Nghĩa Lộ mở rộng vòng xòe cho hạnh phúc đơm hoa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/10/2022 | 2:07:49 PM

YênBái - Mường Lò - Nghĩa Lộ được biết đến là một trong bốn vựa lúa trù phú của miền Tây Bắc, năm 1948 bị thực dân Pháp chiếm lại và xây dựng trở thành một trong bốn phân khu quân sự mạnh nhất ở vùng Tây Bắc. Viên quan Tư chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ tuyên bố “Phải 5 năm nữa Việt Minh mới có khả năng đánh Nghĩa Lộ”.

Vòng xòe đêm hội Mường Lò
Vòng xòe đêm hội Mường Lò

Đầu năm 1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Phân khu Nghĩa Lộ là mục tiêu tấn công chủ yếu, là điểm đột phá mở cửa tiến vào giải phóng Tây Bắc. Đại đoàn 308 được giao trọng trách tiến công giải phóng Nghĩa Lộ, với quyết tâm "Trận đầu phải thắng! Đó là truyền thống của quân đội ta”, được quán triệt bài học quyết tâm từ Bác Hồ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ. 

Chiến dịch Tây Bắc mở màn ngày 14 tháng 10 năm 1952, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Đại đoàn 308 nhanh chóng tiến vào bao vây chặt và tiêu diệt gọn quân địch ở Nghĩa Lộ. Đúng 20h ngày 17/10, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Pú Chạng, bắt sống 177 tên địch, trong đó có viên quan Tư Ti-ri-ông. 

Đến 8h00 sáng ngày 18/10, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Nghĩa Lộ phố, giải phóng Nghĩa Lộ và đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ Sông Đà của địch, mở toang cửa ngõ vào Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng bào các dân tộc Nghĩa Lộ đã được hưởng độc lập, tự do. 

Bà Hà Thị Ngọc Lan - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh cho biết: "Chiến thắng trong Chiến dịch Tây Bắc mà thắng lợi mở màn của trận đột phá khẩu Nghĩa Lộ là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sức mạnh cả về ý chí, tinh thần và vật chất của một dân tộc khát khao độc lập, tự do, không cam chịu nô lệ. Chiến thắng là một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn nói riêng. 

Từ đây, đại đa số nhân dân các dân tộc Tây Bắc, trong đó nhân dân các dân tộc vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ được giải phóng hoàn toàn khỏi ách kìm kẹp của chế độ thực dân bao đời nay, làm thất bại âm mưu của địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, có ý nghĩa về chính trị, xã hội, quân sự, ảnh hưởng sâu rộng trong toàn tỉnh Yên Bái và các vùng lân cận”. 

Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến kể rằng: "Hồi ấy, vài nhà ở gần nhau, vui mâm cơm cùng nhau, rồi múa xòe cùng nhau mừng chiến thắng, mừng độc lập tự do. Những vòng xòe nhỏ bé thôi nhưng niềm vui trong trái tim mỗi người thì lớn lắm!”. 

70 năm sau chiến thắng Nghĩa Lộ, hôm nay, trên mảnh đất chiến trường xưa, vẫn là những vòng xòe tự ngày nào, nhưng đã trở thành những màn đại xòe trong những đêm hội rực rỡ, lộng lẫy, như một minh chứng rõ rệt cho những đổi thay lớn lao, cho những nỗ lực xây dựng và phát triển quê hương Nghĩa Lộ của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ cho cuộc sống mới trên mảnh đất này. 

Mới đây, đồng bào nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ nói riêng và Tây Bắc nói chung đã vinh dự, tự hào đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Vòng xòe trên mảnh đất này hôm nay rộng mở thật lớn, vươn tầm di sản, cũng là biểu hiện cho cuộc sống tươi vui ngay ngày hôm nay của nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ - Mường Lò. Niềm tự hào ấy vừa là động lực vừa thúc đẩy trách nhiệm địa phương biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cuộc sống mỗi ngày thêm tốt đẹp. 

Nghệ nhân Lò Văn Biến chia sẻ: "Giờ đây, trên quê hương này, không phải chỉ hội vui có xòe mà xòe đã trở thành hội vui, góp phần đưa địa danh Nghĩa Lộ - Mường Lò thành mảnh đất tươi đẹp, giàu bản sắc ngày càng được nhiều người nhắc đến, tìm về”. 

Trải qua 70 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ đảng viên và nhân dân Nghĩa Lộ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo xây dựng Nghĩa Lộ phát triển tạo diện mạo mới; quyết tâm xây dựng thị xã Nghĩa Lộ xứng đáng là trung tâm kinh tế - văn hóa phía Tây tỉnh Yên Bái. 



Thu Hạnh

Tags Mường Lò Nghĩa Lộ nghệ thuật xòe Thái Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến

Các tin khác

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022), sáng 14/10, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Tây Bắc 1952- Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu tham luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn tại Hội thảo!

Như tin đã đưa, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022), sáng 14/10, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Tây Bắc 1952- Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm” đã diễn ra trọng thể tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái. Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022), sáng 14/10, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Tây Bắc 1952- Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu chào mừng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tại Hội thảo!

Đoàn chủ tịch chủ trì Hội thảo.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022), sáng nay - 14/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức trọng thể Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục