kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 - 18/12/2022)

Chúng tôi tổ chức trận địa bắn máy bay tầm thấp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/12/2022 | 2:03:43 PM

YênBái - Ông Nguyễn Huy Hảo là cán bộ tiền khởi nghĩa và cựu chiến binh đã trực tiếp sát cánh cùng đồng chí, đồng đội tham gia chiến đấu với không quân Mỹ khi chúng điên cuồng bắn phá mảnh đất Yên Bái, đặc biệt trong Chiến dịch Linebacker II của Hoa Kỳ, từ ngày 18 tháng 12 đến ngày 30 tháng 12 năm 1972.

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Hảo - cán bộ tiền khởi nghĩa.
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Hảo - cán bộ tiền khởi nghĩa.

Đảm trách chức vụ Trưởng ban Quân lực Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái từ năm 1965 đến năm 1974, Trung tá Nguyễn Huy Hảo thực hiện rất nhiều nhiệm vụ trên giao. trong nhiều câu chuyện ông kể với chúng tôi như: Công binh xưởng ở Yên Bình sản xuất và sửa chữa vũ khí trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn; những lần ông dẫn đường cho bộ đội ta vượt đèo Khế sang Yên Bái để lên Tây Bắc đánh nhau với thực dân Pháp; câu chuyện ông và các đồng chí của mình tổ chức xây dựng trận địa bắn máy bay tầm thấp cho du kích các xã dọc sông Hồng đã khiến chúng tôi tự hào, xúc động với chiến công của lớp cha anh đi trước. 

"Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” khẩu hiệu đã biến thành hành động trong mỗi cơ quan, đơn vị, từng người dân và mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Yên Bái. Trên mảnh đất Yên Bái, suốt những năm 1965 - 1968, máy bay Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại nhà cửa, công trình, đường sá. 

Quân và dân Yên Bái đã ngoan cường chống trả, nhiều ‘Thần sấm”, "Con ma” đã phải bỏ xác ngay trên mảnh đất này. Tuy vậy, giặc Mỹ với vũ khí tối tân tiếp tục gây thêm tội ác, chúng ngày đêm ném bom thị xã Yên Bái, Nhà máy Z183, công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà và tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai. 

Qua nắm tình hình,  ta nhận thấy, tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai là mục tiêu mà không quân Mỹ tập trung bắn phá có chiều dài hàng chục ki-lô-mét. Nhiều vị trí chúng ta không bố trí tập trung hỏa lực để đánh trả nên phi công Mỹ có tâm lý chủ quan, thường xuyên cho máy bay bay khá thấp để quan sát mục tiêu bằng mắt thường (nhà ga, cầu, những chuyến tàu chở hàng quốc phòng phủ bạt), từ đó thực hiện ném bom nhằm nâng cao độ chính xác. 

Từ thực tiễn này, chủ trương xây dựng trận địa phòng không, bắn máy bay tầm thấp được đưa ra. Tập thể cán bộ, sĩ quan tập trung nghiên cứu cách đánh, bố trí lực lượng sao cho an toàn và hiệu quả nhất, đặc biệt là khắc phục được những hạn chế của vũ khí trang bị và phương án hiệp đồng giữa các tổ, đội dân quân du kích được nghiên cứu và bàn thỏa kỹ lưỡng. 

Quyết định được đưa ra, theo đó hơn 20 tổ đội du kích, trang bị các loại súng đại liên, trung liên, nhiều nhất là súng trường K44, lựa chọn những ngọn đồi cao, dọc sông Hồng từ Minh Quân (Trấn Yên) đến Lang Thíp (Văn Yên), đảm bảo không gian quan sát rộng để xây dựng trận địa. 

Lựa chọn xong địa điểm, lãnh đạo chỉ huy Tỉnh đội Yên Bái cử cán bộ về các địa phương tuyển lựa lực lượng và tổ chức huấn luyện. Thời điểm ấy khó khăn trăm bề, đặc biệt là việc đi lại nhưng cán bộ, chiến sĩ, nhất là dân quân du kích các xã rất hăng say luyện tập. 

Do không có thông tin liên lạc nên phương án hiệp đồng được đưa ra chỉ đơn giản, cứ thấy đơn vị bạn nổ súng là mình nổ súng, hướng bắn về phía máy bay địch theo kỹ, chiến thuật đã được huấn luyện; huấn luyện xong là tổ chức ứng trực 24/24 giờ, chờ địch đến là đánh. Ý chí của quân và dân ta lên rất cao, đặc biệt sau chiến công bắn rơi chiếc máy bay thứ 800, quân và dân Yên Bái được Bác Hồ gửi thư khen. 

Và rồi những chiếc F105 của không quân Mỹ đã lọt vào trận địa phòng không của du kích địa phương, lưới lửa tuy khá thưa, chỉ là những loạt đạn 12,7 và những phát đạn từ những khẩu súng trường thô sơ K44 nhưng lại rất bén đã hạ gục những phương tiện khí tài tân tiến nhất của quân đội nhà nghề Mỹ. Chiến công du kích Yên Bái bắn hạ máy bay Mỹ làm nức lòng quân và dân ta, qua đó càng củng cố thêm ý chí và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

50 năm sau, Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không và những ngày gian khó ăn cơm nắm, uống nước lần, tổ chức huấn luyện và chiến đấu với giặc Mỹ trên các ụ phòng không năm nào đã trở thành một phần của lịch sử lực lượng vũ trang Yên Bái. 

Các đồng chí, đồng đội đánh Mỹ ngày ấy giờ người mất, người còn, nhưng bài học kinh nghiệm về tổ chức bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh của dân quân tự vệ vẫn còn nguyên giá trị trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước, đặc biệt là nhiệm vụ sẵn sàng phòng tránh - đánh trả địch tấn công đường không bằng vũ khí công nghệ cao.

Lê Đình

Tags Chiến thắng Hà Nội Điện Biên Phủ trên không Yên Bái

Các tin khác
Các bạn trẻ thăm quan gian trưng bày những hiện vật lịch sử tỉnh Yên Bái giai đoạn chống Mỹ cứu nước tại Bảo tàng tỉnh.

Một sớm mùa đông, tôi tìm đến Bảo tàng Yên Bái - nơi trưng bày những hiện vật và tư liệu lịch sử về mảnh đất con người Yên Bái, nơi tôi sinh ra, lớn lên và nguyện gắn bó cả cuộc đời mình.

Trung tướng, phi công Phạm Tuân (người thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Sân bay Yên Bái.

Một trong những chiến công trên mặt trận chiến đấu trên không đã đi vào lịch sử của không quân nhân dân Việt Nam, đó là ngày 27/12/1972, từ Sân bay Yên Bái, phi công Phạm Tuân đã thực hiện chuyến bay chiến lược, xuất kích chiến đấu bắn rơi pháo đài bay B.52 của Mỹ trong Chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Cục Văn hóa cơ sở trao giải Nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động cho tác giả Phạm Ngọc Mạnh, Báo Phụ nữ Việt Nam.

Chiều 14/12, tại khu vực quảng trường Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức khai mạc triển lãm tranh cổ động tấm lớn và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (18/12/1972 - 18/12/2022).

Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không.

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc đã tổ chức chiến dịch phòng không quy mô lớn vào những ngày cuối tháng 12/1972, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục