có hơn 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho gần 400 nghìn hộ người có công; xây dựng hơn 4,1 triệu m2 nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ nhà ở cho hơn một triệu người nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ.
Đời sống nhân dân ở tất cả các khu vực nông thôn, đô thị, đồng bằng, miền núi được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%.
Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ và chuyển sang thực hiện mục tiêu phát triển bền vững...
Trong hoạt động bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, các cơ quan và tổ chức đã phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Bảo đảm phúc lợi xã hội còn được thực hiện thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và nguyện vọng của nhân dân.
Công tác tiếp công dân được thực hiện bài bản hơn, có sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội. Đã xác định rõ vai trò của bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tiếp dân và giải quyết đơn, thư của dân.
Chính quyền các cấp đã thực hiện tốt hơn dân chủ ở cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Hoạt động của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp có đổi mới, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có khoảng 140 lần nhắc tới "nhân dân”; khẳng định sẽ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trong đó có 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được rút ra là "phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc”; "nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Để bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội trong giai đoạn 2021 - 2026 và những năm sau, cùng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng và Nhà nước cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm...
Trong các giải pháp lớn được đưa ra, có giải pháp về cải cách chính sách tiền lương theo hướng tiệm cận với giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.
Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, nhất là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề.
Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững. Đồng thời, cần điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản cho người dân.
Các cấp, các ngành và các địa phương cần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2030, bảo đảm an sinh xã hội đối với các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.
Trong hoạch định và triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của các cấp ủy đảng cũng như trong việc xây dựng pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cần chú trọng mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức thụ hưởng của nhân dân, bảo đảm công bằng trong phân chia nguồn lực.
Phúc lợi xã hội, nguồn lực phát triển cần được phân chia đồng đều giữa các tỉnh, thành phố. Tránh để tình trạng bất bình đẳng lớn về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội giữa các địa phương có nguồn thu cao, chủ động ngân sách với các địa phương phụ thuộc ngân sách nhà nước.
Thực hiện và giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội ở cơ sở.
Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân không chỉ là mục tiêu của chế độ ta, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần quan trọng để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa.
(Theo NDĐT)