Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, đảm bảo tỷ lệ và tiêu chuẩn nữ ứng cử viên tham gia Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, thời gian này, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, giám sát đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kịp thời, có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan.
Thực hiện công tác tuyên truyền, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tập trung tuyên truyền, quán triệt tới cán bộ, hội viên, phụ nữ các quan điểm của Đảng, quy định của pháp luật về bầu cử; ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của công dân trong công tác bầu cử; tình hình phụ nữ tham gia chính trị ở Việt Nam và trên thế giới.
Để công tác tuyên truyền thực sự mang lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa, các cấp Hội LHPN thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh của xã và các kênh truyền thông của Hội như: cổng thông tin điện tử, các hội nghị, hội thảo, sự kiện, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hoạt động giao lưu, sinh hoạt hội.
Công tác tuyên truyền được thực hiện trong suốt quá trình bầu cử, từ giai đoạn chuẩn bị cho đến khi công bố kết quả bầu cử. Đi đôi với công tác tuyên truyền, các cấp hội LHPN còn tích cực vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia thực hiện quy trình giới thiệu ứng cử viên. Theo đó, sáng ngày 9/3, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức giới thiệu 2 người ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đối với hoạt giám sát, cùng với tham gia đoàn giám sát do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì, hội LHPN các cấp còn thực hiện giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét các văn bản, báo cáo của cơ quan có thẩm quyền trong bầu cử có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong bầu cử; kiến nghị bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là phụ nữ; việc cử đại diện hội tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.
Theo đó, đối với thường trực HĐND các cấp, các cấp Hội LHPN thực hiện giám sát việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện các quy định đảm bảo tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ; đảm bảo trách nhiệm của tổ chức Hội theo quy định; việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng đại biểu HĐND; trong đó, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ theo quy định khoản 1, 2 Điều 9 Luật Bầu cử; việc đảm bảo tiêu chuẩn của nữ ứng cử viên ĐBQH, nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp theo quy định; việc thực hiện tuyên truyền, vận động bầu cử đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các ứng cử viên...
Đối với UBND các cấp, thực hiện giám sát việc phân công đại diện tổ chức hội tham gia các tổ chức bầu cử của địa phương theo Điều 22, Điều 24, Điều 25 Luật Bầu cử; việc thực hiện trách nhiệm trong chỉ đạo tổ chức, thực hiện cuộc bầu cử theo quy định khoản 7 Điều 4 Luật Bầu cử.
Đối với ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử, thực hiện giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức bầu cử theo quy định của pháp luật bầu cử, nhất là việc xem xét hồ sơ của người ứng cử bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn người ứng cử, nữ ứng cử viên; việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử bảo đảm công bằng, dân chủ đối với nữ ứng cử viên; việc thực hiện tuyên truyền, vận động bầu cử, nhất là trong các cuộc tiếp xúc cử tri của nữ ứng cử viên; quá trình tổ chức ngày bầu cử ở các đơn vị bầu cử, tổ bầu cử về việc chấp hành nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; việc đóng dấu vào thẻ cử tri sau khi bỏ phiếu; việc mở hòm phiếu, kiểm phiếu và ghi biên bản kết quả kiểm phiếu đảm bảo bình đẳng đối với nữ ứng cử viên.
Ngoài các hoạt động trên, Hội LHPN còn thực hiện giám sát công tác hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai và hiệp thương lần thứ ba về lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND ở mỗi cấp để bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ theo quy định của pháp luật; kịp thời nắm tình hình về ý kiến, sự tín nhiệm của cử tri đối với nữ ứng cử viên là phụ nữ để kịp thời tư vấn, hỗ trợ.