Ăn tết Quốc khánh

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/9/2020 | 11:37:16 AM

YênBái - Dịp nghỉ lễ Quốc khánh, nhà nhà, người người sum họp, nấu những bữa ăn ngon, quây quần thăm hỏi động viên nhau cùng tiến bộ. Ăn tết Quốc khánh đã và đang trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Bữa cơm đoàn viên là sự lựa chọn của nhiều người dân Yên Bái mừng Quốc khánh.
Bữa cơm đoàn viên là sự lựa chọn của nhiều người dân Yên Bái mừng Quốc khánh.

Tôi còn nhớ, từ thuở bé, cứ mỗi dịp Quốc khánh, ông nội tôi lại bảo con dâu (tức mẹ tôi) chuẩn bị mâm cơm khá thịnh soạn với các món như: thịt gà hấp lá chanh, có năm còn cuốn thêm đĩa nem vàng rộm để ăn tết. 

Mâm cỗ làm xong, ông  bưng lên ban thờ, nơi có lá cờ đỏ sao vàng, bức cuốn thư in hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng dòng chữ "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” để thắp hương tưởng nhớ công lao của Đảng, Bác Hồ và những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Thắp hương xong, cả nhà quây quần bên mâm cơm, ông nội rất hay kể câu chuyện tội ác của thực dân, phong kiến, kể chuyện bộ đội ta đánh Tây và cuộc sống mới của người dân một nước hòa bình, độc lập… 

Những bữa cơm tết như vậy đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi, nuôi tôi khôn lớn để rồi khi có gia đình riêng, tôi vẫn duy trì bữa cơm đoàn viên trong ngày Quốc khánh.

Chắc chắn làm mâm cơm ăn tết Quốc khánh không phải là câu chuyện của riêng gia đình tôi mà rất nhiều gia đình trên quê hương, đất nước này cũng tổ chức ăn tết Quốc khánh! Đánh từ khóa "ăn tết Quốc khánh” vào công cụ tìm kiếm Google, thật bất ngờ, chỉ trong 0,4 giây đã cho 510.000 kết quả. 

Dễ hiểu thôi, Quốc khánh chắc chắn phải là ngày hội vui nhất, lớn nhất của dân tộc Việt Nam mình, càng vinh dự hơn khi nước Việt Nam là nước dân chủ công nông đầu tiên trong khu vực Đông Nam châu Á. 

Từ lá "cờ đầu” mang tên Việt Nam, nhiều dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ la-tinh đã phất cờ khởi nghĩa, giành độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh, nhân dân Việt Nam đã vượt qua bao chông gai, thử thách, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền hòa bình và từng bước xây dựng đời sống kinh tế - xã hội. 

Trải qua cuộc sống lầm than nô lệ, nhân dân các dân tộc càng hiểu hơn ý nghĩa của tự do, độc lập. Chính vì thế, "nhân dân Việt Nam quyết hy sinh tất cả để bảo vệ nền tự do, độc lập ấy” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. 

75 năm sau ngày độc lập, đặc biệt là gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, nước ta đã thu được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế, để giờ đây cuộc sống đã đủ đầy hơn, mâm cơm ngày tết Quốc khánh thịnh soạn hơn, qua đó, tình yêu quê hương, đất nước, giá trị, ý nghĩa của ngày Quốc khánh cũng sâu sắc hơn trong lòng mỗi người dân đất Việt. 

Nói như cụ Nguyễn Huy Hảo, thường trú tại phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái - một cán bộ tiền khởi nghĩa thì: "Ăn tết Quốc khánh đã và đang trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nếu như tết Nguyên đán mang giá trị giáo dục truyền thống văn hóa gia đình thì tết Quốc khánh lại mang giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tưởng nhớ những anh hùng đã hy sinh vì một nước Việt Nam  xã hội chủ nghĩa dân chủ, văn minh. Nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh, nhà nhà, người người sum họp, nấu những bữa ăn ngon, quây quần thăm hỏi động viên nhau cùng tiến bộ”.

Dịp Quốc khánh năm 2020 này chắc chắn sẽ không có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng như những năm trước; nhiều thành viên trong các gia đình cũng sẽ không có mặt dự bữa cơm đoàn viên bởi như chúng ta đã biết, dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, không ít địa phương trong cả nước còn phải thực hiện giãn cách xã hội. 

Tuy vậy, ý nghĩa của Ngày Quốc khánh 2/9 không vì thế mà lu mờ đi, giống như 75 năm trước, muôn triệu người dân nhất tề đứng lên theo Đảng, theo Bác, đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là bất diệt.

Nhân dân Việt Nam dù trai hay gái, dù già hay trẻ, bất kỳ dân tộc, thành phần, tôn giáo nào cũng là con dân đất Việt, một lòng, một dạ dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua mọi chông gai thử thách, trước mắt là thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép” vừa đẩy lùi bệnh dịch vừa phát triển kinh tế cũng như thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đưa quê hương đất nước tiến lên.

Với tinh thần lạc quan và ý chí quyết tâm của người cách mạng, chắc chắn khó khăn sẽ qua đi, dịch bệnh Covid-19 sẽ được kiềm chế; kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại, cuộc sống chắc chắn sẽ dần bình yên để rồi những cái tết Quốc khánh lại tươi vui hơn, đầm ấm hơn. 

Mâm cơm tết Quốc khánh 2020 vẫn được đặt trang trọng trên ban thờ, tôi thắp nén nhang thơm tưởng nhớ công lao trời biển của Đảng, Bác Hồ và các bậc anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Bữa cơm hôm nay, tôi sẽ truyền dạy cho các con về truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc mình và ý nghĩa to lớn của ngày tết Độc lập.

Lê Phiên

Các tin khác
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, ngày 16-11-1959. Người căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện… tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi”.

Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn mà còn là “kiến trúc sư”, là người lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa thu năm 1945 và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tư tưởng của Người tiếp tục dẫn dắt Đảng, Nhà nước và nhân dân trong giai đoạn xây dựng nước Việt Nam hùng cường hôm nay.

Nguồn nhân lực được quan tâm phát triển, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Đó là những cảm xúc thiêng liêng, tự hào để từ đó phát huy những giá trị truyền thống cùng thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới bản Tuyên ngôn độc lập. (Ảnh tư liệu)

Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam. Trải qua 75 năm, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Quốc phòng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng khẳng định, Việt Nam độc lập, tự chủ nên không ai, nước nào có thể bắt Việt Nam chọn bên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục