Du xuân trên đất Ngọc
- Cập nhật: Thứ ba, 17/2/2015 | 8:39:57 AM
YBĐT - Mùa xuân về với vùng đất ngọc, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội tham dự lễ hội đền Đại Cại, xem lễ hội chọi trâu, du ngoạn cảnh đẹp của vùng quê phố núi và đi chợ đá quý nằm ngay ở trung tâm thị trấn Yên Thế để xem và mua cho mình, cho người thân những viên ngọc đủ màu sắc.
Lễ hội đền Đại Cại.
(Ảnh: Đức Toàn)
|
Năm mới về vùng đất ngọc, trước khi tham dự lễ hội đền Đại Cại, du khách được xem lễ hội chọi trâu diễn ra trong ngày 14 và 15 tháng Giêng. Đồng chí Lý Đạt Lam - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết về những nét mới của lễ hội chọi trâu năm nay: “Lễ hội chọi trâu huyện Lục Yên lần thứ VI năm 2015, ngoài số trâu ở các xã, thị trấn trong huyện và tỉnh Yên Bái tham gia, Ban tổ chức còn mời một số người dân có trâu chọi ở huyện Bắc Quang (Hà Giang), huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) tham gia. Từ ngày 10/01/2015, Ban tổ chức đã mời 62 “ông trâu” ở các nơi về đấu vòng loại tại Sân vận động huyện để chọn ra 32 “ông trâu” tham dự vòng chung kết, tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng Giêng năm Ất Mùi 2015”.
Hội chọi trâu Lục Yên.
Thông thường, lễ hội chọi trâu những năm trước, có 32 “ông trâu” từ các xã, thị trấn trong huyện vào thi đấu vòng chung kết phải vượt qua vòng loại khắt khe, được chia thành 16 cặp, đấu loại trực tiếp để vào thi đấu vòng tứ kết, bán kết và trận chung kết vào sáng ngày 15 tháng Giêng. Lễ hội chọi trâu huyện Lục Yên được khôi phục, tổ chức hàng năm để biểu dương và khơi dậy lòng tự hào, tinh thần yêu nước, hăng say lao động và tinh thần thượng võ của người dân đất ngọc.
Sau khi lễ hội chọi trâu kết thúc, chiều ngày 15 tháng Giêng, du khách trở lại Tân Lĩnh để dự lễ hội đền Đại Cại. Đền nằm dưới chân núi Vua áo đen, bên phải là sông Chảy, trước mặt là suối Đại Cại. Tương truyền, đền được xây dựng cách đây trên 300 năm, thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh - một nữ tướng văn võ song toàn dưới thời hậu Lê. Bà được triều đình phong chức Tổng binh, sau này được nhà vua phong sắc nữ tướng. Bà là người đắp lũy xây thành chống giặc nhà Mạc và cũng là người lập ra chợ cho nhân dân vùng này. Đền có kiến trúc đẹp, có đủ đồ thờ tự, ngai thờ sơn son thếp vàng. Đặc biệt, những tảng đá kê cột đình, cột đền được chạm trổ mặt trăng, hoa sen, lá đề; có chiêng đồng, có sắc phong của Vua Cảnh Phong và Vua Tự Đức. Năm 2001, đền được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Hàng năm, cứ vào ngày 15 và 16 tháng Giêng, huyện tổ chức Lễ hội đền Đại Cại.
Lễ rước Bà chúa quân lương Vũ Thị Ngọc Anh và lễ dâng hương được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đoàn rước theo đường thủy ngòi Lăn rồi xuôi sông Chảy, tiếp theo đi đường bộ vào sân đình làm lễ, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi... Cùng với phần lễ, du khách được tham dự phần hội gắn với sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc nơi đây như: các bài hát, làn điệu dân ca Tày, Nùng, Dao... do các diễn viên không chuyên nghiệp biểu diễn; xem thi đấu các môn đua thuyền, bắn nỏ, đánh quay, kéo co...
Tiếp đó, du khách đến xã Tô Mậu liền kề Tân Lĩnh để ngắm cảnh đẹp lạ kỳ của suối Tiên, ngôi Miếu Tiên nằm dưới chân núi Thắm, bên dòng sông Chảy. Nước suối trong vắt, nhìn rõ những hòn đá sỏi với nhiều hình thù khác nhau được bào mòn qua thời gian do sức nước. Đứng bên dòng suối, ngắm phong lan tím, mẫu đơn trắng, hoa dẻ vàng... ai cũng có cảm giác như mình đang lạc vào mê cung.
Chuyện kể rằng, Ngọc Hoàng cho con gái là nàng tiên áo vàng xuống đây để hướng dẫn nông dân cày cấy, cứu dân khi gặp hoạn nạn. Người dân ở đây thường quen gọi nàng là Nàng thứ lương Pắc Thắm, nghĩa là nàng tiên áo vàng cửa Thắm. Tiên nữ thường hay đi dạo chơi bên hồ nước và bầy vượn trắng lại hái hoa, quả trên núi cao dâng tặng. Mến yêu bầy vượn, tiên nữ đã ban tặng cho chúng một loại thuốc trường sinh và không bao giờ bị loài người săn bắt.
Cũng từ đó, người ta gọi nơi đây là Tô Mậu, có nghĩa là Mẹ áo vàng để thờ tiên nữ. Đầu năm mới, vào ngày mùng Một, ngày rằm, nhân dân quanh vùng lại về đây dâng hương, hoa, quả, cầu xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc... Đến suối Tiên, du khách được đồng bào Tày, Nùng, Cao Lan ở Làng văn hóa Suối Tiên dẫn đi tham quan suối Tiên, thắp hương Miếu Tiên rồi mời khách về nhà thưởng thức các món ăn đặc sắc của vùng quê núi như: thịt gà trống thiến, thịt trâu sấy khô, thịt lợn hun khói, bánh chưng, bánh nẳng, bánh khảo... và mời “kin lẩu” (uống rượu) do người dân tự nấu, cất ủ.
Mùa xuân về với vùng đất ngọc, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội đi chợ đá quý nằm ngay ở trung tâm thị trấn Yên Thế để xem và mua cho mình, cho người thân những viên ngọc đủ màu sắc. Cứ 7 giờ sáng là nhân dân các xã đổ về chợ đá quý. Mỗi người mang theo chiếc bàn, ghế nhỏ và túi đựng đá quý, ít thì vài chục triệu đồng, nhiều là vài trăm triệu đồng và cũng có cả cỡ tiền tỷ. Đá quý đa sắc màu đã được người bán bày cho khách xem: ruby hồng ngọc, bích ngọc, vàng chanh, vàng rơm, xanh đen, đen... đều có nhưng đắt và quý nhất vẫn là ruby đỏ.
Chị Phạm Thị Hồng, người buôn bán đá quý ở chợ này đã gần 20 năm cho biết: “Những viên ruby đỏ mà các anh xem mọi người bày bán ở đây cũng chỉ là hàng trung bình, hơn 10 triệu đồng hoặc vài chục triệu đồng thôi, còn viên hàng cao cấp trị giá trăm triệu đồng trở lên thì chỉ có khách giàu hoặc thợ đá mới được xem và mua được, họ không bày lên bàn đâu”. Chợ đá ngày đầu xuân thật nhộn nhịp, có khoảng hơn 20 bàn cố định nhưng lúc nào cũng có hàng trăm người từ khắp nơi đến tham quan.
Đầu năm về đất ngọc được thưởng ngoạn cảnh đẹp của vùng quê phố núi, hòa mình vào các lễ hội và được gặp các nghệ nhân đã dành cả cuộc đời nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm, lưu trữ, tổ chức các lớp học để bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể mới hiểu được tấm lòng yêu quê hương của người dân nơi đây.
Ông Hoàng Quang Nừng, dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở xã Phan Thanh, hiện cư trú tại thị trấn Yên Thế suốt 60 năm qua đã sưu tầm được 12 quyển sách “Khắp, Cọi” của dân tộc Tày huyện Lục Yên và các tỉnh khác, 7 truyện cổ tích, 4 quyển dạy con lúc còn thơ, 2 quyển “Bụt” Tày, 3 quyển “Bụt “ Nùng, 3 quyển “Hát Phưn” dân tộc Nùng...
Nghệ nhân Hoàng Quang Nừng suốt 60 năm qua miệt mài góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Lục Yên.
Ông Hoàng Văn Nhạn, dân tộc Tày ở xã Mường Lai trong 50 năm đã tham gia viết báo, tạp chí cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Tạp chí Văn nghệ vùng cao với trên 11 tác phẩm như: “Nguồn gốc tiếng hát khắp, cọi” của người Tày Lục Yên; “Roong mạ” xã Mường Lai, huyện Lục Yên; lễ “Thạu khoăn” chúc thượng thọ ông bà của người Tày...
Ông Nguyễn Văn Quy ở thị trấn Yên Thế có 15 năm tìm tòi, sưu tầm, lưu trữ được rất nhiều bài hát, các thể loại dân ca, dân vũ của các dân tộc Tày, Nùng, Dao đỏ, Dao trắng... Đây là những người có công lớn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Lục Yên đang được đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Họ đã và đang gìn giữ tinh hoa của quê hương để mỗi độ xuân về, quê núi Lục Yên lại được đón thêm nhiều du khách.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Từ thị trấn Thác Bà (Yên Bình), qua cầu Thác Ông ngược lên thượng nguồn sông Chảy, sẽ gặp những bản làng của người Cao Lan tại xã Vũ Linh (Yên Bình) - nơi bắt đầu của chặng đường Đông hồ, để được tìm hiểu, khám phá những câu hát ví của gái bản, trai làng trong điệu hát Sình Ca; những tình tiết trong lời kể, điệu hát của dân tộc Cao Lan...
YBĐT - Tuần Văn hoá Thể thao và Du lịch Mường Lò năm 2014 đã khép lại để lại những ấn tượng đắc sắc trong lòng du khách gần xa, là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch 8 tỉnh vùng Tây Bắc. Hẹn gặp lại Mường Lò – Nghĩa Lộ trong mùa lễ hội năm sau. Chờ đón những mùa hoa ban nở trắng để hoà mình trong điệu xoè cổ, cùng những lễ hội dân gian đặc sắc và đắm mình trong không gian văn hoá Mường Lò.
YBĐT - Lúa tốt. Chín đều nên màu lúa chín quện vào sắc nắng thu biến cả đất trời Mù Cang Chải thành bức họa dát vàng. Bởi thế, ai đến đây cũng ngất ngây trước kiệt tác của người Mông.
YBĐT - Nằm trong hoạt động của “Tuần tuần Văn hóa và Du lịch Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được diễn ra từ ngày 25 đến ngày 30/9/2014, Câu lạc bộ Dù bay hàng không phía Bắc đã tham gia biểu diễn dù lượn trên đỉnh đèo Khau Phạ.