Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được hơn 90 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, viện nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Yên Bái trao đổi với các nhân chứng lịch sử tại Hội thảo.
Mỗi tham luận đều đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể. Đặc biệt, các tham luận: "Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân” của Đại tướng Phan Văn Giang- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; "Chiến thắng Tây Bắc 1952-Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng” của Đại tướng Lương Cường- Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; "Chiến thắng Tây Bắc 1952- Bài học về công tác tham mưu chiến lược” của Thượng tướng Nguyễn Tân Cương- Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng… đã làm rõ tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh về quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc 1952 và lãnh đạo, chỉ đạo Chiến dịch thắng lợi.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 nhân chứng lịch sử tham luận tại Hội thảo
Các tham luận của Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương, Giám đốc Học viện Lục quân; Thiếu tướng, tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng Thái; đồng chí
Nguyễn Minh Tuấn- Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái… đã đi sâu nêu bật ý nghĩa của Chiến thắng Tây Bắc, tập trung ở điểm: ta đã phát huy quyền chủ động chiến lược của cuộc kháng chiến trên chiến trường chính Bắc Bộ, các lực lượng vũ trang nhân dân được tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương; âm mưu, thủ đoạn mở rộng chiếm đóng và lập "Xứ Thái tự trị” ở vùng Tây Bắc của thực dân Pháp để làm rõ thuận lợi, khó khăn khi tiến hành Chiến dịch; chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, khẳng định tầm nhìn chiến lược và tài thao lược của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc.
Thạc sĩ Đặng Thị Hồng Liên - Chủ nhiệm Khoa Khoa học xã hội, Đại học Tây Bắc tham luận tại Hội thảo
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức và thực hành tác chiến của các lực lượng vũ trang; vai trò của đảng bộ các địa phương và các lực lượng dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công; sự phối hợp của các chiến trường, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong chiến dịch Tây Bắc. Đồng thời làm sáng tỏ bước phát triển của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn- Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái tham luận tại Hội thảo
Đặc biệt, các tham luận đi sâu phân tích nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch. Đó là: nghệ thuật chọn hướng tiến công; nghệ thuật sử dụng lực lượng; nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch; nghệ thuật chọn mục tiêu chủ yếu, đánh trận then chốt; cách đánh sáng tạo được hình thành và phát triển trong suốt quá trình chiến dịch…
Trình bày tham luận tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã tham luận với chủ đề: "Phát huy tinh thần chiến thắng Tây Bắc, quyết tâm xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ".
Trải qua chặng đường 70 năm, kể từ Chiến thắng Tây Bắc, với quyết tâm, nỗ lực và sự năng động, chủ động, sáng tạo, đổi mới không ngừng, quê hương Yên Bái hôm nay đã thay da đổi thịt từng ngày; cuộc sống của đồng bào các dân tộc đã thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu; đến nay, đã thực sự làm chủ cuộc đời mới trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa vùng thấp và vùng cao, giữa đô thị và nông thôn.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Yên Bái chụp ảnh lưu niệm với các nhân chứng dự Hội thảo.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã và đang phát huy cao độ truyền thống anh hùng cách mạng, nỗ lực đổi mới, sáng tạo, triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội đề ra.
Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai đồng bộ 3 đột phá chiến lược, tạo cơ sở, nền tảng, động lực đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững; tập trung lãnh đạo triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng và tinh thần Chiến thắng Tây Bắc; Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo nhấn mạnh: Kết quả của Hội thảo góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Tây Bắc; đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để chúng ta vận dụng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh”, phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đức Toàn – Mạnh Cường