Những tấm gương ấy là những "bông hoa đẹp” trong "vườn hoa” thi đua ái quốc, khoe sắc, tỏa hương, tô điểm cho quê hương Yên Bái ngày càng vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập.
Cùng chung sức, đồng lòng vào công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh, những năm qua, tuổi trẻ Yên Bái luôn xung kích, sáng tạo, không ngại dấn thân, cống hiến góp phần phát triển kinh tế, xã hội với tinh thần "Đâu cần thanh niên có”.
Câu chuyện chàng thanh niên Nông Kim Ngọc ở xã Xuân Long, huyện Yên Bình mạnh dạn trở về mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn, để khởi nghiệp khiến nhiều người nể phục. Nông Kim Ngọc sinh năm 1988, tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội với tấm bằng loại giỏi, từng làm cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Yên rồi làm cán bộ Đoàn tại Tỉnh đoàn Yên Bái… Đều là những công việc ổn định nhiều người mơ ước nhưng Ngọc vẫn luôn khao khát được đem những kiến thức học được trên ghế giảng đường đại học mở một nông trại trên chính mảnh đất "chôn nhau cắt rốn”.
Năm 2017, sau nhiều quyết tâm, vượt qua sự phản đối của người thân, Ngọc xin nghỉ việc. Với số vốn ít ỏi tích cóp được, Ngọc trở về quê tại xã Xuân Long huyện Yên Bình, vay mượn thêm tiền của người thân, bạn bè và ngân hàng để mua 30 ha đất đồi rừng đầu tư mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp, trong đó, chú trọng cây ăn quả có múi và cây gỗ rừng trồng.
Ngọc tâm sự: "Thời gian đầu là khoảng thời gian khó nhất đối với tôi, tâm lý bị ảnh hưởng nhiều bởi mọi người xung quanh. Có người gièm pha rằng tôi bị "hâm” nên mới bỏ việc về làm nông như vậy. Dù đã được đào tạo trên giảng đường đại học, được tích lũy thêm kinh nghiệm trong những năm còn công tác nhưng bắt tay vào thực tế tôi vẫn vấp phải nhiều khó khăn từ việc cải tạo đất, lựa chọn giống cây trồng phù hợp đến chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh…”.
Nghiên cứu, học hỏi thêm kiến thức, Nông Kim Ngọc mạnh dạn trồng 10 ha rừng sản xuất, 20 ha cây ăn quả có múi như: cam Vinh, cam V2, bưởi Đại Minh, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam đường canh… Vượt qua được khó khăn bước đầu, đến ngày thu hoạch Ngọc lại lo đầu ra cho nông sản. Khó khăn nối tiếp khó khăn có những lúc tưởng như làm gục ngã chàng thanh niên mới khởi nghiệp, nhưng với đam mê, quyết tâm không ngừng, Ngọc đã từng bước vượt qua khó khăn, cuốc xới trên mảnh đất còn nhiều sỏi đá với niềm tin hóa đất thành vàng.
Được chăm sóc kỹ càng, ứng dụng thành công kiến thức chuyên ngành, năm 2019, đồi cây của Ngọc bắt đầu cho trái ngọt, thu về gần 150 triệu đồng. Tuổi trẻ không dừng lại ở việc phát triển kinh tế cho riêng bản thân, nhận thấy vùng đất Yên Bình có diện tích trồng bưởi lớn, giống bưởi ngon nhưng chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và chưa có đầu ra ổn định, tháng 1/2020, Nông Kim Ngọc mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Đức Khôi Ngọc Chấn, đồng thời liên kết với 35 hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký nhãn hiệu riêng, liên kết với các công ty lớn để có nguồn đầu ra ổn định.
Ghi nhận những ý tưởng khởi nghiệp và thành tích đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương, năm 2019, Nông Kim Ngọc được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn cho Dự án "Xây dựng trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp theo hướng VietGAP”, nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Yên Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên Việt Nam huyện Yên Bình.
Cùng với thế hệ trẻ, phụ nữ Yên Bái hôm nay phát huy truyền thống quý báu cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, giỏi việc nước, đảm việc nhà, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, chị Lưu Thị Lan, sinh năm 1965 ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ là một gương điển hình như vậy. Lập gia đình, cả hai vợ chồng đều làm công nhân với đồng lương thấp, cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau.
Năm 1992, vợ chồng chị Lan cùng thôi việc theo Quyết định số 176/HĐBT về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. Nghỉ việc, về nhà vợ chồng chị mở cơ sở kinh doanh xay xát lúa, gạo cuộc sống đỡ hết nhưng kinh tế cũng chẳng dư giả bao nhiêu.
Năm 1993, nhận thấy nhu cầu vận chuyển đá, sỏi của nhân dân địa phương tăng cao mà phương tiện vận chuyển vẫn còn bằng xe trâu, bò thô sơ. Nhiều lần trăn trở, suy tính, chị Lan bàn với chồng mạnh dạn vay mượn gia đình, họ hàng và bạn bè đầu tư mua xe công nông để chở vật liệu.
Chị Lan chia sẻ: "Thời điểm tôi mua xe công nông tại thị xã Nghĩa Lộ còn chưa phổ biến nên công việc làm ăn rất thuận lợi. Mua xe hơn 30 triệu đồng mà vợ chồng vay đến hơn 20 triệu đồng, nhưng chỉ một thời gian ngắn là thu hồi được vốn, trả xong nợ, kinh tế gia đình tôi đi lên từ đấy”.
Đến năm 2001, khi thị trường thay đổi, vận chuyển bằng xe công nông bắt đầu bão hòa, chị Lan lại nhận thấy nhu cầu san tạo mặt bằng của nhân dân địa phương ngày một cao mà phương thức vẫn là đào thủ công bằng cuốc, xẻng, một lần nữa chị bàn với chồng mạnh dạn vay vốn mua 1 máy xúc để hoạt động san tạo mặt bằng.
Nhạy bén với sự thay đổi của cơ chế thị trường, cùng với số vốn tích lũy được, đến năm 2009, chị đã có 2 xe tải, 4 máy xúc và chuyển sang thành lập Công ty TNHH Vượt Lan, chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa, xây dựng, san tạo mặt bằng và cung cấp dầu mỡ máy móc.
Thời gian đầu, kinh doanh thuận lợi do đi trước đón đầu được nhu cầu thị trường, Công ty của chị mỗi năm đạt doanh thu gần 20 tỷ đồng. Dù bận rộn với vai trò Giám đốc điều hành Công ty nhưng chị Lan không lúc nào lơ là vai trò và trách nhiệm của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Chị luôn dành thời gian gần gũi, chỉ dạy con cái học hành, trở thành những người có ích cho xã hội.
Bên cạnh đó, chị cũng tranh thủ thời gian tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, vì cộng đồng cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Nữ kinh doanh Mường Lò và Hội Phụ nữ phường Trung Tâm cũng như Hội Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ. Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền chị Lưu Thị Lan được UBND tỉnh cũng như các cấp, các ngành khen thưởng.
Xuất hiện trong "vườn hoa” điển hình tiên tiến của Yên Bái không chỉ có những điển hình phát triển kinh tế mà đó còn là những tấm gương không ngại khó, ngại khổ, tận tụy với công việc, những giáo viên bám bản hết lòng vì sự nghiệp "trồng người”, gieo chữ nơi non cao. Suốt hơn 20 năm gắn bó với bản làng vùng cao huyện Trạm Tấu, cô giáo Nguyễn Thị Duân chưa một lần bỏ lớp.
Năm 1997, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm 12 + 2 Nghĩa Lộ, cô Duân được phân công về giảng dạy tại huyện Trạm Tấu. Ngày đầu nhận công tác với rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ bởi cản trở ngôn ngữ, phong tục tập quán, cộng với địa hình núi cao, vực sâu hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Nhưng sau một thời gian ngắn cảm nhận được tấm chân tình, hiếu học, quyết tâm vượt khó vươn lên của học trò vùng cao, cô Duân đã quyết tâm bám trụ gieo chữ cho những mầm non tương lai, hy vọng cánh cửa tri thức sẽ mang đến cho nơi đây một tương lai tốt đẹp hơn.
23 năm công tác tại xã Pá Hu rồi xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi các cấp. 5 năm học gần đây, cô Duân đều có học sinh tham gia các đợt giao lưu Tiếng Việt cấp trường, cấp huyện và đạt giải cao. Năm học 2019 - 2020, cô được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trạm Tấu tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Những tấm gương như chàng trai trẻ Nông Kim Ngọc, chị Lưu Thị Lan hay cô giáo Nguyễn Thị Duân là những điển hình tiêu biểu trong số rất nhiều điển hình góp mình vào "vườn hoa” thắm sắc, ngát hương của Yên Bái. Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh, 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang bao nhiêu thì càng ý thức bấy nhiêu trách nhiệm của mỗi người con Yên Bái, bằng hành động thiết thực, hiệu quả, góp sức xây dựng quê hương phát triển mạnh mẽ và vững chắc.
Tin tưởng, với những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, quê hương Yên Bái sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, là niềm tự hào cho các thế hệ nối tiếp vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập; xây dựng Yên Bái ngày càng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc với hình ảnh con người Yên Bái "Thân thiện - nhân ái - đoàn kết - sáng tạo”.
Lê Thương