Mặc dù làm trong bộ máy cai trị của chế độ phong kiến, thực dân, song tư tưởng yêu nước, thương dân luôn tồn tại trong con người ông. Khi tình thế cách mạng thay đổi, đặc biệt là sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ông đã được cán bộ Việt Minh giác ngộ nên đã tích cực ủng hộ và giúp đỡ cách mạng.
Ngày 19/6/1945, Tri phủ Trấn Yên đưa một trung đội bảo an gồm 40 tên vào Vần nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng tại chiến khu. Chúng đóng quân tại nhà ông Trần Đình Khánh.
Được sự hậu thuẫn của ông Trần Đình Khánh, 5 tổ du kích của Đội du kích Âu Cơ đã bao vây nơi chúng đóng quân. Rạng sáng ngày 20/6/1945, bị tấn công bất ngờ, Tri phủ Trấn Yên và trung đội lính bảo an bỏ vũ khí chạy toán loạn vào rừng. Với tinh thần nhân văn sâu sắc, Đội du kích đã kêu gọi quy hàng. 8 giờ sáng ngày 20/6/1945, hầu hết số lính bảo an đã trở về đầu hàng lực lượng cách mạng.
Trước sức mạnh của cách mạng, Tri phủ Trấn Yên buộc phải cam kết thực hiện ba việc: thả hết tù chính trị đang bị giam giữ ở thị xã Yên Bái; trả lại toàn bộ tiền thuế mà nhân dân tổng Lương Ca đã nộp; không được mang quân đi đàn áp phong trào cách mạng. Sau đó, Tri phủ và toàn bộ lính bảo an trở về phủ an toàn.
Với sự nội ứng, giúp đỡ của ông Trần Đình Khánh, lực lượng cách mạng đã quyết định linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế. Số lính bảo an thực sự đã trở thành những người tuyên truyền chính sách khoan hồng, nhân đạo của Việt Minh; góp phần làm tăng uy thế, sức mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng.
Trong những ngày bình minh của cách mạng, với uy tín của một hào lý, ông Trần Đình Khánh đã kêu gọi nhân dân trong vùng Lương Ca và trực tiếp gia đình ông ủng hộ nhiều thóc gạo, trâu, bò, tiền, vàng, bạc cho Mặt trận Việt Minh.
Nhà ông Trần Đình Khánh - trụ sở đầu tiên của đội du kích Âu Cơ, nơi Ban cán sự Đảng Yên Bái - Phú Thọ đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Yên Bái.
Đặc biệt, chính ngôi nhà sàn của gia đình ông ở là nơi các đồng chí cán bộ trong Ban cán sự Đảng liên tỉnh chọn làm địa điểm hội họp đưa ra nhiều quyết định quan trọng lãnh đạo phong trào cách mạng ở Yên Bái.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Trần Đình Khánh tham gia Ủy ban nhân dân cách mạng, Ủy ban Liên Việt với cương vị Chủ tịch.
Ngày 6/1/1946, tại cuộc Tổng tuyển cử nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I, ông Trần Đình Khánh là đại biểu của tỉnh Yên Bái tham gia Quốc hội. Thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội ở tỉnh Yên Bái trong thời kỳ cam go của cách mạng đã phá vỡ âm mưu của quân Tưởng và bọn phản động Việt Quốc, nâng cao uy thế, vị thế hợp pháp của chính quyền cách mạng, đồng thời thể hiện lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tỉnh Yên Bái.
Khi bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng cướp chính quyền, thủ tiêu cán bộ, cách mạng, gia đình ông Trần Đình Khánh đã nuôi giấu, bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ cốt cán của tỉnh.
Trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp đến gần, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Yên Bái do ông Trần Đình Khánh làm Chủ tịch chuyển về chiến khu Vần, trụ sở đặt tại ngôi nhà sàn của gia đình ông.
Tại đây, ông và các ủy viên Ủy ban đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cấp bách của cách mạng là giải quyết "giặc đói”, "giặc dốt” và tiễu trừ bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng; bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ; gây dựng đời sống mới cho nhân dân; tích cực chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cùng cả dân tộc.
Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Hồ Chủ tịch, trong đó nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc được đặt lên hàng đầu, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Yên Bái được tách thành hai Ủy ban để lãnh đạo các nhiệm vụ chiến lược trên. Ông Trần Đình Khánh làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Yên Bái.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, có nhiều đóng góp tích cực đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ của toàn dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.
Ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của ông Trần Đình Khánh cho phong trào cách mạng của tỉnh Yên Bái nói riêng và công cuộc kháng chiến, kiến quốc của toàn dân tộc nói chung, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.
Gia đình ông Trần Đình Khánh được Chính phủ tặng thưởng "đồng tiền vàng”, phần thưởng cao quý cho những người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia ngày 4/9/1995.
Ngôi nhà sàn của gia đình ông Trần Đình Khánh nay thuộc xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên - chứng nhân nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của một thời kỳ cách mạng hào hùng là một trong cụm di tích Chiến khu Vần đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 2861/QĐ-BT ban hành ngày 4/9/1995.
Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà sàn gia đình ông Trần Đình Khánh đã được các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái, tu bổ, tôn tạo xứng tầm là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng đồng thời cũng là sự tri ân với những đóng góp, cống hiến của ông Trần Đình Khánh và gia đình ông với sự nghiệp cách mạng.
Hà Thị Ngọc Lan (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)