Có thể nói, đây là một ý kiến tham luận rất sát thực, mang ý nghĩa to lớn đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng. Trong đó, những quyết sách riêng của tỉnh Yên Bái được trình bày trong tham luận chính là tín hiệu vui cho người nghèo, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Mở đầu bài tham luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định: "Giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội là một chủ trương lớn, xuyên suốt, là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành quả nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước”.
Đây chính là "kim chỉ nam” cho hành động của Yên Bái trong những năm qua trong công tác xóa đói giảm nghèo. Và thực trạng khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với rất nhiều khó khăn, thách thức (kết quả điều tra hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc; trong đó phần lớn tập trung tại các địa bàn vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, riêng tại 2 huyện 30a đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%, thuộc vào nhóm các huyện nghèo nhất cả nước), việc giảm nghèo "nhanh” và "bền vững” thực sự là một nhiệm vụ hết sức khó khăn với Yên Bái.
Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo, đồng bộ các giải pháp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cùng với sự vào cuộc của toàn xã hội, kết quả giảm nghèo là dấu ấn nổi trội của tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ qua.
Đồng chí Đỗ Dức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái chụp ảnh lưu niệm với phóng viên báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Tô Hải)
Tiêu biểu, sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ). Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 5,03%/năm (bằng 125% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ), riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3%, còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% còn 383 thôn, bản…
Những kết quả đó chính là minh chứng rõ nét khẳng định: "Tỉnh Yên Bái không bỏ ai ở lại phía sau”, đúng với tinh thần, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ghi trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác toàn khóa và hàng năm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, tỉnh Yên Bái đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa trong toàn xã hội.
Tiêu biểu là phong trào"Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thông mới, đô thị văn minh”, "Ngày thứ Bảy cùng dân” của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc; phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Hội Nông dân; phong trào "Xây dựng gia đình năm không, ba sạch”, "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” của Hội Phụ nữ; phong trào "Ba đến, ba cùng”, "Nâng cánh ước mơ” của Đoàn Thanh niên; phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội Cựu chiến binh…
Đặc biệt, Yên Bái đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, đưa việc thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trở thành nhu cầu, là khát vọng của các tầng lớp nhân dân. Trong 2 năm 2019 và 2020, toàn tỉnh đã có 333 hộ nghèo viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo…
Từ những nỗ lực đó, tính đến hết năm 2020, tỉnh Yên Bái có 75/150 xã đạt chuẩn nông thông mới, bằng 50% tổng số xã của toàn tỉnh, cao gấp 1,35 lần bình quân chung của vùng trung du và miền núi phía Bắc (37%), gấp 1,85 lần bình quân chung khu vực Tây Bắc (27%), gấp 3 lần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn (chiếm 16%); thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,0 lần so với năm 2015…
Trên nghị trường Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã nêu lên những quyết sách của Yên Bái trong thời gian tới để giải quyết nhiệm vụ giảm nghèo, trong đó, có những vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua chưa được giải quyết thì giờ đã được mạnh dạn nhắc đến, tiêu biểu như: xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của tình trạng đói nghèo; hoặc như: phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo…
Đây chính là những vấn đề đặt ra nhằm giải quyết cái "gốc” của đói nghèo. Trước đây, có thời gian, thời điểm, công tác giảm nghèo được làm chưa đúng, chưa trúng, chưa triệt để, đó là kiểu "hộ nghèo thì đến thăm, ủng hộ ít tiền, ít lương thực, ít đồ dùng”, kiểu "giải quyết trước mắt” mà chưa nghĩ đến cái gốc của vấn đề đó là vì sao vẫn cứ nghèo, làm sao để thoát nghèo thì giờ đây, với ý kiến tham luận tại Đại hội của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, việc tìm ra nguyên nhân sâu xa của đói nghèo cũng như việc đưa giải pháp giảm nghèo hiệu quả, triệt để vào đến từng hộ gia đình đã được đề cập rõ ràng và cụ thể. Đây chính là tín hiệu vui đối với hộ nghèo, địa phương nghèo của Yên Bái trong tương lai không xa.
Mặt khác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng đã tranh thủ đề xuất sự giúp đỡ của Trung ương, với những ý kiến hết sức cụ thể, "chính danh” như: đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó cần thiết kế hợp lý để tránh trùng lắp về đối tượng, nội dung, phương thức hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đồng chĩ cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt chương trình và hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện; đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống và sản xuất của nhân dân.
Đồng chí đề nghị Trung ương nghiên cứu có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, ban hành nghị quyết mới, thực hiện trong giai đoạn tiếp theo để các địa phương trong vùng, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc có cơ sở triển khai thực hiện, thu hẹp dần khoảng cách với trình độ phát triển chung của cả nước…
Có thể thấy, tham luận tại Đại hội XIII của Đảng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thực sự có sức nặng trên nghị trường đặc biệt này, là những ý kiến sát thực, thay lời cho rất nhiều địa phương miền núi, đồng bào nhân dân các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trên toàn quốc. Những ý kiến ấy đã nhận được sự quan tâm của Đoàn Chủ tịch Đại hội và đông đảo các đại biểu tham dự, nhận được sự đồng tình của nhân dân.
Với thành tựu đã đạt được và những định hướng, giải pháp rất cụ thể trong thời gian tới, chúng ta haonf toàn tin tưởng công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Yên Bái sẽ có những đột phá, gặt hái nhiều kết quả quan trọng để hướng tới mục tiêu quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Thiên Cầm