Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Mỗi đoàn giám sát tổ chức đi kiểm tra tại 3 địa phương cấp tỉnh và 1 địa phương cấp huyện ở mỗi tỉnh. Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Có 8 nội dung giám sát với nhiều hình thức và phương pháp giám sát, góp phần lựa chọn những đại biểu thật sự xứng đáng vào Quốc hội và HĐND.
PV: Ông có thể cho biết mục đích của việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là gì?
Ông Ngô Sách Thực: MTTQ Việt Nam có trách nhiệm phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập ngay trong quá trình tổ chức chuẩn bị bầu cử để bầu cử được tổ chức đúng quy định và thành công. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử ngày 23/5, công tác chuẩn bị phải trải qua 16 mốc chính. Theo quy định của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân thì MTTQ Việt Nam sẽ giám sát quá trình chuẩn bị bầu cử, việc lập danh sách người ứng cử, công tác thông tin tuyên truyền... để người dân thấy được người mà mình bầu, gửi gắm niềm tin.
PV: Vậy những nội dung cụ thể nào được tập trung giám sát, thưa ông?
Ông Ngô Sách Thực: Theo quy định của pháp luật, trong Chương trình phối hợp đã đề ra bao gồm 8 nội dung, trong đó tập trung vào những nội dung, những khâu liên quan đến công tác Mặt trận các cấp từ trung ương, địa phương tham gia vào công tác tổ chức bầu cử, làm sao phải đúng thành phần và có tiếng nói. Cơ cấu, thành phần bầu cử ở Trung ương có Hội đồng bầu cử Quốc gia, địa phương các cấp thì có Ủy ban bầu cử các cấp.
Khu vực bỏ phiếu có ban, tổ bầu cử. Mỗi tổ chức bầu cử đó thì đều có sự tham gia của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Sự tham gia đó góp phần cho các phần công việc chuẩn bị bầu cử, thông tin tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Đấy là khâu rất quan trọng và những quy định trách nhiệm của các tổ chức bầu cử hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Thứ hai là nhóm tập trung vào những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn ứng cử và những phần hiệp thương để đảm bảo các quy định của luật.
Trong toàn bộ quy trình này gồm có 3 bước. Bước 1 thống nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng; bước 2 là danh sách sơ bộ và thứ 3 là lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn giới thiệu. Trong những nội dung này thì các bước được thực hiện phải rất chặt chẽ để lựa chọn, sàng lọc những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội cũng như HĐND các cấp.
PV: Phương pháp giám sát như thế nào để Mặt trận tổ quốc triển khai việc giám sát hiệu quả cao nhất theo quy định của pháp luật, thưa ông?
Ông Ngô Sách Thực: Phương pháp, cách làm phải có nhiều hình thức. Thứ nhất, chúng tôi thấy mỗi thành viên của Mặt trận đều có quyền tham gia góp ý vào những nội dung công tác chuẩn bị. Cái thứ hai, qua phát hiện của người dân kịp thời phản ánh với cơ quan có trách nhiệm.
Tôi nói ví dụ qua Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất tiến hành rất dân chủ, công khai, nhưng vẫn còn một số bất cập về cơ cấu, thành phần thì mình kiến nghị đến Thường trực Hội đồng nhân dân và cấp có thẩm quyền để có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp, bảo đảm thực hiện đúng quy định. Trách nhiệm của từng cấp Mặt trận sẽ phải tổ chức các cuộc giám sát để qua các cuộc giám sát có ý kiến, kiến nghị ngay.
Đặc thù của vấn đề là không thể để kỳ sau được, mà trong từng giai đoạn, từng bước, những vấn đề gì mà bất cập, cần phải hoàn chỉnh trong quy trình 16 bước để đến ngày bầu cử là 23/5 thì phải kiến nghị kịp thời trước các bước đó để hoàn chỉnh. Như vậy, giám sát góp phần vào mục đích chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và công bằng.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo VOV)