Gắn chặt với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, Yên Bái là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.
Một trong những sự kiện trọng đại, có ý nghĩa quyết định trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh những năm qua đó là chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 24 đến ngày 25/9/1958 với những lời căn dặn vô cùng sâu sắc.
Thời điểm đó, cũng như các tỉnh miền núi khác, Yên Bái là tỉnh nghèo, chậm phát triển với rất nhiều khó khăn, nhất là về giao thông; đời sống cả vật chất là tinh thần của người dân hết sức thiếu thốn.
Chính vì vậy, khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Bái trong Lễ mít tinh chào đón Bác tại sân vận động thị xã, Bác ân cần chỉ bảo cặn kẽ, nhắc nhở Đảng bộ và chính quyền phải chăm lo đời sống của đồng bào từ việc to, việc nhỏ, làm sao đời sống được cải thiện, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành.
Bác căn dặn, phải đoàn kết dân tộc, các dân tộc đều bình đẳng giúp đỡ các dân tộc thiểu số. Phải mở mang đường sá, huy động dân cùng Nhà nước làm đường. Phấn đấu xe vận tải lớn đến được tất cả các huyện, xã, điểm vùng cao, có như vậy mới giao lưu được hàng hóa, kinh tế mới phát triển. Bác đề nghị: "Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác và chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, vượt qua muôn ngàn khó khăn của tỉnh miền núi, những năm qua, các cấp chính quyền, ban, ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã đoàn kết một lòng, ra sức thi đua yêu nước để xây dựng tỉnh ngày một phát triển.
Đặc biệt, trong những năm đổi mới, nhất là nhiệm kỳ 2015 - 2020, tuy chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình hình thời tiết biến đổi cực đoan, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp… nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng GRDP nhiệm kỳ 2015 – 2020 (giá so sánh 2010) bình quân ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm).
Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48%); tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 47,21% (tăng 3,09%). GRDP bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Từ một tỉnh dân luôn thiếu gạo đói ăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, do áp dụng khoa học kỹ thuật canh tác với nhiều loại cây trồng có giá trị, đến nay, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đạt trên 65 triệu đồng, nhiều diện tích đạt từ 250 - 300 triệu đồng.
Tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn như: vùng quế gần 78.000 ha, măng tre Bát độ trên 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha...; đồng thời, phát triển, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP.
Hàng năm, toàn tỉnh trồng trên 15.000 ha rừng các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 63%, xếp thứ tư cả nước. Từ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn NTM, chiếm trên 50% số xã của tỉnh; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với năm 2015. Yên Bái là điểm sáng khu vực Tây Bắc về xây dựng NTM.
Cùng nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh có bước phát triển khá, hình thành được một số sản phẩm chủ lực, lợi thế. Mạng lưới kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn không ngừng được mở rộng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Sản phẩm hàng hóa không ngừng được mở rộng, đã xuất khẩu đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Du lịch có nhiều khởi sắc, hình thành khá rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm: vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và Nam Trấn Yên; vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên, mỗi năm đón vài trăm ngàn du khách.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, từ huy động các nguồn vốn, tập trung cho các dự án trọng điểm, nhất là công trình giao thông đã làm bộ mặt của tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao, có nhiều đổi thay nhanh chóng, phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, cùng hệ thống các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, cao tốc, đường đô thị đi lại êm thuận; 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 21%, đến nay, có 6 cầu bắc qua sông Hồng được xây dựng đi vào sử dụng kết nối các vùng. Chăm lo đời sống nhân dân, gần 92% số thôn, bản với trên 95% số hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. 100% các xã có trạm BTS cung cấp dịch vụ 3G, 4G; 100% các xã và 80% thôn, bản có cáp quang băng thông rộng cung cấp dịch vụ Internet.
Kinh tế phát triển, văn hóa - xã hội, khoa học, công nghệ được quan tâm. Mạng lưới trường, lớp học được sắp xếp tinh gọn, hợp lý đảm bảo nhu cầu học hành của con em các dân tộc với 55,3% số trường đạt chuẩn quốc gia, gần 78% số phòng học đạt tiêu chuẩn kiên cố. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học đạt chuẩn mức độ 1 và phổ cập THCS; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên là 98,9%.
Đặc biệt, từ sự quan tâm của tỉnh, gần 40% học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh được hưởng chính sách nội trú, bán trú... Sức khỏe người dân được chăm lo, với tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,5%.
Qua đầu tư khá đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho hệ thống y tế công lập, gắn với khuyến khích phát triển được 250 cơ sở y tế ngoài công lập, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, có 75% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đạt tiêu chí quốc gia y tế; đạt 32,9 giường bệnh/1 vạn dân và 10,1 bác sĩ/1 vạn dân, cao hơn bình quân chung cả nước....
Quan tâm đến đời sống người dân như lời dạy của Bác, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ tạo việc làm, chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7,56%, đặc biệt, do quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí NTM; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân giảm trên 7,8%/năm, năm 2020, giảm còn dưới 37%.
Những lời dạy của Bác trong chuyến thăm lịch sử cách đây 62 năm đã được Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái khắc ghi thực hiện. Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh và 75 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang quyết tâm xây dựng đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá nhất trong những tỉnh miền núi như mong muốn của Người.
Đình Tứ