Đại hội XIII của Đảng: Những ý kiến đóng góp mang tầm chiến lược

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/1/2021 | 4:29:25 PM

YênBái - Ngày làm việc thứ 3 của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra đúng theo chương trình, kế hoạch; các phần việc của Đại hội đã được triển khai hết sức bài bản, khoa học và đạt hiệu quả cao.

Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội XIII của Đảng.
Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

Trong ngày 27/1, Đại hội tập trung làm việc tại hội trường, thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội. Các ý kiến tham luận của các đại biểu đã tập trung đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. 

Đã có tổng số hơn 20 ý kiến tham luận của các đại biểu ban, bộ, ngành trung ương và địa phương trong ngày làm việc thứ 3 của Đại hội, trong đó có nhiều tham luận sâu sắc, mang tầm vóc chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh quốc gia trong tình hình mới. Các tham luận đã đề xuất các giải pháp để phát triển đất nước và thảo luận về các dự thảo Văn kiện. Cụ thể:

Đồng chí Trần Thanh Mẫn- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham luận về vấn đề "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội."

Đồng chí Phan Văn Giang - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tham luận về vấn đề "Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại."

Đồng chí Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an tham luận về vấn đề "Tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Đồng chí Lê Hồng Quang- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao tham luận về vấn đề "Phát huy phương châm "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân", thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân".

Đồng chí Đinh Tiến Dũng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính tham luận về vấn đề "Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước."

Đồng chí Nguyễn Văn Phong- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tham luận về vấn đề "Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại hóa, xứng đáng là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế".

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương tham luận về vấn đề "Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân".

Đồng chí Nguyễn Thành Phong- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham luận về vấn đề "Phát triển kinh tế tri thức- kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ Thành phố Hồ Chí Minh."

Đồng chí Hoàng Bình Quân- Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương tham luận về vấn đề "Đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân chủ động thích ứng, phát huy hiệu quả trong bối cảnh mới."

Đồng chí Dương Văn Thái- Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang tham luận về vấn đề "Phát triển nông nghiệp đa dạng ở tỉnh Bắc Giang dựa trên điều kiện đặc thù của vùng trung du, miền núi".

Đồng chí Phùng Xuân Nhạ- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham luận về vấn đề "Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025."

Đồng chí Trần Đức Quận- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng trình bày tham luận về vấn đề "Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu của tỉnh Lâm Đồng."…



Chiều 27/1, đại biểu tiếp tục thảo luận về Văn kiện Đại hội tại hội trường 

Bên cạnh đó, tại Đại hội, đại diện các đảng bộ của các bộ, ngành, địa phương cũng đã thảo luận về các Văn kiện Đại hội, tập trung vào vấn đề phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn; xây dựng kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2021-2030...

Những vấn đề được các đại biểu nêu ra đều là những vấn đề nóng, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh trong giai đoạn mới. Trong đó, tham luận của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại Đại hội với chủ đề: "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội" đã khẳng định: "Qua thực tiễn hoạt động, có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ Việt Nam như sau: giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc; trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên. 

Quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh", Mặt trận phải thường xuyên đổi mới phù hợp với thực tiễn; thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết gắn với đấu tranh, có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đất nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. 

Những vấn đề đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt ra chính là nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao sức chiến đấu của Đảng, làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh trong giai đoạn mới trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc".

Lĩnh vực kinh tế, về định hướng, mục tiêu Chiến lược 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 05 năm 2021-2025, ý kiến tham luận của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, trên cơ sở kết quả đạt được, dự báo bối cảnh thời gian tới, ngành tài chính sẽ đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19, Trung ương 6 khóa XII; hoàn thiện việc sắp xếp khối doanh nghiệp nhà nước, đổi mới quản trị theo đúng Nghị quyết số 12, Trung ương 5 khóa XII; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế đi cùng với cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý… 

Tập trung hoàn thiện, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách giá cả, tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...; khơi thông và phân bổ các nguồn lực tài chính theo tín hiệu thị trường, ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; chuyển dịch đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ trong môi trường hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết FTA trước đây, đồng thời chủ động triển khai các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA…). 

Ngành tập trung phát triển hệ thống thu hiện đại, gắn với cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập và thông lệ quốc tế, bao quát nguồn thu, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội, bảo đảm tính trung lập, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiện đại, thuận tiện, điều tiết thu nhập hợp lý; đồng thời tăng tính bền vững, bảo đảm nguồn thu đáp ứng các nhu cầu quản lý, điều hành, phát triển nền kinh tế trong tình hình mới.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, tài chính công trọng yếu (ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan, chứng khoán, quản trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp…)…

Có thể thấy, trong ngày làm việc thứ 3, những ý kiến đóng góp tại Đại hội đều mang tầm chiến lược, dài hơi và bền vững; khẳng định sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước hướng tới thành công của Đại hội; tất cả chung tay, chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng phát triển đi lên, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái dự Đại hội XIII chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bô Lao động- Thương binh và Xã hội

Bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với các đại biểu: Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Dương Đức Huy – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai; Hà Thị Hương – Bí thư Huyện uỷ Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc và cương lĩnh, đường lối của Đảng, Nhà nước trong xây dựng đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có sự tham gia của 1.587 đại biểu, đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên.

Ngày thanh niên cùng hành động sẽ được tổ chức trong ngày 3/2 tại 91 điểm hoạt động, trong đó có 90 điểm trong nước được phân bổ đều khắp 63 tỉnh, thành phố và một điểm được tổ chức tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái dự Đại hội XIII của Đảng, trong đó có 2 đại biểu nữ.

Ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tăng 2%; cấp trên cơ sở tăng 2% và đối với các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16% và tăng 3% so với nhiệm kỳ trước.

Bên cạnh phân tích giá trị của quan điểm này, các đại biểu cũng làm rõ và đề xuất thêm những giải pháp để tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục