Hồi ức của phi công Mỹ khi đối đầu SAM-2 trên bầu trời miền Bắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/12/2022 | 2:17:13 PM

“Chúng tôi không ngờ họ có nhiều tên lửa đến thế”, phi công Richard Ellis của Mỹ nhớ lại lúc đối đầu với loạt tên lửa SAM-2 của Bộ đội Tên lửa Việt Nam.

"Nhìn B-52 bị bắn hạ giữa bầu trời đêm thật khó tả. Từ buồng lái của mình, tôi vẫn nghe được những tiếng nổ lớn. Có thể thấy rõ chiếc B-52 rơi xuống theo hình xoắn ốc, cảnh tưởng thật khủng khiếp", Thomas Cody, cựu đại úy, phi công không quân Mỹ, điều khiển máy bay F-105 tham gia chiến dịch Linebacker II (Điện Biên Phủ trên không), nhớ lại khoảnh khắc một chiếc B-52 bị bắn hạ trên bầu trời đêm miền Bắc tháng 12/1972.

Câu chuyện này được nhắc lại trong phim tài liệu "Khiêu vũ với tử thần” do xưởng phim Wings of Russia và kênh truyền hình Russia hợp tác sản xuất, từng được phát trên kênh VTV1 của Việt Nam và Russsia 1 của Nga.

Hàng nghìn tên lửa đất đối không SAM-2 do Liên Xô viện trợ cho Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia trận tuyến phòng không của thủ đô Hà Nội, ngăn cản cuộc tấn công của những chiếc máy bay ném bom B-52 hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ của không quân Mỹ. SAM-2 đã trở thành huyền thoại, ngay cả trong mắt của phi công Mỹ tham chiến tại Việt Nam. 


Biên đội F-4 Phantom II của không quân Mỹ thường bay thành tốp 4 chiếc cách nhau từ 60 - 70 m. Họ không hề biết rằng chính điều này đã giúp bộ đội tên lửa của Quân đội Việt Nam đánh thắng trận đầu. (Ảnh: The Aviation). 

Hồi ức của phi công Mỹ khi đối đầu SAM-2 trên bầu trời miền Bắc

Sáng 24/7/1965, từ căn cứ không quân Ubon, Thái Lan, một phi đội máy bay F-4 Phantom II của không quân Mỹ được giao nhiệm vụ yểm hộ phi đội máy bay xung kích khác ném bom một nhà máy quân sự ở miền Bắc Việt Nam. Bốn chiếc Phantom nối đuôi nhau bay theo hướng mục tiêu. Ba chiếc trong số đó đã không thể quay trở về căn cứ.

"Chúng tôi không ngờ họ có nhiều tên lửa đến thế, tất cả đều kinh ngạc”, Richard Ellis - cựu Đại úy, phi công không quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam năm 1965 - nhớ lại trong phim tài liệu "Khiêu vũ với tử thần”.

Richard Ellis là phi công điều khiển F-105 Thunderchief (biệt danh Thần sấm), chuyên làm nhiệm vụ hộ tống và tấn công mặt đất. Cựu phi công Mỹ đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy tên lửa đất đối không ở miền Bắc, bởi họ luôn được cấp trên phổ biến rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam không đủ khả năng vận hành hệ thống tên lửa phức tạp như SAM-2 (SA-75 Dvina). Nhưng họ đã nhầm, Richard Ellis cùng nhiều người khác trong phi đội của ông ấy đã phải thay đổi cách nhìn về hệ thống phòng không của Việt Nam. Họ cũng hiểu sát cánh cùng người lính phòng không Việt Nam có các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Richard Ellis thổ lộ thêm rằng, các phi công cao cấp trong cùng phi đội của ông, những người từng tham gia nhiều trận không chiến quy mô lớn ở chiến trường châu Âu trong Thế chiến thứ 2, cũng phải thốt lên tất cả tên lửa SAM-2 và pháo phòng không của ở miền Bắc "là những gì khủng khiếp nhất họ từng đối mặt". Richard Ellis cùng chiếc F-105 của mình bị pháo phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân bắn hạ không lâu sau đó.

"Trong thời gian diễn ra chiến dịch Linebacker II, chúng tôi tấn công bằng máy bay B-52 vào các mục tiêu ở Hà Nội và Hải Phòng. Trước đó, chúng tôi chưa bao giờ thực hiện các đợt không kích theo phi đội, nhưng Tổng thống Richard Nixon đã yêu cầu chúng tôi thực hiện hành động này để sớm đi tới kết thúc chiến tranh”, cựu đại úy không quân Mỹ Andrew Victoria, có nhiệm vụ điều khiển hệ thống vũ khí trên "pháo đài bay” B-52D, nói trong phim tài liệu phát sóng trên Russsia 1.

Andrew Victoria cùng các thành viên khác trên chiếc B-52D, khi tham gia những ngày đầu của Linebacker II (từ 18/12 đến 30/12/1972), biết rõ những chiếc B-52 khác bay cùng họ bị bắn hạ thế nào thông qua kênh liên lạc chung với trung tâm điều hành mặt đất. Họ nghe thấy mọi thứ về thất bại của không quân Mỹ.

Andrew Victoria quyết định tắt thiết bị liên lạc khi trung tâm điều hành cố gắng kết nối với một chiếc B-52D khác trong phi đội. Đáp lại tổng đài lúc đó chỉ là sự im lặng.

Tối 27/12/1972, bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam bắn hạ chiếc B-52 cuối cùng trong 12 ngày đêm của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không". Đây cũng là chiếc B-52 duy nhất rơi giữa lòng Hà Nội (phần thân của nó rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà; đuôi và cánh rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám gần đó).

Những thành công của 12 ngày đêm đó không phải bỗng dưng mà có.


Kể từ khi được đưa vào chiến đấu, tên lửa SAM-2 liên tiếp lập công trên bầu trời miền Bắc. (Ảnh: TTXVN). 

Chiến công đầu tiên của Bộ đội Tên lửa

Tháng 4/1965, nhóm chuyên gia Liên Xô đầu tiên cùng khí tài SAM-2 có mặt ở Hà Nội. Tại khu vực đồn điền Mỏ Chén (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội), một trung tâm huấn luyện vũ khí tên lửa hình thành với sự chỉ dẫn của các chuyên gia Liên Xô.

Trong "Hồi ức của chuyên gia Liên Xô trong chiến thắng của tên lửa Việt Nam", Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời Thiếu tá Todorashko Valentin Ivanovich thuộc nhóm chuyên gia tên lửa Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam (từ 16/4/1965 đến tháng 5/1966) cho hay, các chuyên gia Liên Xô bắt đầu huấn luyện cho bộ đội tên lửa Việt Nam từ ngày 1/5/1965. Trong vòng 3 tháng, học viên phải nắm hết chương trình (thông thường phải mất đến 6 tháng).

Các chuyên gia Xô Viết phải sống và huấn luyện bộ đội Việt Nam trong điều kiện bản thân họ chưa từng trải qua: Độ ẩm cao, nhiệt độ lên tới 35 đến 40 độ C. Ngoài ra, họ có nguy cơ mắc bệnh, nhiều tháng không nhận được thư và hồi âm từ gia đình. Tuy nhiên, họ vẫn đứng vững với thời gian huấn luyện 12 tiếng mỗi ngày.

Tháng 6/1965, nhằm hạn chế sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam, Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương quyết định đưa Bộ đội Tên lửa ra quân chiến đấu.

Ngày 20/7/1965, Trung đoàn tên lửa 236 (Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam) được lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa tại Chùa Ghề và Vô Khuy (khu vực Suối Hai, Trung Hà, Sơn Tây). Trận đánh đầu tiên của bộ đội tên lửa cũng do Trung đoàn 236 thực hiện. Thời khắc lịch sử đã điểm vào ngày 24/7/1965.

Đại tá Quách Hải Lượng, một trong những nhân chứng ngày lịch sử này, khi đó là Thượng uý, sĩ quan phiên dịch của Trung đoàn 236 chia sẻ: "Hôm đó là ngày trời rất đẹp. Sau thời gian dài căng thẳng chờ địch đến, chúng tôi bỗng trải qua cảm giác nhẹ nhõm, bình thản và rất tự tin...”

Cũng theo Đại tá Quách Hải Lượng, ngồi trên ghế chỉ huy trưởng trong trận đánh ngày 24/7 là chuyên gia Liên Xô, Đại tá Shigankov. Quyền Trung đoàn trưởng Trần Nhẫn ngồi sát bên cạnh, liền đó là Chính ủy Phạm Đăng Ty.

Ở các tiểu đoàn tên lửa, kíp chiến đấu tiểu đoàn 63 có Trung tá Mozhaev; Đại úy Nguyễn Văn Thân, kíp chiến đấu tiểu đoàn 64 có Thiếu tá Ilinykh; Đại úy Nguyễn Văn Ninh.

Khoảng 15h15, Sở Chỉ huy Trung đoàn 236 như bừng tỉnh sau tiếng hô to của Thượng úy Đào Xuân Chiểu: Phát hiện máy bay địch gồm 4 chiếc F-4 đang bay vào khu vực mục tiêu. Báo động, tất cả vào cấp 1 sẵn sàng chiến đấu... Đại tá Shigankov cầm chặt ống nghe nói, trực tiếp liên lạc và ra các khẩu lệnh chiến đấu... Thượng úy Lượng dịch theo, giọng to rõ ràng.

Đúng 15h25, 2 tiếng nổ xé trời, tiểu đoàn 63 đã phóng 2 quả đạn SAM-2 liên tiếp, cách nhau 6 giây. Liền sau đó lại có 2 tiếng nổ lớn của 2 quả đạn do tiểu đoàn 64 bắn tiếp.

Đúng lúc này, Đại tá Shigankov nhận được báo cáo của Trung tá Mozhaev: Đã tiêu diệt mục tiêu, tọa độ... Các tham số tọa độ mục tiêu rơi nhanh chóng được đánh dấu lên bản tiêu đồ. Vị trí chính xác máy bay rơi là ranh giới hai huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ).

Đây chính là chiếc máy bay thứ 400 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Vị trí rơi chính xác của chiếc máy bay này thuộc xã Võ Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ). Bộ đội và dân quân địa phương đã bắt sống giặc lái Đại úy, phi công Mỹ Richard P. Keirn khi nhảy dù xuống cánh rừng.

Nhớ lại chiến thắng đầu tiên của bộ đội tên lửa Việt Nam - chiều 24/7/1965, ông Todorashko cho biết, khi đó, tiểu đoàn triển khai tại Sơn Tây và phát hiện mục tiêu lớn là nhóm máy bay Mỹ. Tham gia phục kích trận này có tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 64. Thời điểm tác chiến, nhiệt độ trong cabin lên tới 60 độ C, ai cũng mồ hôi đầm đìa như tắm.

Theo ông Todorashko, tốp máy bay Mỹ 4 chiếc, bay cách nhau 60 - 70 m, trong khi phạm vi tấn công của đầu đạn tên lửa là 100 m. Khi cả tiểu đoàn 63 và 64 cùng phóng tên lửa, cả tốp máy bay bị diệt gọn. Ông cũng cho biết, chiến thuật của bộ đội tên lửa khi đó là phục kích bất ngờ và chiến thuật này đã đem lại hiệu quả rất cao, khiến các phi công Mỹ khiếp sợ.

Kết quả trận đánh đầu tiên, Bộ đội tên lửa đã tiêu diệt cả tốp bốn chiếc F-4 Mỹ, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ, bắt sống một phi công Mỹ. 24/7/1965 cũng trở thành ngày truyền thống vẻ vang của bộ đội tên lửa Việt Nam anh hùng.

Ra quân đánh thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa thật sự là chiến thắng có ý nghĩa to lớn, thể hiện nghệ thuật đặc sắc về sự vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không của Bộ đội Tên lửa phòng không. Chiến thắng trận đầu đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của Bộ đội Tên lửa trong việc tiếp tục nâng cao trình độ, nắm vững khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, khí tài, cùng với quân và dân miền Bắc quyết đánh bại không quân Mỹ.

Tuy nhiên, kẻ thù không chịu ngồi yên chịu thua. Chỉ vài tháng sau khi phát hiện bộ đội tên lửa đưa SAM-2 vào chiến đấu, quân đội Mỹ bắt đầu cho triển khai các biện pháp gây nhiễu hoặc chế áp điện tử để vô hiệu hóa hệ thống radar cảnh giới và dẫn bắn cho SAM-2.


Sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô đã giúp bộ đội tên lửa Việt Nam xây dựng đơn vị SAM-2 đầu tiên ngay trong năm 1965. (Ảnh: TTXVN/Bảo tàng không quân Mỹ). 

Cải tiến tên lửa SAM-2 đánh "pháo đài bay" B-52

Tên lửa SAM-2 có tầm tấn công hiệu hiệu quả ở cự ly tới 30 km, độ cao đánh chặn trong khoảng từ 450 m đến 25.000 m. Còn trần bay hoạt động của máy bay ném bom B-52 là 15.000 m, thiết kế ban đầu của SAM-2 hoàn toàn đủ khả năng đánh chặn B-52. Vì thế, những giai thoại về SAM-2 ở Việt Nam được nối tầng để đánh B-52 là không có cơ sở. 

Thế nhưng, việc cải tiến SAM-2 để có thể đánh B-52 là có thật, bởi mẫu tên lửa này vẫn có một số hạn chế về kỹ thuật và không quân Mỹ biết rõ điều này. Bằng chứng là họ nhanh chóng đưa ra các biện pháp chế áp, gây nhiễu hệ thống radar của SAM-2 trước hoặc trong các đợt không kích.

Để đánh được máy bay B-52, từ năm 1967 đến 1972, tên lửa SAM-2 đã được cải tiến 5 lần. Tuy hình dáng bên ngoài của tên lửa không thay đổi nhưng các khối điện tử bên trong khí tài đã được cải tiến, đặc biệt là khả năng chống nhiễu điện tử. Trong điều kiện vừa phải giữ bí mật tuyệt đối để gây bất ngờ cho không quân Mỹ, vừa phải duy trì lực lượng chiến đấu thường xuyên, nên việc cải tiến phải làm theo kiểu "cuốn chiếu", chia làm nhiều đợt.

Đạn tên lửa trong tổ hợp SAM-2 là tổng thành của nhiều yếu tố như: Cơ khí chính xác, khí động học, điều khiển điện tử... Toàn bộ thành phần của đạn đều được tính toán và thử nghiệm bảo đảm khả năng hoạt động tối ưu và chính xác. Việc can thiệp vào phần cứng của đạn sẽ làm thay đổi trọng tâm, hình dáng khí động và thuật phóng điều khiển của đạn. Cải tiến đầu đạn tên lửa được tiến hành đồng thời với việc cải tiến giá phóng, thiết bị điện tử điều khiển và thuật phóng.

Các kỹ sư Việt Nam cùng chuyên gia Liên Xô đã nghiên cứu, thay đổi tần số điều khiển rãnh đạn làm cho tên lửa không bị gây nhiễu bởi các thiết bị đối kháng điện tử chủ động và thụ động của đối phương.

Chỉ tính riêng từ tháng 11/1971 đến tháng 4/1972, trước yêu cầu cấp thiết nhằm đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta của đế quốc Mỹ, các kỹ sư Việt Nam phối hợp với chuyên gia Liên Xô đã cải tiến được 53 bộ khí tài tên lửa, gần 300 bệ phóng và hàng trăm quả tên lửa, khôi phục hơn 2.700 khối máy các loại…

Cùng việc cải tiến tên lửa SAM-2, Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật của Quân chủng Phòng không - Không quân đã tiến hành nghiên cứu cải tiến radar K8-60 để truyền phần tử mục tiêu cho tên lửa SAM-2. K8-60 vốn là radar dùng cho pháo phòng không 57mm, làm việc ở dải sóng 3 cm, không bị máy bay B-52 gây nhiễu và cũng tránh việc trận địa tên lửa bị các tên lửa chống bức xạ AGM-45 Shrike (chống radar) tấn công.

Trong cách đánh chống đạn tên lửa đi dọc đường gặp bẫy nhiễu tự kích nổ, kíp chiến đấu SAM-2 của ta đánh bằng ngòi nổ 11 giây chậm, tức là khi cách mục tiêu 2-3 km thì mới bật ngòi nổ. Bởi vì, đội hình tiêm kích F-4 Phantom II bay hộ tống trước máy bay B-52 khi vào vùng đánh phá sẽ chủ động thả nhiễu tiêu cực chống radar và tên lửa bắn lên. Nếu đạn tên lửa bật ngòi nổ ngay sau khi phóng nếu gặp bẫy nhiễu sẽ phát nổ trước khi đánh vào B-52.

Sau này, khi biết một trong những cách mà bộ đội Việt Nam đã "vít cổ" được B-52 trong màn nhiễu dày đặc, những sĩ quan sừng sỏ của không quân Mỹ đã phải "chắp tay bái phục" các cán bộ kỹ thuật quân sự Việt Nam.

Sự sáng tạo đó đã góp phần làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12/1972. Trong đó, tên lửa SAM-2 đã bắn rơi 27 trong tổng số 34 máy bay B-52 của không quân Mỹ.

Video: Sự thật về chuyện thiếu tên lửa bắn B-52 trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" (Nguồn: Quốc phòng Việt Nam)

SAM-2 (tên lửa đất đối không kiểu 2) là tên gọi mà các quốc gia phương Tây đặt cho loại tên lửa S-75 Dvina do Cục thiết kế Lavochkin OKB phát triển dựa trên yêu cầu của quân đội Liên Xô. Tên lửa SAM-2 có tầm tấn công hiệu quả ở cự ly tới 30 km, tầm hoạt động tối thiểu 8 km, độ cao đánh chặn trong khoảng từ 450 m đến 25.000 m.

Đạn tên lửa của SAM-2 sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn; động cơ hành trình sử dụng nhiên liệu tên lửa lỏng để duy trì quỹ đạo bay. Đường kính tầng 1 là 0,65 m, đường kính tầng sau tên lửa là 0,5 m. Tổng trọng lượng phóng là 2.287 kg . Cả tên lửa và bệ phóng SAM-2 dài 10,6 m.

Đầu đạn của SAM-2 là loại tạo mảnh (gần 10.000 mảnh), chứa 200kg thuốc nổ có tốc độ bay đạt Mach 3 (3.675 km/h). Bán kính tiêu diệt mục tiêu của đầu đạn tên lửa V-750V trong khoảng từ 65 m đến 250 m tùy thuộc vào trần bay của mục tiêu.

(Theo VTC)

Các tin khác
Tập 1 mang tên Bầu trời của đạn bom, tái hiện bầu không khí lịch sử của những ngày cuối năm 1972.

Phim tài liệu "Trời Hà Nội xanh" tái hiện lại 12 ngày đêm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không qua những góc nhìn mới. Đạo diễn chọn cách kể bằng chính câu chuyện của nhân chứng lịch sử.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh máy bay B-52 năm 1972.

Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam, lập nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” hào hùng, vang dội, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị phương án đánh B-52 năm 1972. Ảnh tư liệu

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong công tác chuẩn bị, thực hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972, quân và dân ta bước vào trận quyết chiến chiến lược với lực lượng không quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ trong tâm thể chủ động và tự tin.

Nhà báo Phạm Việt Tùng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời chụp ảnh chung sau khi bức ảnh máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp được công bố. (Ảnh tư liệu)

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng huyền thoại Chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm đánh thắng B52 vẫn sáng ngời trong tâm thức mỗi người con đất Việt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục