Mặc dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Biết được ý định của chúng tôi, ông trang trọng thay bộ quần áo thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa với những huân, huy chương về thành tích mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng. Ông là Bùi Hồng Vân, 94 tuổi ở tổ 5, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ, là 1 trong 2 nhân vật tiêu biểu của Hội Cựu TNXP tỉnh Yên Bái được dự buổi gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Hà Nội vào ngày 23/4 vừa qua.
Ông kể, ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Nam. 22 tuổi (năm 1952) nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tham gia TNXP, được biên chế vào đơn vị 40 TNXP. Với nhiệm vụ đào hào vận chuyển quân lương, san lấp hố bom đảm bảo cho giao thông thông suốt. Công việc đều là bí mật, ăn núi, ngủ rừng, nhiều lúc vừa san lấp hố bom nhưng đồng đội bị thương, đơn vị ông lại đảm nhận thêm việc sơ cứu, vận chuyển thương binh...
Ông Vân nhớ lại: "Mình đào thì địch phá, địch phá thì mình lại tiếp tục đào. Chúng tôi chia ca, trung đội này đào thì trung đội kia nghỉ, cứ thế liên tục mà đào. Tất cả diễn ra trong không khí khẩn trương, nghiêm túc vì chỉ cần sơ suất một chút là có thể làm địch phát hiện là cả trung đội coi như bị xóa sổ. Một đêm đầu năm 1954, chúng tôi thấy rất nhiều bộ đội kéo pháo đến, lần đầu tiên thấy khẩu pháo, lòng tôi rộn ràng đến lạ. Khí thế làm việc của mọi người vì vậy mà hăng hái hơn, trong lòng ai cũng thấy tự hào vì đã góp sức mình cho tiền tuyến”.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông Vân được cử đi học và làm Trưởng phòng Kế hoạch huyện Mù Cang Chải; đến năm 1985, ông nghỉ hưu, sinh sống tại tổ 5, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ. Dù chỉ 2 năm (1952 - 1954) cùng lực lượng TNXP tham gia trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng những ký ức hào hùng với đồng đội, với quân và dân cả nước luôn khắc ghi trong ông.
Ông Vân lấy đó làm niềm tự hào để dạy bảo con cháu noi gương cha ông nỗ lực học tập, lao động xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Giờ đây đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng mỗi khi nhắc về ông, 10 người con cùng với hơn 50 cháu chắt đều tự hào và hãnh diện về người cụ, người ông, người cha của mình.
Với ông Lê Văn Chiến ở tổ 6, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ - Trưởng ban Liên lạc Chiến sĩ Điện Biên thị xã Nghĩa Lộ - cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cũng không thể nào quên những năm tháng hào hùng đó. 91 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng nhưng ông Chiến vẫn còn nhớ lắm khi kể về những năm tháng chinh chiến đã qua của cuộc đời mình, cũng là những năm tháng oai hùng của dân tộc mà ông vinh dự được có mặt trong đoàn quân làm nên chiến thắng lịch sử. Giọng nói của ông Chiến vẫn hào sảng, rành rọt và đầy tự hào, xúc động mỗi khi nhắc đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại vùng đất Điện Biên.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Thanh Hóa. Năm 1951, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Lê Văn Chiến xung phong vào bộ đội. Ngày 1/6/1951, Lê Văn Chiến đã có tên trong danh sách và được biên chế vào Đại đội 59, Sư đoàn 304. Những năm tháng băng rừng vượt núi tham gia các trận đánh ở Mường Thanh và Hồng Cúm…, biết bao khó khăn gian khổ, song lòng kiên trung với Tổ quốc đã giúp ông và đồng đội vững vàng trên trận tuyến.
Ông Chiến cho biết: "Trận đánh của Đại đội tôi ác liệt nhất là ngày 12/3/1954, với 2 tiểu đoàn của Pháp được trang bị đầy đủ xe tăng, trực thăng, pháo bắn cấp tập vào trận địa, trong khi bên ta chỉ có duy nhất 1 đại đội, anh em phải đào công sự suốt đêm… Có công sự hỗ trợ nên địch xông vào ta lại đánh bạt ra, hai bên giằng co nhau quyết liệt. Đại đội của tôi đã có người bị thương, người bị hy sinh. Trận này, tôi bị sức ép của pháo bất tỉnh ngay. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở Trạm xá tiền phương, người không bị sây xát chỗ nào. Sau 1 tuần điều trị, tôi quay lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu.
Lúc này, chiến trường ngày một ác liệt hơn, đồng đội của tôi và các đơn vị khác thương vong, hy sinh nhiều; có những đại đội buổi sáng còn đủ quân số nhưng đến hôm sau chỉ còn lại một nửa nhưng tất cả những người lính quyết không lùi bước. Tôi may mắn được trực tiếp tham gia gần 20 trận đánh lớn nhỏ cùng với đơn vị và các lực lượng khác; được góp một phần công sức bé nhỏ của mình làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - đó là dấu mốc lịch sử mà mỗi người lính chúng tôi luôn tự hào”.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Chiến chuyển ngành qua rất nhiều vị trí công tác; đến tháng 12 năm 1983, ông nghỉ hưu ở cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải.
35 năm công tác, trên 10 năm tham gia trong quân đội, hiện sinh sống tại tổ 6, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, được cấp ủy tín nhiệm, ông Chiến tiếp tục tham gia và làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Liên lạc Chiến sĩ Điện Biên thị xã Nghĩa Lộ. Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Chiến luôn nhắc nhở con cháu và thế hệ trẻ tiếp tục noi gương, phát huy khí chất của cha ông để học tập, rèn luyện xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mảnh đất Cò Nòi, Mường Thanh, Hồng Cúm, cứ điểm đồi A1… ghi dấu những trận đánh ác liệt năm xưa với chi chít những hố bom, nay đã trở thành địa chỉ đỏ. Nơi đó, hàng trăm TNXP, những người lính đã từng hy sinh cho mạch máu giao thông thông suốt, cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử toàn thắng, "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trong đó có những đồng đội của ông Vân, ông Chiến. Những hy sinh ấy luôn được Đảng, Nhà nước, lớp lớp thế hệ hôm nay tri ân, khắc ghi, bồi đắp lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Thanh Tân