Ngã ba Cò Nòi - "túi bom" trên cung đường lên chiến dịch Điện Biên Phủ

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/4/2024 | 11:26:30 AM

YênBái - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. Chính vì vậy, ngã ba Cò Nòi đã trở thành "túi bom”, một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không lực Pháp trên địa bàn Sơn La trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã trở thành địa chỉ đỏ, biểu tượng tinh thần quả cảm của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.

Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Trọng điểm đánh phá của thực dân Pháp

Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa quốc lộ 37 và quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Nơi đây 70 năm về trước, thực dân Pháp xác định đây là "yết hầu”, "tử huyệt” của tuyến cung cấp hậu cần chiến dịch của Việt Minh và ra lệnh cho không quân Pháp ở Đông Dương bằng mọi cách phải biến Ngã ba Cò Nòi - Sơn La "thành bãi lầy”. 

Từ tháng 1/1954, nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của thực dân Pháp. Trung bình mỗi ngày đêm diễn ra hàng chục cuộc đánh phá, có ngày chúng ném tới 69 tấn bom đạn, trên mọi tuyến đường, mọi nơi đóng, trú quân của ta hòng quét sạch sinh lực đối phương. Chúng cùng một lúc ném đồng thời các loại bom phá, bom nổ chậm, bom na pan, bom bươm bướm nhằm gây sát thương cao nhất, hòng bóp chết tinh thần và ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Các con đường tới đây đều biến mất dưới những hố bom, kể cả những đồi núi chung quanh cũng bị bom "gọt" chỉ còn màu đất đỏ…

Ngã ba Cò Nòi từng  là trọng điểm đánh phá của thực dân Pháp trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Với quyết tâm đến cùng bảo vệ thông suốt tuyến đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến, hàng chục vạn bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong ở khắp các địa phương đều tập trung nối đường, chiến đấu bảo vệ điểm nút ngã ba trọng điểm này. Đã có hơn 18.200 lượt thanh niên xung phong phục vụ thường xuyên cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó thường trực tại điểm Ngã ba Cò Nòi khoảng 1.000 đội viên thuộc các đơn vị C293, C300 thuộc Đội 34; C403, C406, 408 thuộc Đội 40. 

Ông Lò Văn Pom là dân quân du kích tại Ngã ba Cò Nòi (giai đoạn 1952-1954), trực tiếp làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội, thanh niên sơ tán vào các thung lũng để tránh bom, hồi tưởng: "Những tháng bắt đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi không một ngày nào vắng bom oanh tạc. Máy bay địch rải bom theo đợt, từ 6h đến 17h. Cứ vài tiếng lại một tốp bay đến ném bom. Máy bay rải bom từ bản Cò Nòi lên đến quanh khu vực ngã ba đường. Rừng bao quanh ngã ba Cò Nòi trọc như nương vừa mới bị cày. Mỗi ngày có hàng trăm hố bom, lượt bom trước chưa kịp lấp thì lượt sau đã ập tới”.

Cũng theo ông Pom, trung bình cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần, có ngày khoảng 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm đã dội xuống Ngã ba Cò Nòi. Quá trình phục vụ Chiến dịch đã có hơn 100 thanh niên xung phong thuộc hai Đội 34 và 40, cùng nhiều người dân địa phương hy sinh anh dũng tại "túi bom” này,  góp phần viết nên khúc tráng ca bất diệt cho thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. Chính vì vậy, ngã ba Cò Nòi đã trở thành "túi bom”, một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không lực Pháp trên địa bàn Sơn La. Chúng cho rằng việc ngăn chặn và cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ là vấn đề sống còn của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn đáp nghĩa”, để đời đời tri ân các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã chiến đấu, hy sinh, năm 2000, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn với tổng diện tích 20.000 m2. Ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi được khánh thành và đưa vào sử dụng, trong đó cụm tượng đài được xây dựng với nhóm tượng 3 nam thanh niên xung phong ở tư thế khác nhau. Cùng với tượng đài là hai bức phù điêu thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận chiến đấu chống thực dân Pháp. 

Năm 2004, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã trở thành địa chỉ đỏ, biểu tượng tinh thần quả cảm của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam; là một điểm đến quen thuộc của nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch hướng về cội nguồn "Qua miền Tây Bắc”.

Để tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, năm 2020, tỉnh Sơn La, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đã triển khai xây dựng Khu tưởng niệm tâm linh thuộc Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi trên diện tích hơn 10 ha, với tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng. 

Đến nay, Khu tưởng niệm tâm linh đã hoàn thành giai đoạn I. Công trình này cùng với Đài tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong làm nên quần thể Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi là nơi về lại chiến trường xưa của những người đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Ngã ba Cò Nòi và Chiến dịch Điện Biên Phủ; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Sau khi khánh thành giai đoạn I, Dự án tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi sẽ được tiếp tục thực hiện giai đoạn II (2021 - 2025) với các hạng mục như: hạ tầng giao thông nội bộ; hạ tầng kỹ thuật toàn khu di tích; tu bổ, cải tạo khu tượng đài; cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày; khu công viên chứng tích...


Tác giả - nhà báo Dương Hoài Văn (Báo Yên Bái) bên tượng đài liệt sỹ thanh niên xung phong trong quần thể di tích Ngã ba Cò Nòi.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ngã ba Cò Nòi sẽ mãi là chứng nhân lịch sử của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc xã Cò Nòi nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, viết tiếp những bản hùng ca trong thời bình.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trên cung đường dẫn về Tây Bắc, rất nhiều đoàn du khách thường dừng chân ở ngã ba Cò Nòi để thắp hương, tưởng nhớ công lao của các cựu thanh niên xung phong đã ngã xuống vì Tổ quốc. 

Văn Dương

Tags Cò Nòi Sơn La Mai Sơn Điện Biên Phủ chiến dịch 70 năm chiến thắng di tích lịch sử

Các tin khác
Bếp Hoàng Cầm nằm sâu trong Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trước sự áp đảo về phương tiện và vũ khí chiến tranh của địch, “bí mật” là phương châm hàng đầu của quân đội ta, được quán triệt tuyệt đối ngay từ công tác hậu cần. Trước bom đạn của kẻ thù, chiếc bếp Hoàng Cầm giản dị đã phát huy hiệu quả thực tế, góp phần bảo đảm sức khỏe cho bộ đội ta chiến đấu và chiến thắng.

Trận địa hào được xây dựng vào ban đêm, ngụy trang rất kỹ và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận nên đã phân tán được sự đánh phá của quân Pháp. Trong ảnh: Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đêm 17/4/1954, ba mũi chiến hào của Trung đoàn 36 đã vây bọc kín cứ điểm 206 - nằm ở phía Bắc sân bay Mường Thanh, là một trong những cứ điểm quan trọng của địch.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ký ức Điện Biên...". Chương trình diễn ra vào 20h tối 4-5-2024 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thắp hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng

Về Mường Phăng - nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ và nhân dân Mường Phăng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục