Xôi ngũ sắc
- Cập nhật: Thứ ba, 13/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Gạo nếp là sản vật đặc biệt của nhà nông, là thứ lễ vật không thể thiếu trong nghi lễ cúng tế của nhiều dân tộc. Người ta không chỉ làm các loại bánh nếp, cơm lam hay những loại xôi như: xôi xéo, xôi lạc, xôi đỗ, xôi gấc, xôi nghệ, xôi vò, xôi dừa... mà mọi người còn chế biến cả loại xôi vừa ngon, bổ dưỡng, trị bệnh lại có nét thẩm mỹ, đó là xôi ngũ sắc. Xôi này thường chỉ làm vào ngày Tết, lễ cúng tế hoặc cưới hỏi.
Xôi ngũ sắc.
|
Cách làm xôi ngũ sắc ở mỗi nơi, mỗi dân tộc có những nét khác nhau, nhưng qua tìm hiểu nhiều nơi ở vùng trung du Bắc bộ và một số tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy cách làm cơ bản giống nhau. Để làm xôi màu trắng, người ta dùng gạo nếp và đồ thành xôi là được. Món xôi có màu xanh, màu đỏ thì dùng một loại lá được gọi là cơm xôi xanh hoặc đỏ và loại lá này rất dễ trồng. Hình thức của loại cây này rất giống nhau nhưng khi đun lấy nước để ngâm gạo nếp thì nó lại tạo nên màu gạo xanh, đỏ khác nhau. Vào mùa gấc chín thì có thể lấy gấc để làm màu xôi đỏ. Những người ở miền núi còn biết dùng vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, lá cây thành ngạnh phơi khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha một chút vôi thành nước ngâm gạo màu xanh.
Làm món xôi có màu đen, có thể dùng gạo nếp quạ có hạt gạo màu đen như nếp cẩm nhưng hạt to, tròn hơn. Nhưng cơ bản là dùng lá dây gùn mọc ở rừng hoặc ven khe suối đốt lấy tro ngâm nước rồi gạn lấy nước trong để ngâm gạo. Loại lá này chính là thứ lá mà bà con vùng trung du, miền núi còn lấy làm bánh tro vào dịp Tết Đoan Ngọ cho trẻ em ăn "giết sâu bọ". Đối với món xôi vàng thì chỉ cần lấy củ nghệ già, giã nhỏ pha nước ngâm gạo rồi đồ xôi là được.
Việc đồ thành xôi ngũ sắc cũng khá công phu. Nếu làm lễ ở quy mô lớn thì mỗi loại xôi màu có thể đồ bằng một chõ riêng. Nếu làm quy mô nhỏ mà đồ 5 loại chung một chõ thì phải làm thật cẩn thận. Khi bỏ gạo vào chõ phải bỏ theo từng lớp màu riêng và loại nào dễ ngấm màu sang các loại khác thì để lớp gạo ấy ở đáy chõ. Người cẩn thận có thể đan những tấm vỉ bằng tre để ngăn cách các loại gạo màu trong một chõ xôi.
Cách bày xôi ngũ sắc cũng phải rất khéo léo, có ba cách bày như: dùng khuôn tròn bằng ống tre, nứa để đóng xôi theo từng màu như đóng oản rồi bày cả 5 màu chung một đĩa. Cách hai là, dùng khuôn gỗ để nén xôi thành từng khuôn màu rồi chồng từng loại lên nhau theo hình trụ. Cách ba là dùng khuôn tròn và những thanh tre mỏng, to bản, chia đáy khuôn thành 5 phần bằng nhau theo hình cánh hoa rồi nén xôi và khi nén xong thì rút bỏ thanh tre.
Mâm cỗ cúng, có đĩa xôi ngũ sắc thì mâm lễ ấy đã toát lên sự tôn nghiêm thành kính của chủ lễ để cúng tổ tiên, thần thánh.
Hoàng Nhâm