Chiến thắng Tây Bắc trong hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/10/2022 | 10:35:13 AM

YênBái - Ngày 15/8/1997, nhà văn Hà Lâm Kỳ cùng mấy anh em làm công việc sưu tầm văn hóa - lịch sử vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ghi lại những câu chuyện về Chiến dịch Tây Bắc. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết này!

Nhà văn Hà Lâm Kỳ kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếc khèn bè của người Thái Nghĩa Lộ, ngày 2/9/2003. (Ảnh tư liệu của tác giả)
Nhà văn Hà Lâm Kỳ kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếc khèn bè của người Thái Nghĩa Lộ, ngày 2/9/2003. (Ảnh tư liệu của tác giả)

Vẫn biết, Đại tướng rất bận công việc tổng kết, nghiên cứu lý luận, nhưng chúng tôi vẫn cứ xin cấp trên cho phép liên hệ với Văn phòng và hy vọng sẽ được Đại tướng - nguyên Tổng Tư lệnh nói về chiến dịch Tây Bắc nhân dịp kỷ niệm lần thứ 45 ngày giải phóng Nghĩa Lộ (18/10/1952-18/10/1997).

10 giờ ngày 15/8/1997, mấy anh em làm công việc sưu tầm văn hóa - lịch sử có mặt tại phòng khách như được hẹn. Đại tướng Vỗ Nguyên Giáp năm nay 86 tuổi, hồng hào, khỏe mạnh, vẫn bộ quân phục và nụ cười quen thuộc, ông bắt tay chúng tôi rồi nhẹ nhàng ngồi vào ghế.

- Thưa Đại tướng, trước hết xin Đại tướng nói rõ hơn về chủ trương của Trung ương Đảng, của Bác Hồ và Tổng Quân ủy về quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc năm 1952?

Không một tài liệu trên bàn ngoài tờ công văn có nội dung đề nghị của Sở Văn hóa - Thông tin Yên Bái đã được ông ghi chen những dòng chữ đỏ. Đại tướng chậm rãi nói:

- Thu Đông năm 1952, Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đồng bào các dân tộc. Giải phóng được Tây Bắc còn có điều kiện giúp bạn giải phóng Thượng Lào, tạo ra một con đường tiến về phía nam. Bác Hồ và Trung ương đã sớm nghĩ đến tầm quan trọng của chiến trường phía tây nên ngay những ngày toàn quốc kháng chiến, Bộ Tổng tư lệnh đã cho những đoàn quân tiến về phía tây và những đội quân quyết tiến mở mang cơ sở ở Tây Bắc nhưng mãi đến 1952 mới đưa quân chủ lực lên nhằm giải phóng Tây Bắc.

- Thưa Đại tướng, vậy Nghĩa Lộ có phải là trọng tâm của Chiến dịch? Và Chiến dịch Tây Bắc kết thúc như thế nào?

- Chiến dịch Tây Bắc, Nghĩa Lộ là trung tâm của đợt 1. Để củng cố trọng điểm then chốt này của Tây Bắc, Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Hà Nội tăng cường cho Nghĩa Lộ một tiểu đoàn tinh nhuệ và dời sở chỉ huy phân khu của chúng lên đồi Pú Chạng tạo thành một cứ điểm có công sự kiên cố, có trọng pháo và hỏa lực bảo vệ. Ngày 14 tháng 10 năm 1952 chiến dịch mở màn. Trung đoàn 174 tiêu diệt vị trí Sài Lương. 

Ngày 17 tháng 10, Trung đoàn 102 đánh chiếm Pú Chạng rồi cùng Trung đoàn 88 bao vây và tấn công Phân khu Nghĩa Lộ buộc địch phải ra hàng trong đó có tên quan tư Pháp Ti -ri -ông cùng toàn bộ Ban tham mưu của chúng. Đêm 18 tháng 10, Trung đoàn 36 tiêu diệt gọn đồn Cửa Nhì, Trung đoàn 209 và 165 nhanh chóng diệt các điểm lẻ ở Nậm Mười, Gia Hội. Chỉ trong 6 ngày Nghĩa Lộ được giải phóng.

Chiến dịch Tây Bắc chuyển sang đợt hai, tôi cho bộ đội vượt sông Đà tiêu diệt địch ở cứ điểm Mộc Châu, các đồng chí Lê Trọng Tấn, Bằng Giang chỉ huy cánh quân đánh vu hồi giải quyết nhanh mấy đồn ở Điện Biên, Sơn La và Yên Châu, địch bỏ chạy co cụm về Nà Sản. Nà Sản là tập đoàn cứ điểm lớn và mạnh, thấy đánh Nà Sản không chắc thắng, ta chủ động kết thúc chiến dịch Tây Bắc vào ngày 10 tháng 12 năm 1952.

- Bác Hồ theo dõi chiến dịch Tây Bắc như thế nào, thưa Đại tướng?

- Các đồng chí còn nhớ bài hát "Qua miền Tây bắc" của Nguyễn Thành đấy, bài hát rất hay trong đó có câu "Bộ đội ta vâng lệnh Cha già...". Trước ngày tiến hành chiến dịch Tây Bắc, chúng tôi mở hội nghị cán bộ để giao nhiệm vụ, Bác nhận lời đến. Ngày hôm đó, vì trời mưa to, nước lớn, ai cũng bảo chắc Bác không tới được. 

Nhưng lúc sau Bác xuất hiện, người ướt hết cả. Rồi Bác nói chuyện với Hội nghị cán bộ. Người nói: "Đánh Tây Bắc có cái khó nhưng cũng có cái dễ. Khó, nếu có quyết tâm thì mình sẽ vượt qua. Dễ, nếu thiếu quyết tâm thì biến thành khó, ví dụ như Bác vừa đi qua suối đấy... Bác mong các chú lên Tây Bắc lần này sẽ biến cái khó thành cái dễ mà đi đến thắng lợi". 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hà Lâm Kỳ, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương (Yên Bái). 

Rồi theo chỉ thị của Bác, Chính phủ đề ra 8 điều kỷ luật dân vận. Bộ đội lên Tây Bắc đều được học kỹ, nhất là những điều nói về quan hệ với đồng bào dân tộc thiểu số. Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, chúng tôi về báo cáo với Bác, Bác khen:  Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác bằng lòng với các chú, lần này chưa phải là hoàn toàn nhưng hơn mọi lần trước.

- Những ngày chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ, Sở chỉ huy của Đại tướng đặt ở đâu? Và Bác đã liên lạc với các sư đoàn, các tướng lĩnh như thế nào?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay sang đại tá Nguyễn Huyên - người thư ký đã hơn 30 năm luôn bên cạnh ông, khẽ nói: "- Bây giờ có thăm lại chắc mình cũng không còn nhớ rõ lối đi, đường Tây Bắc sao mà nhiều dốc thế?" Rồi Đại tướng vui vẻ trả lời:

- Sau khi tôi qua đò ở bến Âu Lâu thì được anh em chuẩn bị cho một con ngựa, đường Tây Bắc dốc đến nỗi nhiều đoạn phải xuống ngựa để dắt. Vì đồn Ca Vịnh chưa bị tiêu diệt nên phải đi vòng phía bắc Ngòi Nhì vào Nghĩa Lộ. Tôi nhớ Sở chỉ huy đặt ở một bản dưới chân đồi giáp với đồng bằng Mường Lò có thể quan sát đồn Nghĩa Lộ. Lúc này anh Trần Đăng Ninh đang ở Khau Vác, anh Lê Trọng Tấn ở Sơn La, anh Bằng Giang ở Điện Biên, người trực tiếp chỉ huy đánh đồn Nghĩa Lộ có thể là Vũ Yên. Chúng tôi liên lạc với nhau bằng vô tuyến điện. Trận Nghĩa Lộ lần đầu tiên bộ đội ta đánh tiêu diệt tiểu đoàn tăng cường của địch trong công sự vững chắc, trong hầm ngầm trên đồi cao và đã thắng lợi giòn giã. Ngay sau chiến thắng Nghĩa Lộ, tôi có gặp bộ đội và nói chuyện với đồng bào, thấy đồng bào phấn khởi, rất tin yêu Đảng, Bác Hồ, tin yêu bộ đội ta.

Tôi thưa với ông: 

- Nơi Căng và đồn Pú Chạng xưa đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, tới đây tỉnh và thị xã sẽ xây dựng Tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ, để mãi mãi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Yên Bái trong chiến dịch Tây Bắc. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất vui: 

- Tôi rất tin Nghĩa Lộ, Yên Bái sẽ phát triển trong tương lai, cho tôi gửi lời thăm hỏi đến các gia đình liệt sỹ, thương binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với Cách mạng và toàn thể đồng bào các dân tộc Nghĩa Lộ. Và chúc cho Nghĩa Lộ, Yên Bái tiến nhanh như miền xuôi!

Buổi gặp gỡ diễn ra tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại trong chúng tôi một niềm vui lớn, một ấn tượng sâu sắc. Trước phút chia tay, chúng tôi đã nói lên tình cảm, niềm tin yêu của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đối với Đại tướng và chúc Đại tướng dồi dào sức khỏe, sống lâu để tiếp tục góp sức cùng với Đảng, với đất nước trên con đường đổi mới. 

Rời phòng khách, ra khuôn viên nhà riêng Đại tướng ở số 30 - Hoàng Diệu, anh bạn cùng đi đọc lại bài thơ của Tào Mạt viết tặng Đại tướng. Người đã vui vẻ cùng nghe: 

lược VĂN tài loạn thế sinh
Khai Nguyên định Giáp quán trung tinh
Vi sư, vi tướng, vi nhân giả
Phát bạch, thanh tân lạc thái bình. 


Nhà văn Hà Lâm Kỳ (ghi)

Tags Chiến thắng Tây Bắc Võ Nguyên Giáp Hà Lâm Kỳ Nghĩa Lộ Yên Bái Âu Lâu

Các tin khác
Học sinh các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ tham quan dấu tích lô cốt của Pháp tại Khu Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ.

Chiến thắng Nghĩa Lộ đã mở toang cánh cửa để lực lượng của ta tiến vào Tây Bắc, tạo thế và đà cho Chiến dịch Tây Bắc toàn thắng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Góp phần làm nên chiến thắng ấy là những người dân hết lòng với cách mạng. Và trong cuộc sống hôm nay, với niềm tự hào về truyền thống lịch sử và tình yêu với mảnh đất này, họ tiếp tục góp sức vào xây dựng quê hương theo những cách riêng của mình.

Đồn Sơn Bục ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) bị quân ta tiêu diệt trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những giải phóng một vùng chiến lược, phần lớn đồng bào Tây Bắc thoát khỏi ách thống trị của giặc Pháp mà còn xóa bỏ sự uy hiếp của địch đối với căn cứ địa Việt Bắc từ phía Tây.

Đồn Nghĩa Lộ năm 1952.

Nghĩa Lộ là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng thuộc vùng cửa ngõ phía Đông đi vào vùng Tây Bắc của Tổ quốc, một địa danh không những có truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc đậm nét mà còn có truyền thống yêu nước và cách mạng.

Bộ đội xung kích đột phá đồn Pú Trạng trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952.

Tây Bắc có vị trí chiến lược đối với vùng Bắc Đông Dương, ở đây quân Pháp có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc, khống chế bên sườn, sau lưng và chia cắt giữa Việt Bắc với Liên khu 3, đồng thời che chở cho chúng ở Thượng Lào...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục