Về nơi “anh hò, chị hát”

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/5/2019 | 8:15:09 AM

YênBái - “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát” - theo câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, trong những ngày tháng Năm lịch sử, cả nước đang sôi nổi hoạt động hướng về kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và những ngày lễ lớn của dân tộc, chúng tôi về xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, thăm đèo Lũng Lô lịch sử - nơi góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đèo Lũng Lô hôm nay.
Đèo Lũng Lô hôm nay.

Từ trung tâm tỉnh Yên Bái vào Thượng Bằng La đường êm thuận vì đều rải nhựa áp-phan, đi ô tô hay xe máy chỉ mất khoảng hơn 2 giờ đồng. Đã hẹn trước, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Công Thức và Chủ tịch UBND xã Hoàng Đình Mưu đã chờ sẵn để cùng chúng tôi lên thăm đèo. Tuy bớt hiểm trở do đã nhiều lần được nâng cấp cải tạo, nắn cắt đi nhiều đoạn nguy hiểm nhưng đèo Lũng Lô vẫn "Núi tiếp núi, cua tiếp cua”. 

Bí thư Thức cho biết: "Dù nằm phía cuối của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ nhưng đèo Lũng Lô vẫn có độ cao trung bình hơn 1.300 m so với mực nước biển. Đèo vẫn là cung đường hiểm trở!”. 

Dừng xe tại nơi đặt bia đá tưởng niệm điểm giáp ranh giữa Yên Bái và Sơn La. Giữa bạt ngàn rừng tự nhiên xen lẫn những nương ngô xanh mướt, hàng chữ trên bia đá tuy ngắn gọn nhưng cũng lột tả hết sự khốc liệt của chiến tranh cũng như ý chí của một dân tộc: "… Trong 200 ngày đêm, mặc dù địch huy động hàng ngàn lượt máy bay thả 12.000 tấn bom đạn xuống cung đường này, nhưng quân và dân ta đã vượt qua bom đạn vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực tới chiến trường…”. 

Ai cũng bùi ngùi xúc động, mỗi người thắp một nén nhang thành kính. Giữa mây ngàn gió núi, dường như tiếng cuốc, tiếng xẻng đào đất, tiếng hát, điệu hò của dân công địa phương, thanh niên xung phong và lực lượng công binh dưới mưa bom, bão đạn vẫn âm vang giữa đại ngàn. 

Do yêu cầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ cần vận chuyển cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí đạn dược ra mặt trận; mặt khác, đây là chiến dịch đầu tiên quân ta đánh hiệp đồng binh chủng có sử dụng các loại pháo cỡ lớn có xe kéo; đồng thời, phải bảo đảm yếu tố bí mật nên năm 1952, Trung ương Đảng quyết định mở con đường 13A. Tuyến đường bắt đầu từ bến Hiên, thuộc tỉnh Tuyên Quang vượt qua bến Âu Lâu, đi qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi, nối với đường 41. 

Để bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông ra chiến trường, ngay từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, tỉnh Yên Bái đã quyết định thành lập cung đường 13. Cùng với bộ đội và dân công các tỉnh miền xuôi, tỉnh Yên Bái đã huy động 124.458 lượt dân công tham gia mở đường. Dù lúc đó còn rất trẻ nhưng những năm tháng hào hùng đó, ông Hoàng Kim Sáng, sinh năm 1936, không lúc nào quên. 

Ông kể: "Mặc dù mới ở nơi sơ tán về còn gặp nhiều khó khăn, nhưng gia đình nào ở Thượng Bằng La cũng đón cán bộ, dân công về ở cùng. Đoạn đường qua khe Thắm, qua cánh đồng Mỏ dài 3 km có 3 con suối lớn, có đoạn là bãi sình lầy dài hàng ki-lô-mét, nhân dân đã quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương và có nhà còn tình nguyện góp cả bộ cột nhà vừa mới chặt về để lót đường, bắc cầu thông xe”. 

Dù nhiệm vụ nặng nề và thời gian cấp bách nhưng con đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô với sự dũng cảm kiên cường, quyết tâm của bộ đội, dân công và nhân dân địa phương đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày, trở thành một kỳ tích lịch sử, khiến thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ tinh thần quả cảm của quân và dân ta. 

Tuy nhiên, nắm bắt được ý đồ của ta, tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Cùng với Âu Lâu, Hưng Khánh, Vực Tuần, Cò Nòi, đèo Lũng Lô hơn 200 ngày đêm không lúc nào ngừng tiếng bom. 

Theo thống kê, đoạn từ Yên Bái đến Phù Yên (Sơn La) địch đã ném xuống 11.778 quả bom các loại. Bom đạn đã gây nhiều tổn thất với quân và dân ta nhưng dưới "mưa bom, bão đạn của quân thù” lòng quả cảm đã được thử thách. Vượt qua nguy hiểm, với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến”, hàng vạn lượt dân công ngày đêm bám đường. 

Địch phá, ta lại sửa ta đi, địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác, địch phá ban ngày, ta mở đường ban đêm. Đường thông, hàng vạn tấn quân lương, quân trang vũ khí đạn dược… tập kết ở khu vực Thượng Bằng La đã vượt đèo vào chiến trường và được bảo vệ an toàn. 

Lũng Lô không chỉ "dân công đỏ đuốc từng đoàn” mà còn là lộ hành để các văn nghệ sỹ đi thực tế Tây Bắc, viết lên những truyện, bài thơ, nốt nhạc sống động khích lệ tinh thần kháng chiến của quân và dân ta như câu thơ trong bài thơ "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: "Dốc Pha Đin, chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò, chị hát”. 

Thực sự là một "huyền thoại sống” trong huyền thoại có thật Điện Biên Phủ thế kỷ XX. Đúng dịp kỷ niệm 57 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2011, đèo Lũng Lô đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đóng góp tích cực tạo nên huyền thoại đó, năm 2000, xã Thượng Bằng La được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp”. 

Đất nước hòa bình, bắt tay vào xây dựng, phát huy truyền thống cách mạng và dũng cảm trong phục vụ chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và nỗ lực của nhân dân, đèo Lũng Lô hôm nay đang đổi thay từng ngày. 

Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Công Thức cho biết: "Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng và sự hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thượng Bằng La hôm nay ra sức thi đua lao động sản xuất, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống. Cách đây 3 năm, năm 2016, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu đạt danh hiệu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020”.

Đúng là "Máu của anh chị, của chúng ta không uổng!” như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, một cuộc sống no ấm đang hiện hữu với mảnh đất Lũng Lô lịch sử. 

Qua những tuyến đường bê tông, hai bên là những đồng lúa, vườn cam xanh mát ở thôn Mạ, thôn Thiên Tuế, thôn Nông Trường…, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đình Mưu thông tin: "Để phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng nông thôn mới, cùng với vận động nhân dân xây dựng hạ tầng, nhất là đường giao thông, nhân dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện, toàn xã trồng được 500 ha cam các loại, mỗi năm thu về 80 - 90 tỷ đồng; do đó, tỷ lệ đói nghèo trên địa bàn giảm nhanh”. 

Ghé thăm gia đình đoàn viên Nguyễn Khắc Điệp tại thôn Nông Trường. Dù còn trẻ tuổi nhưng Điệp đã có trong tay trang trại gồm 300 gốc cam các loại và trại nuôi gà mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Điệp tâm sự: "Xứng đáng với truyền thống của mảnh đất anh hùng, với sự hy sinh xương máu của cha ông, thế hệ trẻ chúng em hôm nay đang ra sức lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp”. 

Với sự đóng góp của thế hệ trẻ như Nguyễn Khắc Điệp, thôn Nông Trường với 203 hộ chỉ còn 5 hộ thuộc diện đói nghèo, số hộ khá, giàu chiếm 70%. 

Không chỉ phát triển kinh tế, qua câu chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã, với tiềm năng, lợi thế của mình, đèo Lũng Lô giờ là "đất lành” thu hút các dự án đầu tư. Dưới chân đèo, trang trại nuôi thỏ rộng 30 ha của Công ty Nippon Việt Nam như một nốt son chấm phá. Trang trại hoạt động đã giải quyết việc làm cho 80 lao động địa phương với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. 

Anh Vũ Trọng Hậu - Phụ trách kỹ thuật của trại cho biết: "Khí hậu mát mẻ, thuận lợi đi lại, các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi... đây chính là lý do để Công ty chúng tôi lựa chọn nơi này để đầu tư”.

Thực sự là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước, mảnh đất một thời bom đạn hào hùng năm xưa nay đang được thế hệ hôm nay viết tiếp trang sử mới. Đó là, tập trung phát triển kinh tế xây dựng quê hương giàu mạnh, ổn định về chính trị, vững vàng về quốc phòng - an ninh, xứng với huyền thoại, những chiến công oanh liệt mà cha ông đã tạo nên.

Đình Tứ

Tags Điện Biên Phủ Yên Bái Thượng Bằng La Lũng Lô Phù Yên Cò Nòi

Các tin khác
Các cựu chiến binh thăm lại Di tích Bến phà Âu Lâu lịch sử.

Bến phà Âu Lâu năm xưa có vị trí đặc biệt quan trọng nối liền Việt Bắc với Tây Bắc qua sông Hồng. Từ bến phà này, các loại vũ khí hạng nặng: pháo mặt đất, pháo cao xạ, ô tô chở đạn dược, khí tài quân sự cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến lần lượt nối nhau qua sông tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ 65 năm trước…

Hòa chung không khí tưng bừng của cả nước kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2019), tối 5/5, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Điện Biên - vang mãi bản hùng ca”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu bước ngoặt lớn trong công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; thể hiện ý chí đồng lòng trong lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc tổ chức, động viên một lực lượng to lớn, hàng vạn người vượt qua muôn vàn gian khó, ngày đêm bạt rừng xẻ núi, mở đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên chiến thắng kỳ tích.

Trong nhiều ca khúc bất tử hát về tinh thần chiến đấu bất khuất ngoan cường trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, Giải phóng Điện Biên là khúc ca xuyên thế kỷ. 65 năm là quãng thời gian khá dài để nhân gian có thể quên nhiều thứ, nhưng Giải phóng Điện Biên luôn sống mãi trong lòng người Việt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục