Người cất giữ “báu vật” lịch sử ở Đại Lịch
- Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2016 | 3:05:00 PM
YBĐT - Nhắc đến Đại Lịch là nhắc đến vùng đất anh hùng với biết bao câu chuyện cảm động về một thời đạn lửa. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày chiến đấu anh dũng ấy luôn vẹn nguyên trong tâm trí ông Hà Văn Tích ở thôn 14 Thanh Bồng, xã Đại Lịch (Văn Chấn).
Ông Hà Văn Tích giới thiệu từng hiện vật với khách tham quan.
|
Không chỉ có vậy, giờ đây, trong chính căn nhà ông đang sống, một gian trưng bày hơn 600 kỷ vật chiến tranh được hình thành. Đó chính là những “báu vật” vô giá, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Tuổi đã cao nhưng ông Hà Văn Tích vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Sau trận mưa rào làm dịu đi cái oi nóng mùa hè, rót chén trà, nhấp từng ngụm, ông Tích chậm rãi kể: “Năm 1946, tôi tình nguyện tham gia Đội du kích thiếu niên xã và được giao nhiệm vụ liên lạc. Năm 1947, được tin báo địch kéo quân từ đồn Đồng Bồ ra đồn Dọc, Đội du kích Đại Lịch đã quyết định chọn đèo Din là trận địa phục kích đánh địch.
3 giờ sáng ngày 20/7, 30 chiến sĩ du kích và thiếu niên Hoàng Văn Thọ do đồng chí Minh Lưu chỉ huy hành quân ra mai phục tại đèo Din. Lừa cho địch vào đúng trận địa phục kích, ta giật 3 quả mìn tự tạo nổ tung, súng du kích bắn vào đội hình quân địch.
Bị đánh bất ngờ, địch hoang mang chạy xuống Khe Din định sang đồn Dọc nhưng bị bẫy đá sập xuống rào rào, bị hầm chông vây hãm”. Chiến thắng đèo Din là một trang sử vẻ vang của nhân dân, lực lượng vũ trang xã Đại Lịch nói riêng và nhân dân Văn Chấn nói chung; mở ra một trận thế mới, thế trận chiến tranh nhân dân cài răng lược làm quân giặc không dám đi lùng sục, càn quét như trước, tạo điều kiện cho cán bộ, bộ đội ta luồn sâu vào lòng địch, vận động nhân dân chống giặc, giữ làng. Đồng thời, khẳng định khả năng độc lập tác chiến của du kích và hiệu quả của vũ khí tự tạo.
Sau câu chuyện về trận đánh đèo Din lịch sử, ông cho tôi xem gian trưng bày kỷ vật chiến tranh mà ông kỳ công tìm kiếm và sưu tầm. Đã thành thói quen, hàng ngày, việc đầu tiên sau khi thức dậy là ông lại lau chùi, cẩn thận sắp xếp lại hiện vật.
Ông tâm sự: “Cách đây hơn 10 năm, tôi bắt đầu hành trình xuôi ngược, lặn lội đi tìm những kỷ vật chiến tranh với mục đích chính là cho con cháu trong nhà mai sau lớn lên nhìn thấy và hiểu được ý nghĩa của những hiện vật đối với lịch sử dân tộc. 3 gian trưng bày gồm: gian đọc sách, gian trưng bày hiện vật chiến tranh, gian trưng bày hiện vật văn hóa với những thứ tưởng chừng như bình thường, đơn sơ, cũ kỹ này là biết bao công sức. Tôi đã phải đi nhiều nơi rồi vận động con cháu, anh em, bạn bè thấy ở đâu có gì để tôi liên hệ xin hoặc mua lại. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, ủng hộ”.
Từng là Xã đội trưởng, Bí thư Đảng ủy xã nên tính ông vốn cẩn thận, làm việc khoa học. Bên ngoài mỗi hiện vật ông Tích ghi tên, địa chỉ, có khi là cả tác dụng vào tờ giấy nhỏ rồi gắn lên để người xem dễ nhìn, dễ đọc. Từ những chiếc bi đông, vỏ đạn đại bác 28K, đầu đạn ĐKZ, súng kíp, quả địa lôi, vỏ đạn cối 85, nắp mìn chống tăng, cái xà cốt… đến quần áo, ví, áo trấn thủ, ba lô, hộp kem đánh răng..., mỗi kỷ vật là một câu chuyện, gợi cho người xem nhớ lại một thời bom đạn.
Vui nhất là khi có khách hay các cháu học sinh đến tham quan, ông kiêm luôn hướng dẫn viên, say mê giới thiệu về từng hiện vật. Để phòng trưng bày thêm phong phú, không bị nhàm chán, những câu thơ được ông chép tay cũng được dán kèm. Trên chiếc ba lô đã sờn màu, ông ghi lại: “Chiếc mũ đan và cái ba lô nam/ Cùng anh du kích hiên ngang một thời” hay như trên tường với dòng chữ ngay ngắn “Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Bàn tay che chở bước đường gian nguy”.
Đồng chí Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch cho biết: “Đại Lịch vốn có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường. Nhân dân cần cù, chăm chỉ, đặc biệt luôn có ý thức trong xây dựng, gìn giữ truyền thống yêu nước lâu đời ấy. Những người từng tham gia chiến đấu, được chứng kiến và được sống trong không khí hào hùng của một thời oanh liệt như ông Tích đến nay chỉ còn rất ít và luôn là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo. Chúng tôi mong muốn và cố gắng quan tâm, giúp đỡ, động viên ông, bằng nhiều cách cùng tìm kiếm hiện vật mang đến tặng ông. Xuất phát từ tình cảm đồng chí, đồng đội, niềm đam mê, gian trưng bày của ông đã trở thành điểm đến tham quan, học tập truyền thống của các cháu học sinh và người dân trong và ngoài vùng”.
Được sống, tham gia chiến đấu trong thời chiến, nay lại được sống trong thời bình với “bảo tàng” nhỏ do chính bàn tay mình tìm kiếm, với ông Hà Văn Tích, mỗi hiện vật đều được thổi hồn, có ý nghĩa, đáng nâng niu và trân trọng.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Ban CHQS huyện Văn Chấn tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc, trọng tâm xây dựng xã, thị trấn vững mạnh, an toàn làm chủ, xây dựng thế trận lòng dân là then chốt...
YBĐT - Với 41 trận chiến đấu, trong đó có 16 trận chiến đấu độc lập, 25 trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực, Đội du kích Khau Phạ đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 125 tên địch, thu 150 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng khác của địch. Người Đội trưởng Đội du kích Khau Phạ - Lý Nủ Chu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Đội du kích Khau Phạ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
YBĐT - Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị, quân nhân Sùng A Lu ở tổ 7, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải còn là ông chủ của lò ấp trứng vịt lộn có công suất trên 1 vạn quả để phát triển kinh tế gia đình.
YBĐT - Các di tích lịch sử vẫn hiện hữu nét xưa, nhưng bộ mặt nông thôn ở Việt Hồng (Trấn Yên) đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.